Phụ huynh tố cô giáo “hà khắc, thiếu tình người” nên xem lại mình trước

28/09/2017 07:24
Phan Tuyết
(GDVN) - Phụ huynh luôn đòi hỏi ở thày cô rất nhiều. Bởi thế, giáo viên cũng luôn cần ở phụ huynh một sự sẻ chia chân thành chứ không phải cứ bất bình là lên Facebook.

LTS: Tiếp tục câu chuyện một phụ huynh trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh tố cô giáo chủ nhiệm “hà khắc, thiếu tình người” trên mạng xã hội, cô giáo Phan Tuyết có bài chia sẻ thứ hai, mong tìm một tiếng nói chung giữa gia đình với nhà trường, vì tương lai của con trẻ.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi và cảm ơn cô giáo Phan Tuyết! Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Câu chuyện chị Đào Hương Giang chia sẻ trên mạng xã hội về những bức xúc của mình khi có con gái theo học tại trường Lương Thế Vinh. 

Bài chia sẻ của chị mang tên “Bên trong cánh cửa Lương Thế Vinh - chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt” đã thu hút một lượng lớn bạn đọc chia sẻ và bình luận. 

Có hàng trăm ý kiến đồng tình với việc giáo dục nghiêm khắc của cô giáo (nói là nghiêm khắc cũng chỉ bắt học sinh viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh và lao động công ích khi đã thông báo với cha mẹ các em hình thức kỉ luật này trong buổi họp phụ huynh đầu năm). 

Nhưng cũng có không ít ý kiến tỏ ra bất bình với cách giáo dục được cho là hà khắc, thiếu tình người của giáo viên.

Trong khi đó, có không ít những lời bình luận khiếm nhã dù chưa hiểu hết ngọn ngành câu chuyện.

Câu chuyện giáo dục trở thành "sự kiện truyền thông", ảnh chụp màn hình Tin tức Gooogle.
Câu chuyện giáo dục trở thành "sự kiện truyền thông", ảnh chụp màn hình Tin tức Gooogle.

Mới đây, theo lời kể của chị Hương Giang trên báo điện tử Zing.vn, khi mang những bức xúc vì chứng kiến con gái gặp áp lực tại trường chia sẻ với cô hiệu phó, chị nhận được câu trả lời: 

“Nếu tiếp tục học ở môi trường này, phụ huynh coi như ngậm đắng nuốt cay, chúng tôi không bắt buộc con chị phải học ở đây. Chị hoàn toàn có thể chuyển cho con sang môi trường khác”.

Chị Đào Hương Giang khẳng định việc chuyển trường cho con không đơn giản. Nó là phương án bất đắc dĩ. 

Việc những người làm giáo dục có phát ngôn chưa hay như vậy là không tôn trọng phụ huynh và học trò.

"Cái chúng tôi muốn là sự thống nhất và thấu hiểu giữa thầy cô và cha mẹ, chứ không phải cứ đẩy các con đi là xong chuyện. Nếu trường nào cũng đuổi học trò, con chúng tôi sẽ học ở đâu?", người mẹ này đặt câu hỏi. [1]

Cha mẹ học sinh đã thấu hiểu và tôn trọng nhà trường chưa?

Chị Hương Giang nói rằng: “Cái chúng tôi muốn là sự thống nhất và thấu hiểu giữa thầy cô và cha mẹ, chứ không phải cứ đẩy các con đi là xong chuyện…”. 

Chị nói thế sao không tự hỏi lại chính bản thân mình đã xử sự với nhà trường, với giáo viên một cách thấu hiểu và tế nhị chưa?

Giá chị bất bình, bức xúc vì cách giáo dục được cho là hà khắc của giáo viên, chị có thể tới trường gặp trực tiếp cô giáo chủ nhiệm ấy để trình bày suy nghĩ của mình. 

Tôi tin rằng bất kì giáo viên nào được phụ huynh góp ý thẳng thắn nhưng chân tình họ cũng sẽ ghi nhận và sửa đổi. 

Nếu sau khi đã góp ý nhưng vẫn không thể tìm được tiếng nói chung, chị có thể gặp ban giám hiệu để nhờ sự giúp đỡ. 

