Phụ huynh hốt hoảng vì không thể giải nổi đề lớp 2

19/12/2017 07:00
Sông Mã
(GDVN) - Bản thân là một thạc sĩ kinh tế (suốt thời học phổ thông 12 năm liền chị đều là học sinh giỏi xuất sắc) nhưng nay dạy con học tiểu học cũng thấy vất vả.

LTS: Chia sẻ câu chuyện về việc dạy học cho con của một người bạn, tác giả Sông Mã đã đưa ra những quan điểm xung quanh vấn đề ra đề thi và kiểm tra hiện nay.

Từ đó, tác giả cho rằng chuyện Thông tư 22 quy định đề thi của học sinh tiểu học buộc phải theo ma trận và ra ở 4 mức độ như hiện nay có thật sự cần thiết?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chị phụ huynh kể rằng, nhìn hai con (lớp 2 và lớp 3) suốt ngày đánh vật với những bài toán vô cùng khó chị cảm thấy xót lòng vì thương con.

Là một thạc sĩ kinh tế (suốt thời học phổ thông 12 năm liền chị đều là học sinh giỏi xuất sắc) nhưng nay dạy con học tiểu học cũng thấy vất vả.

Những đứa bé mới tí tuổi đầu nhưng đã phải căng óc để làm những bài toán không có trong sách giáo khoa, các con không được học hàng ngày, hỏi sao các bé có thể làm nổi.

Học sinh vất vả với bài kiểm tra (Ảnh minh họa: internet).
Học sinh vất vả với bài kiểm tra (Ảnh minh họa: internet).

Lứa tuổi lên 7 lên 8 chỉ cần đọc thông viết thạo, nói năng thành câu, làm cộng trừ nhân chia đơn giản nghĩ cũng đủ, có phải đào tạo ra những nhà toán học tương lai đâu mà nhất thiết phải nhồi sọ những dạng toán cao siêu, những bài toán đến người lớn được học hành như chị đôi khi cũng chịu bó tay.

Một lần cô con gái lớp 2 mang về bài toán “có tất cả bao nhiêu số có 2 chữ số mà hiệu của hai chữ số đó bằng 6?”. Chị nói mình đã giảng hoài nhưng con vẫn không thể tự làm nên chép luôn cho con kết quả là 4 số (71, 82, 93, 60).

Hôm sau đi học về, vừa bỏ cặp xuống bàn cô con gái la lớn “mẹ giảng cho con bài ấy sai rồi nhé. Cô con nói có 7 số kia (17, 71, 28, 82, 39, 93 và 60).

Nói rồi con thắc mắc “sao số 17, số 28, số 39 lại đúng hả mẹ, số nhỏ đứng trước có trừ được cho số lớn đâu?”.

Lúc này, chị mới hiểu ý của đề mà lúc trước chị cũng nhầm lẫn như thắc mắc của con nhưng để giảng cho một đứa bé 7 tuổi hiểu được vấn đề cũng chẳng hề đơn giản tí nào.

Đó là chưa nói đến, có những bài toán giáo viên ra còn bị sai thì lấy gì các con làm được.

Rồi chị kể, cậu con trai lớp 3 đi học về khóc rấm rứt. Chưa bao giờ tôi thấy con trong tâm trạng như vậy.

Hỏi ra mới biết “cô phát đề ôn tập nhưng con không làm được mẹ ạ”. Nghe con nói, tôi giật mình “con mình xưa đến nay học rất tốt, chắc đề khó quá mới làm con bối rối như vậy”.

Phụ huynh hốt hoảng vì không thể giải nổi đề lớp 2 ảnh 2Có phụ huynh nào biết con em mình đang phải làm gì dưới mái trường không?

Nghĩ thế, tôi hỏi con “đề khó lắm hả? Sao không hỏi cô để cô giảng lại?”. Cậu bé dấm dẳng “con thấy đề không khó nhưng con làm hoài chẳng ra kết quả".

Con hỏi thì cô bảo “cứ suy nghĩ đi, khó mới phải nghĩ, nhìn vào là làm ngay thì gọi gì là toán khó?” Rồi cậu bé đề nghị “con chịu rồi đó, nghĩ hoài không ra. Hay mẹ thử làm xem sao?”

Cầm cái đề của con, tôi đọc đi đọc lại bài số 4 đến vài lần cũng không hiểu nổi ý đồ người ra đề thì sao con có thể làm?

