Quà của học trò dưới ánh mắt thầy Trần Nguyên Hào

11/11/2018 06:46
Thạc sĩ Trần Nguyên Hào
(GDVN) - Để giáo dục văn hoá ứng xử cho học sinh, sinh viên trước hết phải giáo dục, uốn nắn những lệch lạc về chuẩn mực trong thái độ, hành vi ứng xử đối với thầy cô.

LTS: Thạc sĩ Trần Nguyên Hào, giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh chia sẻ đôi điều suy ngẫm, nhắn nhủ với các em học sinh, sinh viên trong cách ứng xử có văn hóa đối với thầy cô giáo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Văn hoá ứng xử của học sinh, sinh viên là một vấn đề đang được bàn luận nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các diễn đàn và cả trong các công trình nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, nội dung quan trọng nhất trong văn hoá ứng xử của học sinh, sinh viên là vấn đề ứng xử với giáo viên, giảng viên vẫn chưa được xem xét một cách đầy đủ và thấu đáo.

Việc tìm hiểu thực trạng này và đề ra các giải pháp để giáo dục văn hoá ứng xử cho học sinh, sinh viên là một trong những nội dung cấp thiết hiện nay trong công tác giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục.

Văn hoá ứng xử trong trường học (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).
Văn hoá ứng xử trong trường học (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Văn hoá ứng xử hiểu theo nghĩa chung nhất là cái đẹp, cái giá trị trong ứng xử, tức là ứng xử có văn hoá.

Nó bao gồm: hệ thống thái độ, khuôn mẫu, kỹ năng ứng xử của cá nhân và cộng đồng người trong mối quan hệ với môi trường thiên nhiên, xã hội và bản thân, dựa trên những chuẩn mực xã hội nhằm bảo tồn, phát triển cuộc sống của cá nhân và cộng đồng người hướng đến cái chân, cái thiện, cái mỹ.

Từ kết quả khảo sát thực trạng văn hóa ứng xử ở nhiều trường cao đẳng, đại học và các trường trung cấp chuyên nghiệp hiện nay, chúng tôi thấy một bộ phận học sinh, sinh viên chưa ứng xử với giảng viên, giáo viên một cách có văn hoá, chưa phù hợp với chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

Rất nhiều học sinh, sinh viên có quan niệm rằng: quá trình học tập, rèn luyện tại trường đại học chỉ là học để có nghề nghiệp, học để lấy tấm bằng; giảng viên, giáo viên, cán bộ nhà trường chỉ là người làm công tác đào tạo cho mình.

Vì vậy, họ đã đánh mất những nét đẹp, xa rời các chuẩn mực trong cách ứng xử với thầy cô giáo vốn đã được giáo dục từ thời phổ thông.

Đó là thái độ không tôn trọng giáo viên, giảng viên trong giờ học mà những biểu hiện cụ thể là cãi lại lời giảng viên khi bản thân có lỗi, bị phê bình; là không đứng dậy chào giảng viên, giáo viên khi họ vào lớp; là trả lời câu hỏi của giáo viên, giảng viên một cách cộc lốc, thờ ơ hay đối phó; là không đứng dậy trả lời câu hỏi xây dựng bài khi giảng viên, giáo viên đề nghị, yêu cầu; là vào ra lớp học không xin phép…

Cả những hành vi nói chuyện riêng, làm việc riêng, ngủ hay sử dụng điện thoại, để chuông điện thoại reo trong giờ học của một số sinh viên và tình trạng các lớp không chuẩn bị khăn trải bàn, khăn lau bảng, không làm vệ sinh trong lớp học trong rất nhiều tiết học cũng thể hiện sự ứng xử chưa văn hoá.

Ngoài lớp học, một số sinh viên gặp không chào thầy cô, không nhường đường cho thầy cô đi qua; một số sinh viên còn dùng những từ ngữ không tôn trọng khi bàn luận với nhau về tính cách của một số thầy cô giáo.

Điều đáng nói là thực trạng này thể hiện ở cả một số sinh viên sư phạm - những sinh viên không chỉ được giáo dục về kiến thức, kỹ năng mà về sự mô phạm để trở thành giáo viên trong tương lai.

Từ thực trạng trên, theo chúng tôi, để giáo dục văn hoá ứng xử cho học sinh, sinh viên - giáo dục văn hoá học đường, trước hết phải giáo dục, uốn nắn những lệch lạc về chuẩn mực trong thái độ, hành vi ứng xử của học sinh, sinh viên đối với thầy cô giáo thông qua một số giải pháp sau:

Quà của học trò dưới ánh mắt thầy Trần Nguyên Hào ảnh 2Giáo dục và cách hành xử của chúng ta

Thứ nhất, Ban lãnh đạo các trường phải nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc giáo dục văn hoá ứng xử nói chung, văn hoá ứng xử với thầy cô giáo nói riêng cho học sinh, sinh viên.

Phải thực sự xem đây là một trong những vấn đề cơ bản trong thực hiện mục tiêu giáo dục đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học.

Trước đây có quan điểm cho rằng sinh viên là đối tượng đã có nhận thức, đã phát triển ổn định về mặt tư tưởng, tâm lý nên nhiều trường đã không chú trọng đến việc giáo dục nội dung này.

Tuy nhiên, chúng ta biết giới trẻ nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng hiện nay bị tác động bởi nhiều yếu tố tiêu cực từ ngoài xã hội do mặt trái của cơ chế thị trường, sự “xâm lăng” của văn hoá không lành mạnh, lai căng, đồi truỵ, không phù hợp với văn hoá truyền thống… nên đã đánh mất nhiều chuẩn mực ứng xử, trong đó có ứng xử với thầy cô giáo.

