Quyết sách – không thể “đẽo cày giữa đường”

15/02/2014 07:41
Tác giả: TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Thi tốt nghiệp THPT 04 môn dường như là phương án được bộ GD&ĐT xem là tối ưu cho giai đoạn khởi đầu của cải cách giáo dục.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều này dựa trên số liệu Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục công bố (88% ý kiến ủng hộ thi 4 môn). Sự ủng hộ của số đông là một tiêu chí quan trọng cho những người hoạch định chính sách, tuy nhiên không ít trường hợp số đông chưa chắc đã đúng.

Trước khi bàn luận về vấn đề này, xin nêu một sự việc ai cũng biết: các vận động viên leo núi thường phải mang theo một chiếc ba lô rất to chứa đựng các công cụ hỗ trợ, phần không thể thiếu là lương thực và thuốc men y tế. Mặc dù rất nặng nhưng thiếu chiếc ba lô to ấy mạng sống của vận động viên có thể bị đe dọa bất kỳ lúc nào.

Thời chống Mỹ, các chiến sĩ của chúng ta trên đường vượt Trường Sơn vào nam chiến đấu cũng vậy. Mang thêm được một ít đạn dược, lương thực là bớt được thương vong không đáng có.

Chặng đường phấn đấu xây dựng một nền kinh tế tri thức, đất nước cần những con người vừa có sức khỏe, vừa được trang bị toàn diện cả kiến thức khoa học kỹ thuật lẫn các kiến thức xã hội.

Có một sự thật là học sinh, sinh viên hễ nghe thầy ốm là phấn khởi hò reo, là chạy bay khỏi giảng đường. Với tâm lý ấy việc số đông muốn thi tốt nghiệp THPT chỉ 4 môn là điều dễ hiểu. Vấn đề là những người cầm lái sáng suốt, đôi khi phải ra những quyết định đi ngược lại nguyện vọng  của số đông.

Thi tốt nghiệp mấy môn, hãy đừng chỉ nhìn vào năm 2014, hãy nhìn xa hơn một chút vì sớm muộn cũng chỉ còn một kỳ thi quốc gia duy nhất. Một kỳ thi quốc gia không thể chỉ gồm 4 môn mà phải nhiều môn, nói cách khác nó phải là những bài thi mang tính tổ hợp kiến thức của nhiều môn học. Nếu đã thế thì thi 4 môn để làm gì? Chẳng lẽ Bộ lại như chim sợ cành cong, luôn sợ áp lực xã hội?

Trong khi chương trình học chưa được đổi mới, nếu sớm muộn cũng phải gộp hai kỳ thi làm một thì bước đệm tốt nhất là cứ giữ nguyên 6 môn thi, nhưng hãy thử tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như một kỳ thi quốc gia, tiến hành trong một hai năm để rút kinh nghiệm. Người viết đã nhiều lần nêu quan điểm này và nay lại một lần nữa xin đề nghị: việc dự định thi 04 môn là không cần thiết nếu không nói là phản tác dụng.

Thi 6 môn như cũ trong một hai năm sẽ không làm xáo động tâm lý học sinh và phụ huynh. Việc khó khăn nhất là tổ chức kỳ thi quốc gia thì Bộ gánh vác, như vậy vừa phù hợp với lời dạy của tiền nhân: “Tiên thiên hạ chi ưu, chi ưu; Hậu thiên hạ chi lạc, chi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ), cũng là thể hiện tinh thân đổi mới và cầu thị của người lãnh đạo vậy. Điều này lại không hề khó với Bộ GD&ĐT vì kỳ thi 3 chung tiến hành hàng chục năm qua đã là tập dượt rất tốt cho lãnh đạo và các thầy cô rồi.

Ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển có thể xem là một cách gợi mở: “Một số năm trước mắt tổ chức thi chung, có thể thi 4 bài: Toán (và tư duy logic), Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, GDCD), Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh, Kỹ thuật) và Ngoại ngữ (ở các thành phố khuyến khích thi sinh thi tiếng Anh theo TOEFL, IELTS, tiếng Pháp TCF hoặc DELF…)” [1].

