Quy hoạch nhân sự giáo dục còn yếu thì nước mắt giáo viên vẫn chảy dài!

30/08/2018 07:10
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Phạm Tất Dong cho rằng: “Đáng lẽ ra về quy hoạch nhân sự giáo dục phải làm tỉ mỉ. Làm không tốt thì các thầy cô vẫn phải khổ tâm”.

Nhiều năm trở lại đây, việc điều chuyển giáo viên từ bậc trung học cơ sở xuống dạy tiểu học, mầm non xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước.

Nguyên nhân của việc điều chuyển này là do thừa thiếu giáo viên cục bộ. Việc điều chuyển như vậy đã nảy sinh ra nhiều bất cập.

Các giáo viên luôn hoang mang khi bị điều chuyển, xuống dạy học ở cấp tiểu học nhưng luôn trong tâm trạng như bị đày ải. Trong khi đó, chất lượng giảng dạy lại khiến phụ huynh lo lắng nhất.

Vấn đề này khiến các nhà quản lý lúng túng xử lý thì lượng giáo viên bị điều chuyển xuống dạy tiểu học ngày càng đông. Mới đây nhất là câu chuyện của hơn 100 giáo viên ở huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Giáo sư, tiến sĩ Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh Thùy Linh).
Giáo sư, tiến sĩ  Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh Thùy Linh).

Để hiểu sâu hơn vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Giáo sư, tiến sĩ  Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam.

Theo ông Phạm Tất Dong, việc điều chuyển giáo viên từ cấp trung học cơ sở xuống dạy cấp Tiểu học là vấn đề không đơn giản.

Bản chất của việc dạy bậc trung học cơ sở khác với dạy bậc tiểu học. Hơn nữa tâm sinh lý học sinh ở bậc tiểu học rất khác với bậc trung học cơ sở. Giáo viên được đào tạo dạy tiểu học có chuyên môn, đặc thù riêng.

Do đó, khi đã dạy bậc trung học cơ sở mà bắt xuống dạy tiểu học thì đa số giáo viên rất ngại.

Ông Phạm Tất Dong còn cho rằng, những giáo viên được điều xuống dạy không phải vì hạ thấp vai trò của họ. Bởi, ở đâu cũng có tiền giảng dạy cả.

Quy hoạch nhân sự giáo dục còn yếu thì nước mắt giáo viên vẫn chảy dài! ảnh 2Xót xa, bấn loạn vì 20 năm dạy ngữ văn, nay xuống tiểu học dạy thể dục

Nhưng giáo viên ngại dạy các em nhỏ tuổi vì dạy khó hơn các em thiếu niên. Thường phụ nữ phù hợp dạy tiểu học hơn nam giới. Càng bậc học thấp thì phụ nữ thích ứng phù hợp hơn nam giới.

Về mặt kiến thức, vị chuyên gia này tin rằng không có vấn đề gì. Vì dạy được bậc trung học cơ sở thì sẽ dạy được bậc tiểu học nhưng cách dạy thì tôi cho rằng không đơn giản để thực hiện.

Bàn về tình trạng điều chuyển giáo viên trong thời gian qua, ông Phạm Tất Dong cho biết, nhiều nơi phải điều chuyển giáo viên vì không còn cách nào khác.

Nếu không xuống dạy bậc tiểu học thì giáo viên không có việc làm và dẫn tới thất nghiệp. Đây là tình trạng dôi dư giáo viên cục bộ nên chỉ có một con đường như vậy.

Để giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ, ông Phạm Tất Dong có ý kiến là cần thiết phải đào tạo lại giáo viên.

Theo vị chuyên gia này, hiện chúng ta không chỉ thiếu giáo viên tiểu học mà còn thiếu nhiều giáo viên ngoại ngữ, mỹ thuật, âm nhạc…

Nhưng vị chuyên gia này cũng cho rằng, thực tế không đơn giản để chuyển đổi môn dạy cho các thầy cô. 

Ông Phạm Tất Dong thừa nhận đây là bài toán khó, chưa tìm ra cách nào thỏa đáng đôi đường. Rất nhiều năm giáo dục lúng túng về chuyện này.

Cả chục năm trước cũng luôn luôn mắc chỗ thừa, chỗ thiếu không điều chỉnh được, cơ bản nhất là cần xác định được nhu cầu giáo viên chuẩn xác.

“Đây là cái khó nhất của ngành giáo dục. Bao nhiêu năm công bố thiếu giáo viên thể dục, nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ nhưng đến nay vẫn thiếu. Trong khi các bộ môn khác thừa lại vẫn thừa.

Đáng lẽ ra về quy hoạch nhân sự giáo dục phải làm tỉ mỉ. Làm không tốt thì các thầy cô vẫn phải khổ tâm. Tôi rất chia sẻ tình trạng của giáo viên như vậy trong khi lương của họ không cao”.

Trinh Phúc