Phụ huynh tố cô giáo “hà khắc, thiếu tình người” nên xem lại mình trước ảnh 2

Nỗi đau lớn nhất của người thầy trước "khủng hoảng truyền thông"

Đằng này, chị lại đưa sự việc lên mạng xã hội tạo nên một cuộc tranh luận vô cùng quyết liệt. 

Người đồng cảm cũng có, nhưng người không hiểu chuyện lại quá nhiều. 

Bởi vì họ chỉ dựa thông tin buộc tội một chiều cùng hiệu ứng đám đông để nhảy vào phán xét, thóa mạ một cách vô tội vạ. 

Việc làm này, không chỉ làm mất uy tín giáo viên còn làm ảnh hưởng tới uy tín của nhà trường. 

Đôi khi chỉ vì những chuyện ồn ào như thế mà bao công sức xây dựng, vui đắp của nhà trường trong nhiều năm cũng bị chôn vùi dưới làn sóng “bia miệng”.

Nếu phụ huynh tế nhị hơn...

Tôi đã từng đọc được câu chuyện “Chị chọn cách xử lý khác” đăng trên Báo Tuổi Trẻ mà không bao giờ quên được. 

Bởi đó là cách xử lý đầy nhân văn của một phụ huynh khi con chị bị cô giáo bạo hành (dùng thước đánh bầm mông và lưng bé) 2 lần liên tục trong cùng một tháng.

“Có người khuyên chị nên đưa sự việc này ra ánh sáng, có người lại nói cần liên lạc ngay với nhà báo để đưa thông tin này lên báo, cảnh tỉnh mọi người;

Có người lại bảo chị đưa hình ảnh và thông tin lên Facebook, công khai tên tuổi cô giáo đánh học sinh và trường học ấy, để đình chỉ giảng dạy một giáo viên thiếu tư cách như vậy, để con chị cũng như những trẻ khác không còn bị đánh như thế nữa.

Ngay cả chồng chị cũng nói phải dẫn bé đến công an phường để tố cáo cô giáo. 

Là mẹ, mấy đêm liền chị nằm suy nghĩ rất nhiều về con mình và cả về cô giáo ấy nữa…

Nhưng thật bất ngờ, chị không nóng nảy như phần lớn bố mẹ khác, mà quyết định chọn một phương án xử lý của riêng mình. Chị bảo (với cô giáo) rằng con bị cô đánh đến lần thứ hai, là mẹ, chị rất xót.

Đưa việc cô giáo đánh con gái mình lên báo hay lên mạng xã hội, với chị là một việc khá đơn giản. Nhưng hệ lụy đằng sau đó chị cũng đã nghĩ tới. 

Vì uy tín của trường, vì sự an toàn của học sinh, có thể hiệu trưởng sẽ sa thải giáo viên này. 

Điều ấy đồng nghĩa với việc một người mẹ đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống sẽ thất nghiệp, và sẽ rất khó xin lại một chỗ dạy với tiền lệ là đánh học sinh nhiều lần. 

Và rồi, bi kịch tất yếu sẽ xảy đến, nếu cô giáo ấy không bình tĩnh, không đối diện được với sự thật. 

Rồi các con của cô giáo ấy cũng sẽ chịu rất nhiều áp lực khi ra đường, lên lớp, sau này phải nghe người ta xì xào bàn tán, thậm chí nói những lời độc mồm về mẹ mình.

Và chị chọn một cách làm khác. Chị bảo sẽ dẫn con đến gặp hiệu trưởng và cô giáo ngay ở trường một lần nữa, nói chuyện nhẹ nhàng với nhau. 

Trong cuộc nói chuyện ấy, chị sẽ nói với tâm trạng và tư cách một người mẹ.
Sau đó, chị sẽ dẫn con mình đến nhà cô giáo, thăm và thắp hương cho chồng cô.

Chị sẽ nói chuyện với cô như hai người phụ nữ với nhau, cùng chia sẻ những khó khăn, vất vả trong cuộc sống. 

Phụ huynh tố cô giáo “hà khắc, thiếu tình người” nên xem lại mình trước ảnh 3

Chuyển trường - mảnh đất màu mỡ của quan tham, cửa ải gian nan của nhà giáo

Cuối buổi thăm, chị sẽ nhắc chuyện cô giáo và con mình, sẽ bảo cô rằng chị coi con gái cô cũng như con gái chị và mong cô cũng vậy”.[2]

Con gái của chị bị đánh đến bầm mông và lưng, một tháng cô đánh bé đến hai lần mà phụ huynh còn xử sự đầy nhân hậu như thế thật là hiếm có. 