Ban lãnh đạo các trường phải chỉ đạo các khoa, các phòng ban chức năng và Đoàn thanh niên, Hội sinh viên phải đem vấn đề giáo dục văn hoá ứng xử cho học sinh, sinh viên vào một trong những nội dung giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên và có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể.

Thứ hai, các khoa, giáo viên, giảng viên chủ nhiệm lớp phải tăng cường quản lý chặt chẽ hơn, sâu sát hơn đối với học sinh, sinh viên khoa mình.

Hàng tuần, hàng tháng phải có sự tổng kết, đánh giá văn hoá ứng xử của học sinh, sinh viên trong khoa và đưa vấn đề này vào trong báo cáo đánh giá hàng tháng để thông báo trước các cuộc họp chi bộ, họp khoa và lễ chào cờ, đồng thời có biện pháp xử lý, uốn nắn những lệch lạc về chuẩn mực ứng xử của học sinh, sinh viên với cán bộ, giảng viên, giáo viên.

Thứ ba, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên cấp trường và cấp liên chi đoàn, chi đoàn phải đưa vấn đề giáo dục văn hoá ứng xử vào trong các nội dung hoạt động và sinh hoạt hàng tháng.

Tổ chức Đoàn, Hội, phải tổ chức những buổi nói chuyện, những diễn đàn, câu lạc bộ về vấn đề này hay lồng ghép vào các cuộc thi, các hội diễn văn hoá văn nghệ hay sinh hoạt truyền thống.

Trong những năm qua, vấn đề giáo dục văn hoá ứng xử cho học sinh, sinh viên, trong đó có văn hoá ứng xử đối với thầy cô giáo đã được tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên nhiều trường đưa vào nội dung sinh hoạt trong các ngày chủ điểm, nhất là ngày 20 tháng 11 với chủ đề “Tri ân Thầy Cô”.

Tuy nhiên, trong toàn trường, các liên chi đoàn chưa tổ chức thường xuyên và chưa có hiệu quả thiết thực.

Thứ tư, các giảng viên, giáo viên, trước hết là các giảng viên, giáo viên đứng lớp phải mẫu mực trong đạo đức, lối sống, là một tấm gương sáng về văn hoá ứng xử để học sinh, sinh viên noi theo.

Đồng thời cán bộ, giảng viên, giáo viên cần phải phê phán và có biện pháp nhắc nhở, giáo dục những học sinh, sinh viên chưa tôn trọng mình và đồng nghiệp với tinh thần trách nhiệm và tính mô phạm cao.

Cách phê phán, xử lý phải thật sự nghiêm túc nhưng không quá gay gắt và nặng nề mà phải thật khéo léo, nhân văn để học sinh, sinh viên nhận ra được cái sai, cái chưa đẹp, cái chưa chuẩn mực trong thái độ, lời nói hành vi của mình đối với giảng viên, giáo viên, cán bộ giáo dục, từ đó có sự tự điều chỉnh và có hướng khắc phục.

Quà của học trò dưới ánh mắt thầy Trần Nguyên Hào ảnh 3Lời ăn tiếng nói của thầy cô dưới con mắt học trò

Thứ năm, bản thân mỗi học sinh, sinh viên phải nâng cao ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và lối sống, xây dựng văn hoá ứng xử theo những chuẩn mực tốt đẹp cho mình.

Trước hết trong quan hệ giao tiếp, làm việc (học tập, nghiên cứu) với thầy cô giáo, học sinh, sinh viên phải thể hiện được thái độ, lời nói, hành động lễ phép, tôn trọng, trân trọng thầy cô, đồng thời cũng phải biết góp ý, phê bình và chỉ ra những thái độ, lời nói, hành vi chưa đẹp, chưa “tôn sư trọng đạo” ở một số sinh viên khác, nhất là những bạn bè trong lớp mình.

Các bạn học sinh, sinh viên phải nhận thức được rằng văn hoá ứng xử với thầy cô giáo qua những tiêu chí đã đề cập ở trên không chỉ thể hiện nét đẹp của văn hoá truyền thống dân tộc, không chỉ là yêu cầu về đạo đức, lối sống đối với sinh viên mà còn thể hiện giá trị bản thân - phông văn hoá của mình.

Rất nhiều bạn sinh viên đã đi học các lớp kỹ năng mềm trong đó quan trọng là kỹ năng giao tiếp - một trong những yếu tố giúp con người thành công trong công việc, sự nghiệp và hạnh phúc trong cuộc sống khi vào đời - nhưng điều đó sẽ vô nghĩa nếu bạn nào vẫn còn ứng xử chưa đúng mực với thầy cô giáo đang âm thầm thực hiện sự nghiệp “trồng người” trang bị kiến thức, kỹ năng cho mình.

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới - những nhà giáo thật hạnh phúc khi nhận được những lời chúc mừng, những bó hoa tươi thắm và cả những món quà có ý nghĩa từ phía học sinh, sinh viên.

Nhưng tất cả giáo viên, giảng viên sẽ thật sự hạnh phúc và tự hào nếu hàng ngày đều nhận những lời nói, thái độ, hành vi ứng xử thể hiện sự tôn trọng, kính mến, biết ơn của học sinh, sinh viên đối với mình.

Đó là món quà có ý nghĩa nhất và có giá trị nhất dành tặng thầy cô giáo mà mỗi học sinh, sinh viên cần hiểu rõ và tâm niệm thực hiện.

Thạc sĩ Trần Nguyên Hào