Phát triển năng lực người học, xem xét từ quản trị của nhà trường

30/04/2015 07:04
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến
(GDVN) - Cùng với sự đồng thuận toàn xã hội về tầm quan trọng của giáo dục là một sự đồng thuận mới về việc phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học.

LTS: Quý vị đang theo dõi bài viết của TSKH.Phạm Đỗ Nhật Tiến phân tích, làm sáng tỏ yêu cầu trong việc tái cơ cấu hệ thống giáo dục, đó chính là việc nhà trường cũng phải có hệ thống năng lực cần thiết để đáp ứng sự thay đổi trong một môi trường giáo dục ngày càng bất định với những đòi hỏi cao hơn, phức tạp hơn, biến động hơn.

Đó là hệ thống năng lực tổ chức thực hiện đổi mới trên 5 lĩnh vực cơ bản: đổi mới chương trình giáo dục; đổi mới xây dựng đội ngũ nhà giáo; đổi mới quản trị nhà trường; đổi mới áp dụng ICT trong dạy, học và quản lý, cùng với việc xây dựng văn hóa học đường.

Trong tiến trình đổi mới khó khăn và vất vả này, cần coi đổi mới quản trị nhà trường là khâu then chốt, là chìa khóa mở cánh cửa để nhà trường Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới.

Giáo dục Việt Nam cần làm gì để phát triển năng lực người học?

Đến nay, giáo dục Việt Nam về cơ bản vẫn là giáo dục truyền thống, với những đặc trưng cơ bản là khép kín, một chiều, nặng về truyền thụ kiến thức. Năm 2000, với việc đổi mới chương trình GDPT theo định hướng lấy người học làm trung tâm, chúng ta khởi động cho bước chuyển sang giáo dục thế kỷ 21.

Tuy nhiên, bước chuyển diễn ra rất chậm chạp. Sau gần 15 năm cố gắng, dạy và học trong trường phổ thông vẫn nghiêng về sự truyền thụ một chiều, đào tạo trong các trường sư phạm vẫn mắc kẹt trong một mô hình đào tạo cũ kỹ và lỗi thời, còn đào tạo trong các trường trung cấp và đại học vẫn chỉ là cung cấp cho người học cái mà nhà trường có chứ không phải cái mà thị trường lao động cần.

Với việc nhận thức lại sứ mệnh và mục tiêu của giáo dục trong việc đáp ứng đồng thời nhiệm vụ phát triển con người và phát triển xã hội, giáo dục Việt Nam sẽ có bước chuyển tiếp tục theo định hướng tiếp cận năng lực, chuyển mạnh giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học.

Đây là bước chuyển khó khăn với nhiều thách thức chung về kinh tế, văn hóa và xã hội đối với một nước đang phát triển như đã chỉ ra ở trên. Đối với nước ta, các thách thức cụ thể của riêng ngành giáo dục đã được phân tích và nhận dạng suốt những năm đổi mới vừa qua.

Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet

Đến nay, các thách thức này vẫn hiện hữu và tập trung đặc biệt ở sự eo hẹp của nguồn lực trong phát triển giáo dục, sự sa sút về động lực của thầy và trò trong dạy và học, sự bất cập về năng lực của hệ thống giáo dục trong đổi mới, và sự yếu kém về hiệu lực của bộ máy trong thực thi chức năng quản lý.

Phát triển năng lực người học, xem xét từ quản trị của nhà trường ảnh 2

Thứ trưởng Bộ Giáo dục tâm tư về chuyện phát triển năng lực người học

(GDVN) - Có nhiều việc cần nhận thức sâu sắc để đổi mới giáo dục, trong đó có việc đổi mới tư duy và từng bước phát triển năng lực người học trong giai đoạn mới.

Mặc dù vậy, yêu cầu đột phá chiến lược trong phát triển nhanh nguồn nhân lực buộc giáo dục Việt Nam phải nhanh chóng thoát khỏi mô hình giáo dục truyền thống.

Cùng với sự đồng thuận toàn xã hội về tầm quan trọng của giáo dục là một sự đồng thuận mới về việc phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học.

Các phẩm chất và năng lực này bước đầu đã được xác định đối với GDPT và sẽ được tiếp tục làm rõ với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học trên cơ sở xác lập Khung trình độ quốc gia.

Một vấn đề cốt tử phải trả lời là làm thế nào để thực hiện bước chuyển sang giáo dục theo tiếp cận năng lực trước rào cản của những thách thức nêu trên.

Để góp phần tìm câu trả lời, Ngân hàng Thế giới đã tiến hành khảo sát, phân tích các thông tin về kỹ năng1 của lực lượng lao động ở nước ta trong năm 2011-2012, và đã đưa ra các đánh giá cùng khuyến nghị có giá trị trong Báo cáo phát triển Việt Nam 2014 (World Bank 2013). Theo đó, những nhận định sau đây rất đáng chú ý:

Thứ nhất, giáo dục đã cung cấp cho một tỷ lệ lớn học sinh và người lao động những kỹ năng cơ bản về đọc, viết và tính toán để thành công trong đổi mới thời gian qua; tỷ lệ này cao hơn nhiều nước, kể cả so với một số nước giàu hơn Việt Nam.