Chắc chắn rồi cô giáo ấy sẽ chẳng bao giờ còn đối xử với con chị như thế nữa.

Trở lại câu chuyện với chị Hương Giang. Cô giáo chủ nhiệm của con chị mới dùng những hình phạt (viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh…) mà chị đã xử sự như vậy thì không biết giáo viên mà đánh con chị như vị phụ huynh trong câu chuyện vừa kể trên thì hậu quả sẽ đến thế nào?

Nên có cái nhìn bao dung hơn với thầy cô

Mỗi gia đình chỉ có 2 con. Có bậc phụ huynh nào nói rằng mình chưa bao giờ la nạt con? Chưa bao giờ nghiêm khắc với chúng? Tôi tin là có, nhưng không nhiều.

Giáo viên một lớp phải quản đến dăm chục em với đủ tính cách khác nhau. Em chăm ngoan, sống nề nếp. Nhưng không ít em chẳng coi ai ra gì bởi cách giáo dục và hoàn cảnh đặc biệt từ phía gia đình.

Cũng xin lưu ý rằng, con chị Hương đang học trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, cấp 3 rồi, chứ không còn là học sinh tiểu học hay mầm non để ai đó nói rằng, các cháu bị bạo hành vì không có khả năng tự vệ. 

Các biện pháp cô giáo chủ nhiệm giáo dục các học sinh vi phạm nội quy nhà trường chỉ là viết bản kiểm điểm, phạt lao động công ích và mời phụ huynh lên trao đổi.

Chúng tôi chưa thấy thông tin nào nói cô giáo chủ nhiệm này lăng mạ hay đánh, mắng học sinh.

Vì vậy thiết nghĩ, nếu thực sự vì nền giáo dục này, vì con em mỗi chúng ta, mỗi người nên có cái nhìn bình tĩnh, thấu đáo.

Nói như vậy không có nghĩa là “bưng bít thông tin” hay “đóng cửa bảo nhau”. Khi đã nỗ lực đối thoại nhưng không thành, lúc đó đưa ra công luận cũng chưa muộn.

Điều tôi muốn nói là, mong sao dư luận luôn coi đây là “câu chuyện giáo dục”, chứ không phải “sự kiện truyền thông” để tìm kiếm những thông tin “hot”.

Bởi trên thực tế, thầy cô luôn chịu áp lực về chất lượng giáo dục cũng như tư cách đạo đức của học trò cả từ hai phía gia đình và nhà trường, thậm chí cả các nhà quản lý và chuyên gia giáo dục.

Những người chưa bao giờ đứng lớp thì rất dễ phán xét giáo viên. 

Các em học yếu cũng tại thầy cô không biết dạy, học sinh hư cũng do thầy cô không giáo dục hoặc giáo dục chưa nghiêm, nỗi khổ này chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được đầy đủ nhất.

Nghiêm khắc với trò cũng là cách thể hiện tình yêu của người thầy với các em. Chỉ khi thầy cô bỏ rơi, không bao giờ nhắc tới mới đáng lo sợ. 

Đừng để vì những đòi hỏi, áp lực vô lý và quá sức chịu đựng của giáo viên từ phía gia đình, xã hội và cả các nhà quản lý giáo dục, đẩy thầy cô và nhà trường vào chỗ vô cảm, việc ai người ấy làm, hết giờ ra khỏi lớp.

Cho học sinh lên lớp, chấm điểm cao chót vót là điều quá dễ dàng và đang ngày càng trở nên phổ biến.

Phụ huynh luôn đòi hỏi ở thày cô rất nhiều. Bởi thế, giáo viên cũng luôn cần ở phụ huynh một sự sẻ chia chân thành chứ không phải cứ bất bình là lên Facebook hay truyền thông để nói chuyện.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://news.zing.vn/khong-dong-y-thi-chuyen-truong-tre-con-biet-hoc-o-dau-post782532.html

[2]http://tuoitre.vn/chi-chon-cach-xu-ly-khac-1084576.htm

Phan Tuyết