“Phóng viên” nghiệp dư

01/12/2012 06:45
Theo Tuổi trẻ
Ở Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, có một mô hình gây quỹ học bổng cho học trò nghèo khá độc đáo. Nhóm “phóng viên nghiệp dư” gồm năm thầy cô đã đến tận nhà các học sinh nghèo vượt khó để quay phim rồi trình chiếu nhằm gây quỹ học bổng cũng như kích thích phong trào vượt khó học tập trong toàn trường...

Mô hình này ra đời cách đây bốn năm và người nghĩ ra là cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh, giáo viên môn vật lý. Cô Quỳnh Anh nhớ lại trường có nhiều em hoàn cảnh quá khó khăn phải sớm mưu sinh để tự nuôi bản thân, nuôi việc học. Điều này khiến cô cứ trăn trở. Rồi lần đó khi xem phóng sự về những cảnh đời trên tivi, cô Quỳnh Anh bật lên ý nghĩ: tại sao không trực tiếp đến nhà các em quay phim rồi phát cho mọi người xem. Đây sẽ là minh chứng để kêu gọi sự hỗ trợ các em, cũng là gương sáng cho các em khác noi theo. Ý tưởng của cô Quỳnh Anh chẳng những được trường tán thành mà còn được ban giám hiệu hỗ trợ thêm máy quay. Thế là nhóm “phóng viên” nghiệp dư gồm năm giáo viên, mỗi người đảm nhiệm một khâu: quay phim, dựng phim, phỏng vấn, lồng tiếng...
Danh sách học trò nghèo được các giáo viên chủ nhiệm gửi đến, theo đó nhóm chọn ra những điển hình học giỏi, vượt khó... Thầy Nguyễn Quốc Dũng - giáo viên tin học, tâm sự: “Buổi đầu tác nghiệp khá lúng túng bởi tay nghề còn quá non, nào là chưa biết chọn góc độ, tư thế thu hình cho đạt. Rồi phần zoom phóng to, thu nhỏ không đều tay nên màn hình bị giật...”. Biết lực còn yếu, nhóm quyết nâng tay nghề bằng cách tìm tài liệu học hỏi, rồi xem truyền hình để rút kinh nghiệm...
Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet
Để có những thước phim sống động, nhóm chẳng những quay “diễn viên chính” mà còn phải quay cả những “diễn viên phụ” là phụ huynh các em. Đa số gia đình các em sống bằng làm ruộng, giăng câu... Vì vậy cả nhóm theo chân “các diễn viên” lội tuốt ra đồng hoặc ra sông, kênh rạch... Cô Quỳnh Anh tâm sự: “Tiếp xúc rồi mới thấy thương và nể các em quá! Có em cả gia đình ba người sống trên chiếc ghe cũ nát, có em vừa chào đời đã bị mẹ bỏ rơi phải nương dựa vào ông bà ngoại, mưu sinh bằng việc mò cua bắt ốc, Nhìn cảnh đời như vậy nhóm càng quyết tâm hơn...”.
Cô Võ Thị Kim Cương - bí thư Đoàn trường - nhớ lại: “Năm đầu vận động được 10 triệu đồng trao cho mười em, mỗi suất 1 triệu đồng. Những năm sau thêm nhiều người biết việc làm của nhóm nên nhiệt tình tham gia. Có học sinh bỏ ống tiết kiệm hoặc dành dụm tiền gửi vào quỹ. Nhiều giáo viên, phụ huynh cũng chung tay chia sẻ. Cứ vậy số quỹ tăng từ 13 triệu lên 25 triệu đồng. Số em nhận học bổng cũng tăng thêm từ 20-27 suất. Còn hiện giờ danh sách trao học bổng là 28 em”.
Việc làm ý nghĩa của nhóm đã lan tỏa sang trường lân cận khác như Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Và như vậy sẽ có thêm nhiều bạn học sinh nhận được những cái nắm tay tiếp sức nồng ấm tình người, đôi chân sẽ bước vững hơn trên con đường đến trường.
Theo Tuổi trẻ