Quy chế soạn bằng tiếng Việt, nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận!

03/03/2015 07:09
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Theo quy chế mới cơ hội vào từng trường của thí sinh sẽ cao hơn, song cơ hội vào nhiều trường khác nhau sẽ ít hơn

LTS: Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc-một tác giả quen thuộc trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nói lên suy nghĩ của mình trên cương vị là Phó hiệu trưởng một trường học ở Quảng Ngãi về kỳ thi quốc gia mới có quy chế. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Ngày 26/2 vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành chính thức Quy chế kỳ thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Quy chế chính thức có những điều khoản quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết hơn so với bản dự thảo; có một số điểm Bộ GD & ĐT tiếp thu ý kiến đóng góp của dư luận xã hội trong thời gian qua, như giữ nguyên thang điểm 10, sử dụng alat địa lý trong khi thi, tổ chức các điểm thi tại địa phương do Sở GD & ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH, CĐ. 

Nhìn chung dư luận xã hội, đặc biệt là các thầy, cô giáo, phụ huynh và học sinh lớp 12 đều ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của Bộ GD & ĐT trong việc sớm ban hành Quy chế thi và tuyển sinh để mọi đối tượng liên quan trực tiếp có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi- mùa tuyển sinh quan trọng sắp tới, với nhiều thay đổi mạnh mẽ và kỳ vọng lớn lao. 

Tuy vậy, những quan ngại, băn khoăn của thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh về một số quy định trong Quy chế thi và tuyển sinh tiếp tục được đề cập, phản ánh nhiều trên các mặt báo, mong Bộ GD và ĐT luôn lắng nghe, tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc, phản hồi, trao đổi một cách cởi mở, kỹ lưỡng để nó được hoàn thiện, điều chỉnh theo hướng tốt nhất, phù hợp thực tiễn và có tính khả thi lâu dài.  

Quy chế soạn bằng tiếng Việt, nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận! ảnh 1Các trường Trung học phổ thông ráo riết chuẩn bị cho Thi quốc gia

(GDVN) - Trong khi chờ đợi Quy chế thi, hầu hết các trường THPT trên cả nước đã, đang có những bước chuẩn bị khá chủ động, tích cực về định hướng, lựa chọn môn thi.

Quy định chỉ rõ, các cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì, phối hợp Sở GD và ĐT và các cụm tại địa phương do Sở GD và ĐT chủ trì, phối hợp các trường ĐH, CĐ. Diện học sinh thi cụm liên tỉnh vừa để công nhận tốt nghiệp THPT vừa tham gia xét tuyển ĐH. 

Diện học sinh thi tại địa phương chỉ để công nhận tốt nghiệp THPT. Cách  phân chia như trên của Bộ GD & ĐT vừa giảm áp lực cho các cụm liên tỉnh, giao thông, đi lại, ăn ở, vừa tính đến yếu tố phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Số học sinh khả năng học tập ở mức trung bình thì chỉ cần thi đỗ tốt nghiệp THPT, sau đó tham gia vào lao động, đào tạo nghề, học các trường trung cấp, cao đẳng. 

Chúng tôi cho rằng, đây là một định hướng đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều nhà trường, thầy cô giáo chúng tôi nhận thấy, cái  tâm lý chuộng bằng cấp, thích làm “thầy” và tính sĩ diện với bạn bè vẫn chi phối, đè nặng trong tâm trí nhiều học sinh. Do đó, phần lớn học sinh lớp 12 đều có xu hướng thích chọn thi cụm liên tỉnh hơn, mặc dù biết rõ mức độ, khả năng học tập của nhiều em còn hạn chế, không thể cạnh tranh vào ĐH được. Cần nhiều giải pháp đồng bộ mới thắng nổi tâm lý ấy của học sinh và kể cả phụ huynh.

Hơn nữa, điều mà chúng tôi lo lắng không kém nữa là công tác tổ chức coi thi và chấm thi- hai khâu quan trọng bậc nhất góp phần vào thành công của kỳ thi. Nay chia tách thành ở hai địa điểm, hai đối tượng chủ trì khác nhau, liệu có sự đồng bộ, nhất quán trong quá trình triển khai, thực hiện hay không? Nhiều người có cơ sở để lo rằng, ở các hội đồng thi do Sở GD & ĐT chủ trì sẽ dễ dẫn đến tình trạng “thoán khoán”, tiêu cực phát sinh mạnh…vì tư tưởng địa phương, thương học trò mình….

