Phó giáo sư Bùi Đức Triệu chia sẻ bí quyết ghi danh dễ trúng tuyển đại học

16/07/2018 06:47
Thùy Linh
(GDVN) - Ví dụ, năm 2017, ngành Kế toán của trường lấy 27 điểm; trong khi năm nay thí sinh được 24 điểm, vậy thì cứ mạnh dạn đăng kí, đừng dè chừng mà mất cơ hội.

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả thi trung học phổ thông quốc gia 2018 và phổ điểm từng môn học thì đến nay nhiều trường đại học đã, đang công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển và điểm chuẩn dự kiến để lựa chọn thí sinh. 

Nhận định về kết quả thi và dự đoán về bức tranh tuyển sinh đại học năm nay, Phó giáo sư Bùi Đức Triệu - Trưởng Phòng Đào tạo (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, so với năm ngoái, năm nay điểm thi có tính phân hóa tốt hơn, phổ điểm tiệm cận đến phân phối chuẩn, tốt hơn trước.

Điều này sẽ thuận lợi cho việc xét tuyển đại học bởi tính phân hóa của đề rất cao. 

Với phổ điểm như vậy, ông Triệu khẳng định tại Ngày hội tư vấn xét tuyển 14/7 rằng, dĩ nhiên điểm chuẩn của trường Kinh tế Quốc dân năm nay sẽ giảm, nhưng không có nghĩa chất lượng đầu thấp, ngược lại tính phân loại học sinh cao thì chất lượng sẽ cao.

Ông Triệu lưu ý với phụ huynh và thí sinh không nên rút hồ sơ, chỉ có chuyện thêm hồ sơ, chứ không bớt.(Ảnh: Thùy Linh)
Ông Triệu lưu ý với phụ huynh và thí sinh không nên rút hồ sơ, chỉ có chuyện thêm hồ sơ, chứ không bớt.(Ảnh: Thùy Linh)

Ông Bùi Đức Triệu đưa ra lời khuyên: “Tùy vào từng ngành riêng biệt của Nhà trường, dự kiến, điểm xét tuyển sẽ giảm trung bình từ 1 đến 3 điểm. 

Vì thế, khuyến nghị chung với tất cả thí sinh và phụ huynh nên lấy điểm của mình, cộng thêm 3 điểm nữa, rồi so sánh với điểm chuẩn 2017 thì sẽ tính được khả năng đỗ đến đâu.

Sau đó mới cân nhắc đến chuyện thay đổi nguyện vọng sắp tới đây; tránh tình trạng điểm chưa loạn, phụ huynh và thí sinh đã loạn tâm lí trước”.

Ông Triệu nêu ví dụ, năm 2017, ngành Kế toán của trường lấy 27 điểm; trong khi năm nay thí sinh được 24 điểm, vậy thì cứ mạnh dạn đăng kí, đừng dè chừng mà mất cơ hội.

Đồng thời, ông Triệu lưu ý với phụ huynh và thí sinh không nên rút hồ sơ, chỉ có chuyện thêm hồ sơ, chứ không bớt. Thêm hồ sơ xét tuyển đồng nghĩa cơ hội vào Đại học sẽ tăng lên theo, đừng vì mấy đồng phí mà bỏ rơi cơ hội.

Nhưng cũng không nên thêm quá nhiều, tối đa 10 đến 12 nguyện vọng là ổn nhất.

Chuyên gia khuyên thí sinh không nên thêm quá nhiều, tối đa 10 đến 12 nguyện vọng là ổn nhất. (Ảnh: Thùy Linh)
Chuyên gia khuyên thí sinh không nên thêm quá nhiều, tối đa 10 đến 12 nguyện vọng là ổn nhất. (Ảnh: Thùy Linh)

Chia sẻ về bí kíp giúp các thí sinh đăng kí xét tuyển dễ dàng đỗ vào các trường đại học theo tỉ lệ cao nhất, ông Triệu khuyên, khi đăng kí nguyện vọng, thí sinh nên chia thành 3 nhóm, theo nguyên tắc bậc thang: nhóm cao, nhóm trung bình và nhóm thấp.

Nhóm cao là các ngành lấy điểm đầu vào cao hơn điểm thi của chúng ta 3 điểm trở lên. 

Nhóm trung bình là nhóm ngành lấy điểm xấp xỉ điểm gốc của mình trong khoảng cộng hoặc trừ 1 điểm. 

Và cuối cùng, điểm nhóm thấp là thấp hơn điểm của ta 3 điểm trở xuống. Với xác xuất như vậy, chúng ta sẽ chắc chắn nắm trong tay 1 tấm vé vào đại học như mong muốn.

Ông Triệu lưu ý với các thí sinh, việc xét tuyển theo nguyện vọng 1, 2…n, các nguyện vọng bình đẳng ngang với nhau. Bình đẳng ngang khác bình đẳng dọc.

Bình đẳng dọc là khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, các nguyện vọng sau sẽ không xét nữa; còn nguyện vọng bình đẳng ngang nghĩa là nếu trượt nguyện vọng 1, ta sẽ được xét đến nguyện vọng 2, 3, 4….

Thùy Linh