Phó Chủ tịch nước đề nghị bỏ Kỳ thi tốt nghiệp THPT

31/07/2013 18:36
Xuân Trung (tổng hợp)
(GDVN) - Sáng nay (31/7), những người có tên tuổi trong giới giáo dục lại có dịp ngồi cùng nhau tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong hội nghị do Mặt trận Tổ quốc tổ chức.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT do tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 - 96%; kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ tổ chức quá gần nhau gây căng thẳng, tốn kém.

Bỏ kỳ thi Tốt nghiệp THPT?

Báo NLĐ dẫn lời Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, khi cho rằng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 - 96%. “Chỉ duy nhất 1 năm khi thực hiện cuộc vận động “2 không” là thắt chặt, có trường đỗ tốt nghiệp 10 - 20%, thậm chí có lớp không có học sinh nào đỗ. Liệu có thắt chặt mãi được không? Nếu “thắt” thì phải thắt khâu quản lý, “thắt” quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi này” - Phó Chủ tịch nước.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tham gia góp ý cho nền giáo dục tại Hội nghị sáng nay.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tham gia góp ý cho nền giáo dục tại Hội nghị sáng nay.

Một lý do nữa cũng được Phó Chủ tịch nước nêu ra, đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức quá gần nhau gây căng thẳng cho thí sinh cũng như tốn kém tiền của xã hội. “Hai kỳ thi quá gần nhau vừa khổ cho gia đình vừa khổ cho nhà trường” – Phó Chủ tịch nước nhìn nhận.

Trước quan điểm của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, PGS Văn Như Cương cũng bày tỏ, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức nhẹ nhàng và giao về cho các sở. “Không cần phải tổ chức một cuộc thi quốc gia rất nặng nề và căng thẳng như hiện nay: thi cùng ngày, cùng đề, cùng biểu điểm…” - PGS Văn Như Cương đặt vấn đề.

Theo PGS Văn Như Cương, thi cử lạc hậu là điều khiến học sinh, phụ huynh khổ sở vì không đánh giá được thực chất. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng học lệch học tủ, học thêm. “Không thể chấp nhận học ròng rã 12 năm trời lại chỉ được đánh giá bằng bài thi 3 tiếng, nên giảm tải kỳ thi” - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.

THPT chỉ cần học 2 năm là đủ?

Cũng tại Hội nghị này, GS Hồ Ngọc Đại nêu quan điểm nền giáo dục cho 100% dân cư hiện đại phải cấp cho từng cá nhân hiện đại sức lao động - từ nấc thang thấp nhất cho đến nấc thang cao nhất - để mỗi cá nhân có thể sống bình thường.

Lí do để bậc học THPT chỉ nên tiến hành trong 2 năm, theo GS Đại là bậc học đã có đặc trưng cơ bản của giáo dục nhà trường hiện đại là tạo ra sự phát triển tinh thần cho từng cá nhân. Bậc học, cấp học là một đoạn cắt ra tư dòng phát triển tự nhiên của trẻ em hiện đại, theo nhu cầu sức lao động mà cá nhân cần có - để sống bình thường.

Việc học hiện đại đối với 100% dân cư là việc sống còn - đừng phủ lên nó những ảo tưởng mơ hồ, những thua cuộc được mất trong phòng thi.

Trên ở Vietnamnet đăng tải ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, theo đó hệ thống giáo dục phổ thông cần 11 năm (6 năm tiểu học, 3 năm THCS và 2 năm THPT). 17 tuổi ra khỏi trường phổ thông ở nền văn minh hiện đại là vừa. Nán lại thêm 1 năm nữa là thừa, tốn kém và có thể hại về tâm lý đối với thanh niên hiện đại.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp từ Phó Chủ tịch nước và những nhà giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, những ý kiến tâm huyết hiến kế chấn hưng giáo dục nước nhà sẽ được tiếp thu. Các ý kiến thể hiện quan điểm chăm lo cho giáo dục nước nhà mà số đông đại biểu chia sẻ: Đổi mới căn bản toàn diện mình Bộ GD&ĐT không làm được mà cần trí tuệ của toàn xã hội.



Xuân Trung (tổng hợp)