Bài số 5 tôi làm đến mấy lần cũng không thể tìm ra một trong bốn kết quả cô cho bên dưới. Tôi cũng hoang mang, lẽ nào mình làm sai?

Tôi cũng chịu bó tay, hay do tôi học đã lâu nên không nhớ cách làm? Chương trình mới có cách ra đề và cách giải mới chăng? Băn khoăn quá mà không biết hỏi ai?

Con trai tôi nói nếu đêm nay làm không xong sáng mai con chẳng dám lên trường học vì sợ bị cô la.

Câu 4: (1,0đ) Đúng ghi Đ, sai ghi S vào ô trống.

a. Giá trị của biểu thức 36 + 18 x 5       □         

b. Giá trị của biểu thức 36 + 48 :8        □ 

Câu 5:  (1,0đ) Một bao gạo có số ki-lô-gam bằng số lớn nhất có hai chữ số, sau khi dùng hết một số gạo bằng số bé nhất có hai chữ số. Người ta chia số gạo còn lại vào các túi chứa 7kg. Số túi cần là:

                    A.11 túi                 B.12              C.13 túi                D.14 túi      

Là giáo viên khi gặp những phản ánh của nhiều phụ huynh như chị, tôi và đồng nghiệp chỉ biết nói rằng “Học một đường ra đề thi cho học sinh một nẻo là yêu cầu của Thông tư 22. Không chỉ phụ huynh mà giáo viên cũng bức xúc nhưng chẳng thể làm gì”.

Yêu cầu của đề kiểm tra, đề thi phải đảm bảo đúng 4 mức độ. Một điều vô lý hết sức là những kiến thức trong sách giáo khoa chỉ nằm ở mức 1, mức 2. Mức 3 và mức 4 giáo viên phải lấy kiến thức bên ngoài.

Phụ huynh hốt hoảng vì không thể giải nổi đề lớp 2 ảnh 3Đề ra theo tinh thần Thông tư 22, thây và trò quay cuồng ôn tập

Thay vì cũng kiến thức đã học, giáo viên chỉ cần gây nhiễu một số dữ liệu là đã có ngay một câu hỏi nâng mức vừa kiểm tra được sự thông minh nhanh nhạy của học sinh vừa không làm khó các em.

Ví như một hình chữ nhật có chiều dài là 40 cm, chiều rộng là 20cm. Hỏi chu vi hình chữ nhật là bao nhiêu dm?

Thế nhưng có không ít trường học khi ra đề thi cứ lôi toán trong trang violimpic vào để buộc các em phải làm. Trong một đề thi có đến vài bài như thế (mức 3 và mức 4) khiến cho giáo viên cũng vất vả ôn luyện mà học sinh cũng quay quắt ôn tập suốt cả ngày đêm.

Một số giáo viên bức xúc “những bài toán trong sách giáo khoa học sinh làm còn sai lên sai xuống, thế mà mỗi khi thi, đề bài yêu cầu làm những dạng toán “trên trời”.

Thế nên mới xảy ra không ít trường hợp khi chấm bài thi có lớp gần như điểm lẹt đẹt dưới 5 chỉ khoảng vài em đạt từ trung bình trở lên. Thế là thầy cô (đôi khi có cả nhà trường) đành lặng lẽ hủy kết quả, phô tô lại đề cho học sinh làm lại.

Toán khó, giáo viên vất vả đã đành, nhiều phụ huynh có trình độ cũng không thể hướng dẫn nổi cho con những bài toán lớp 2, 3 nói gì đến lớp 4, 5. Và giải pháp thuận tiện nhất cho con đến lò luyện giải toán nâng cao sau mỗi chiều tan trường.

Những đứa trẻ bé tí đã học cả ngày trên trường tối về còn phải luyện giải toán nâng cao đến mụ cả đầu óc.

Chuyện Thông tư 22 quy định đề thi của học sinh tiểu học buộc phải theo ma trận và ra ở 4 mức độ như hiện nay có thật sự cần thiết?

Bao năm qua, đề thi được ra là kiến thức cơ bản các em đã học trong chương trình, chỉ có một câu khó (1 điểm) dành cho học sinh giỏi, xuất sắc thấy đã hợp lý.

Nay thay đổi cấu trúc ra đề kiểu này, gánh nặng về học tập lại ngày càng đè nặng lên vai những đứa trẻ con còn quá ngây thơ thì thật là đáng tội.

Sông Mã