Người viết xin có một góp ý: ở bậc phổ thông và đại học, trừ một hai ngành có học môn Logic học còn tuyệt đại đa số các ngành không học, trong khi môn ở Tin học, học lập trình thì bắt buộc học sinh, sinh viên phải có tư duy logic mới lập trình được. Ngày nay không còn ai cố giải các bài toán theo phương pháp cổ điển mà đều sử dụng máy tính lập trình để giải theo phương pháp gần đúng, Vậy nên nếu thi Toán và tư duy logic mà thiếu Công nghệ Thông tin là một sự khập khiễng, nên chăng cần có sự kết hợp cả ba lĩnh vực này thành một bài thi? Khi đó 04 bài thi (chứ không phải 4 môn thi) như Thứ trưởng Hiển nêu trên là phù hợp.

Điều quan trọng khi dạy và thi là phát huy tối đã khả năng độc lập xuy nghĩ của người học, phải làm sao cho họ tự biểu lộ được quan điểm và sự nhận thức của mình chứ không phải là trả lời các câu hỏi theo khuôn mẫu. Câu chuyện ngụ ngôn hiện đại sau chắc nhiều người biết: Thầy giáo ra cho học sinh một câu hỏi, học sinh nghĩ mãi không trả lời được, thầy giáo hỏi: “phải chăng câu hỏi khó quá?”, học sinh đáp: “thưa thầy, câu hỏi không khó mà câu trả lời mới khó”.

Nhiều người nước ngoài có nhận xét người Việt “sáng dạ, khôn lỏi”, ý kiến này không hề sai. Chỉ cần hướng dẫn một vài lần thì những công việc rất khó người Việt cũng có thể làm tốt nhưng tự mình phát minh thì dường như vẫn là điều xa vời.

Năm đầu tiên của sự nghiệp đỏi mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định “Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm túc, thực sự cầu thị, đặt công việc chung lên trên hết với trách nhiệm của Đảng viên, cơ sở Đảng trước nhân dân, Chính phủ” [2].

Mong rằng đó không phải chỉ là quyết tâm của lãnh đạo ngành mà còn là của tất cả “kẻ sĩ” trong thiên hạ. Vì sao người viết không dùng từ “của các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà…” mà dùng từ “kẻ sĩ”? Đơn giản bởi ngày xưa ”Sĩ khả sát, bất khả nhục” (kẻ sĩ có thể chết chứ không chịu nhục). Cụ Hồ từng kêu gọi: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. 

Các bậc văn nhân thời xưa như Chu Văn An, Nguyễn Trường Tộ… được người đời ngưỡng mộ không vì họ ở ngôi cao,  mà vì họ dám dâng “Thất trảm sớ” hay các kiến nghị tới tận Hoàng đế để vạch mặt lũ tham quan, để lo cho dân, cho nước, họ có thể mất chức về quê mà chẳng có gì vướng bận. Ngày nay các “nhà…” của chúng ta được gọi là “kẻ sĩ” liệu có được bao nhiêu? Lấy tiêu chí “từ quan” để phong danh “kẻ sĩ” may ra nước Việt thời hiện đại chỉ được vài ba người.

Người viết có một tâm nguyện, rằng các bậc lãnh đạo hãy theo gương người xưa, hãy làm “kẻ sĩ”  chứ đừng làm “nhà này, nhà nọ”. Nếu tâm trong sáng, sức đã cố hết mà nguyện vẫn chưa thành thì vẫn có thể ngẩng cao đầu rời chốn thị phi về với hương đồng gió nội.

Đầu xuân có một chút vui vì những chuyển biến ở chốn thượng tầng, nhưng lại vẫn buồn vì xung quanh, hàng triệu thầy cô giáo, học sinh vẫn mỏi mắt trông đợi một cái gì đó mà chẳng biết bao giờ nó tới.

Tham khảo ý kiến là cần thiết, nhưng chỉ mong Bộ đừng “đẽo cày giữa đường”.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/160879/de-xuat-mot-ky-thi--mot-bai-thi-quoc-gia-chung.html

[2]http://gdtd.vn/giao-duc/chung-ta-du-tu-tin-doi-moi-can-ban-toan-dien-gd-dt-76156-v.html

Tác giả: TS. Dương Xuân Thành