Thứ hai, tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế đang dẫn tới sự dịch chuyển việc làm và kỹ năng từ những nhiệm vụ chủ yếu là thủ công và lặp đi lặp lại sang những nhiệm vụ mang tính tương tác, phi thủ công, không lặp đi lặp lại.

Thứ ba, giáo dục đã không chuyển dịch kịp với sự dịch chuyển trên và vì thế người sử dụng lao động đang đứng trước hai thiếu hụt quan trọng: thiếu hụt kỹ năng đối với những yêu cầu về kỹ năng mới và thiếu hụt lao động có tay nghề trong các ngành cụ thể trước yêu cầu hội nhập và canh tân của nền kinh tế.

Từ đó, Báo cáo phát triển Việt Nam 2014 đưa ra các khuyến nghị sau rất có giá trị tham khảo trong bước chuyển của giáo dục Việt Nam sang tiếp cận năng lực:

Bộ kỹ năng cần cho học sinh và người lao động ngày nay gồm: kỹ năng nhận thức ( từ kỹ năng cơ bản đọc, viết, tính toán đến kỹ năng sử dụng tư duy lôgic, trực giác, tư duy phê phán, tư duy giải quyết vấn đề), kỹ năng xã hội và hành vi (kỹ năng mềm, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp…), kỹ năng kỹ thuật (kỹ năng sử dụng kiến thức, thiết bị, công cụ trong thực thi công việc).

Quá trình hình thành và phát triển kỹ năng mang những đặc trưng sau:

Thứ nhất, quá trình này bắt đầu từ khi con người sinh ra và tiếp diễn với giáo dục mầm non và tiểu học, lên đến trung học, giáo dục nghề, giáo dục đại học, và tiếp tục thông qua đào tạo tại chỗ trong công việc.

Thứ hai,
các kỹ năng xã hội và hành vi rất có giá trị trong giai đoạn đầu đời của đứa trẻ vì các kỹ năng này hỗ trợ kỹ năng nhận thức, đồng thời lại được phát huy từ quá trình phát triển các kỹ năng nhận thức.

Thứ ba, các kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng công việc cụ thể thường được trau dồi ở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và vừa học vừa làm trên công việc thực tế. Các kỹ năng này được phát triển từ các kỹ năng nhận thức và hành vi tốt được tiếp thu và hình thành từ các bậc giáo dục bên dưới.

Như vậy, chiến lược tổng hợp về phát triển kỹ năng cho Việt Nam bao gồm 3 bước:

-    Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học thông qua phát triển giáo dục mầm non. Cần nhận thức rằng dinh dưỡng và kích thích phù hợp trong giai đoạn trước 3 tuổi và giáo dục mầm non có chất lượng cho lứa tuổi từ 3 đến 6 chính là điểm khởi đầu quan trọng nhất để xây dựng kỹ năng nhận thức và hành vi cho trẻ và chuẩn bị cho trẻ “sẵn sàng đi học”.

-     Xây dựng nền tảng nhận thức và hành vi trong GDPT. Cần dựa trên thế mạnh hiện có và kế thừa những thành tựu đã đạt được để tiến tới xác lập mối quan hệ cân bằng giữa kỹ năng cơ bản tốt về đọc, viết và tính toán với các kỹ năng nhận thức bậc cao như giải quyết vấn đề và tư duy phê phán.

Phát triển kỹ năng kỹ thuật phù hợp với công việc thông qua một hệ thống được kết nối tốt hơn. Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và đào tạo tại chỗ phải tạo thành một hệ thống phát triển kỹ năng gắn kết người sử dụng lao động với người học trên cơ sở cải thiện thông tin, nâng cao quyền tự chủ nhà trường, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và giảng dạy của đội ngũ.

Tái cơ cấu nhà trường

Nhìn từ góc độ tổ chức thực hiện bước chuyển sang giáo dục theo tiếp cận năng lực, thì vấn đề cần đặc biệt quan tâm hiện nay là ở cơ cấu giáo dục cấp trường, nơi chịu trách nhiệm chính trong việc biến các chủ trương đổi mới thành hiện thực.

Việc tái cơ cấu nhà trường trở thành yêu cầu cấp thiết. Căn cứ vào các bài học kinh nghiệm về thất bại và thành công trong đổi mới giáo dục thì việc tái cơ cấu nhà trường cần tập trung vào 5 lĩnh vực chủ yếu: chương trình giáo dục, đội ngũ nhà giáo, bộ máy quản trị, công nghệ và văn hóa.

Đổi mới quản trị nhà trường

Việc tái cơ cấu nhà trường không phải là công việc một sớm một chiều. Đó là một tiến trình phức tạp với một hệ thống giải pháp đồng bộ liên quan đến mọi chủ thể của nhà trường.

Nhưng trước hết và trên hết là giải pháp đổi mới quản trị nhà trường để nhà trường thực sự có quyền tự chủ, dân chủ, canh tân và sáng tạo trong đổi mới.