Vấn nạn này từng hiện hữu rất rõ nét trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT do địa phương tổ chức nhiều năm qua. Do vậy, Bộ GD &ĐT cần cân nhắc thật kỹ lưỡng, đặc biệt công tác chuẩn bị, tập huấn, chỉ đạo, quán triệt và biện pháp thanh kiểm tra- xử lý những trường hợp vi phạm quy chế sao cho có tính răn đe cao. Nếu năm nay, công tác coi thi và chấm thi ở địa phương không được cải thiện thì năm tới, Bộ GD & ĐT nên quy về một mối, giao hẳn cho các trường ĐH chủ trì.    

Lãnh đạo Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD & ĐT cho biết, với 8 môn thi gồm hình thức tự luận và trắc nghiệm năm nay sẽ tiếp tục đi theo hướng mở, hạn chế kiến thức thuộc, nhớ; phát huy khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng; cấu trúc đề thi có sự phân hóa cao, mức độ khó dễ khá nhau, nhất là các môn trắc nghiệm để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH,CĐ. 

Đây thực sự là một áp lực, thử thách không nhỏ đối thầy cô giáo và học sinh, đặc biệt đối với thầy- trò các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khi chất lượng đầu vào thấp. Nếu học sinh học yếu, lại có tư tưởng chủ quan, ỷ lại, thiếu chuyên cần học tập ôn bài thì nguy cơ hỏng tốt nghiệp là rất cao. Thiết nghĩ, nhà trường, thầy cô giáo chủ nhiệm, giảng dạy lớp 12 cần lên dây cót tinh thần cho các em lớp 12, vì thời gian vẫn còn khá nhiều.

Quy chế soạn bằng tiếng Việt, nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận! ảnh 2Làm thế nào để có một kỳ thi quốc gia trung thực, khách quan?

(GDVN) - Năm 2015 thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng để đổi mới giáo dục, trong đó chú ý nhất là Kỳ thi THPT quốc gia. Vậy làm gì để có một kỳ thi trung thực?

Giả định, kết quả đỗ thi tốt nghiệp THPT năm nay thấp hơn nhiều so với những năm gần đây, chúng tôi cho đó cũng không có gì nghiêm trọng. Một khi chúng ta quyết tâm hành động "học thật, thi thật, kết quả thật”, nói không với “ bệnh” thành tích thì phải chấp nhận sự thật, kết quả như thế. Có vậy, chất lượng giáo dục ở nhà trường mới phản ánh đúng thực chất, những đổi thay của Bộ mới có hiệu nghiệm.

Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD & ĐT, các trường ĐH,CĐ cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề về kỹ thuật liên quan đến giấy Chứng nhận kết quả; đăng ký lựa chọn ngành nghề, các trường ĐH; cập nhật thông tin, dữ liệu 3 ngày 1 lần, tổ hợp các khối thi mới…vừa đem lại tiện ích, thuận lợi nhất cho thí sinh, phụ huynh vừa hạn chế được tình trạng thí sinh ảo, giảm thiểu khó khăn, phức tạp cho các trường khi xét tuyển sinh. 

Rõ ràng, nếu ấn định cụ thể Chứng nhận kết quả bổ sung lần thứ mấy và chỉ cho phép thí sinh đăng ký tối đa 4 ngành hoặc nhóm ngành  của một trường cho mỗi đợt xét tuyển thì khả năng ảo giảm nhiều. 

Như vậy cơ hội vào từng trường của thí sinh sẽ cao hơn, song cơ hội vào nhiều trường khác nhau sẽ ít hơn. 

Những vấn đề liên quan đến xét tuyển sinh mà thí sinh, phụ huynh chưa hiểu, chưa rõ thì bộ phận chuyên môn của Bộ GD & ĐT, các trường ĐH, CĐ nên tăng cường thông tin, trao đổi qua báo chí, trực tuyến và các con đường khác để thí sinh, phụ huynh dễ nắm bắt, thực hiện cho đúng, cho đủ.

Từ đó giảm thiểu tối đa những nhầm lẫn, thiệt thòi đáng tiếc ảnh hưởng quyền lợi của thí sinh, bởi dù rằng Quy chế thi THPT và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ được soạn thảo bằng tiếng Việt nhưng không phải phụ huynh, học sinh, kể cả thầy cô giáo nào cũng nắm tường tận, chính xác.

ĐỖ TẤN NGỌC