Trên thế giới, việc chuyển mô hình quản trị từ nhà trường tuân thủ và quyền uy sang nhà trường tự chủ và dân chủ là một quá trình nhọc nhằn và không ít thất bại. Từ thực tiễn triển khai, các thách thức sau đây đã được nêu ra:

•    Thách thức về năng lực

•    Thách thức về động lực

•    Thách thức về quan hệ phối hợp

•    Thách thức về giải trình

Những thách thức nêu trên đến nay vẫn tồn tại trong thực tiễn giáo dục nước ta. Cùng với những rào cản không dễ vượt qua về tư duy và nhận thức, trình độ và năng lực, quyền lực và quyền lợi, văn hóa và tập tục, chúng tạo thành một thứ rào cản lỳ lợm khiến quyền tự chủ trong giáo dục nước ta vẫn dừng lại chủ yếu trên văn bản.

Tuy nhiên, trong nỗ lực chung của Nhà nước và xã hội tìm lời giải cho bài toán đổi mới QLGD, đã xuất hiện những động thái mới rất quan trọng.

Phát triển năng lực người học, xem xét từ quản trị của nhà trường ảnh 3

Chương trình, sách giáo khoa mới sẽ có phần trải nghiệm ở nhà

(GDVN) - Chương trình giáo dục phổ thông kiến thức quá khó chưa cần thiết có thể bỏ, nhưng khả năng vận dụng vào thực tế, góp phần hình thành năng lực phải tăng lên.

Thứ nhất, là Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 với trọng tâm là cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Thứ hai, là việc ban hành Nghị quyết 40CP ngày 9/8/2012 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh XHH một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công” với định hướng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, tạo quyền chủ động để các đơn vị dịch vụ công hoạt động phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN, tham gia thị trường, cung cấp ngày càng nhiều và tốt hơn dịch vụ công cho xã hội, nhất là dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ.

Thứ ba, là yêu cầu của NQ29 về đổi mới căn bản công tác quản lý GD&ĐT, trong đó quy định “phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục và đào tạo”. Và mới đây nhất là việc ban hành Nghị định Chính phủ số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Các động thái nêu trên cho thấy một xu thế chuyển động trong đổi mới QLGD nước ta. Đó là xu thế chuyển dịch vai trò của Nhà nước từ chỉ huy và kiểm soát sang trao quyền và giám sát trên cơ sở giữ vững vai trò của Nhà nước trong cung ứng và cấp tài chính cho giáo dục, bảo đảm giáo dục về cơ bản là lợi ích công.

Việc phân cấp cho các cơ quan quản lí giáo dục địa phương và việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục được đẩy mạnh theo tinh thần cải cách hành chính nhà nước, hướng tới việc bảo đảm sự công bằng và sự hài lòng của người dân trong việc thụ hưởng giáo dục.

Do đó, cơ chế quản lí giáo dục cũng đang có sự chuyển dịch từ cơ chế quản lý lấy nhà quản lý làm trung tâm sang cơ chế quản lý lấy nhà trường, nhà giáo, người học làm trung tâm.

Phương thức quản trị mới – quản trị điện tử.

Hình thành cơ chế khuyến khích mới. Đây là cơ chế để giữ chân người giỏi với trường, tạo động lực để đội ngũ nhà giáo tận tâm với nghề và tích cực tham gia vào công tác quản lý nhà trường.

Việc đổi mới quản trị nhà trường theo cơ chế tự chủ phải bảo đảm rằng thu nhập, thăng tiến và sự thành đạt trong nghề là những yếu tố cơ bản phải xét đến trong việc bảo đảm mối quan hệ cân bằng giữa một bên là những yêu cầu đối với nhà giáo và một bên là nguồn lực vật chất cần thiết để họ có đủ động lực hoàn thành các yêu cầu đó.

Tạo dựng nền tảng văn hoá mới. Việc chuyển sang mô hình nhà trường mới đòi hỏi một nền tảng văn hoá mới, trong đó từng nhà trường phải xây dựng được cho mình một triết lý giáo dục cụ thể.

Triết lý giáo dục không phải là cái gì trừu tượng mà là sự phát biểu tường minh của nhà trường về tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cùng chia sẻ, các mục tiêu mong muốn, các việc phải làm.

Khi đó, mỗi nhà trường sẽ có một bộ mặt văn hoá ít nhiều đặc sắc và khác biệt, đưa hệ thống giáo dục thoát khỏi trạng thái đơn nhất hiện nay để có sự đa dạng cần thiết, tạo nên sức sống và sự năng động của hệ thống.

Hơn thế nữa, điều cốt lõi là ở chỗ với việc bền bỉ xây dựng văn hóa nhà trường, nó sẽ sản sinh ra một trường lực vô hình tạo động lực cho mọi thành viên nhà trường, phát huy năng lực và quy tụ sức sáng tạo của họ, giúp nhà trường vượt qua các rào cản để thực thi sứ mệnh của mình.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến