Sách Giáo khoa lớp 10 sửa đoạn kết "Tấm Cám" thế nào?

04/11/2011 14:53
Giáo Huyền
(GDVN) - Đó là nhân chứng lịch sử về cách suy nghĩ của người xưa, sao lại sửa? Nếu cảm thấy không có giá trị giáo dục thì bỏ hẳn ra khỏi SGK chứ không nên sửa.
Khoác áo mới cho cô Tấm

Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10, trang 65 - 72 in truyện của Tấm Cám, sự trả thù của  của Tấm đã được giản lược đi khi các nhà biên soạn sửa lại rằng: Việc trả thù dừng lại ở việc Tấm lừa Cám dùng nước sôi dội lên người để làm đẹp. “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết.”

Trong cốt truyện Tấm Cám từ bản cũ thì: Cám thấy Tấm vẫn còn sống mà lại trắng đẹp hơn xưa nên băn khoăn tự hỏi vì sao. Tấm bày cho Cám tắm với nước sôi thì sẽ đẹp. Cám hí hửng làm theo, đổ một bồn nước sôi rồi tắm sau đó chết ngay tức khắc. Tấm sai người lấy thịt cám làm cỗ mắm rồi gửi cho dì ghẻ ăn. Thấy Tấm có lòng tốt, dì ghẻ nhận và không tỏ ra nghi ngờ. Đến khi ăn gần hết, mẹ Cám mới nhìn thấy chiếc đầu lâu. Một con quạ chợt đậu lại bên cửa sổ, nhìn vào và hó:

"Ngon ngỏn ngòn ngon. Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng?"

Mẹ cám nhận ra cỗ mắm mà Tấm gửi thật ra là thịt của con mình nên đã lăn đùng ra chết.


Bình luận trên SGTT, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cho rằng: Nguyên Đoạn cuối của vụ chị Tấm báo thù thì ai cũng thuộc nằm lòng, cũng hả hê nhưng bao nhiêu tuổi đời người ta mới nhận ra đó là một vụ ăn thịt người? Cái không khí huyễn hoặc biến ảo thần kỳ của cổ tích làm người ta quên lửng chi tiết man rợ đó, và lớp lớp trẻ con nhẹ nhõm thản nhiên như thể Cám qua đời vì đau răng còn mụ dì ghẻ chết vì sặc muối ớt.

Theo đó, trong SGK lớp 10 hiện nay, các nhà biên soạn sách đã rất mở và không gò học sinh vào một ý kiến nào: “Anh/chị suy nghĩ gì về hành động trả thù của Tấm đối với Cám?” để học sinh được tự do bày tỏ chính kiến.

Phần ghi nhớ trong SGK cũng không dám đụng đến cái kết này, mà chỉ tập trung bàn sự biến hóa của Tấm, coi đó là “sức trỗi dậy mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của kẻ ác. Đây là sức mạnh của thiện thắng ác.”
Đoạn kết của truyện cổ tích Tấm Cám trong SGK Ngữ văn 10
Đoạn kết của truyện cổ tích Tấm Cám trong SGK Ngữ văn 10

Việc sửa đổi sẽ dễ dàng trong việc dạy học hơn

Trong một khảo sát của cô Lê Thị Thu Hà, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn trên 185 giáo viên THPT và 1537 học sinh ở một số trường THPT miền Trung Tây Nguyên, đa số không đồng tình với cách trả thù của Tấm đối với Cám ở văn bản dân gian và cho rằng, cách kết thúc đó làm mất đi hình ảnh của một cô gái trong sáng, hiền lành. Tấm trở thành một cô gái tàn nhẫn, độc ác, thậm chí còn hơn cả mẹ con Cám.

Em Nguyễn Thị Mỹ Hằng (Trường THPT PleiKu) viết: “Tấm hiền nhưng đến lúc hưởng hạnh phúc thì quên đi mọi tình nghĩa”. Thật đau lòng khi học sinh chúng ta, những trái tim trong sáng, ngây thơ lại có cái nhìn không thiện cảm đến vậy khi nói về Tấm.

Nhìn rộng ra, em Đặng Thị Diễm Chi (Trường THPT Hùng Vương - Bình Định) lập luận: “Hổ dữ còn không ăn thịt con, thế nhưng Tấm lại đưa mẹ Cám vào tình huống quá tàn nhẫn - ăn thịt con mình. Hành động này quá ác độc”. Còn em Trịnh Hữu Hạnh (Trường THPT PleiKu) lại có cái nhìn tinh tế: “Em nghĩ, nếu người nước ngoài đọc Tấm Cám, họ sẽ không bao giờ cảm nhận được nét hiền dịu, nhu mì của phụ nữ Việt Nam. Họ sẽ hiểu nhầm Tấm là sau bao nhiêu lần chết đi sống lại, rốt cuộc chỉ để trả thù. Hóa ra, Tấm còn độc ác hơn cả Cám”. Thái Việt Nguyên (Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn - Bình Định) xác định: “Truyện dân gian bao giờ cũng mang tính giáo dục cao, sao Tấm Cám lại đề cao tội ác?”.

Theo ý kiến cá nhân của cô Hà, việc thay đổi đoạn kết thúc truyện Tấm Cám trong SGK Văn 10 hiện nay ít nhất cũng đã giải quyết phần nào lúng túng và khó khăn của giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy, phân tích tác phẩm. Về phía giáo viên, có được sự thoải mái, tự tin, bớt đi phần định hướng, giải thích. Về phía học sinh, có được cách nhìn, cách nghĩ theo hướng tích cực, thống nhất về tính cách nhân vật Tấm.

Theo Lê Minh Chiến (Trường THPT Kon Tum): “Viết lại truyện Tấm Cám như SGK Văn 10 mang tính chất nhẹ nhàng, không gây cảm giác man rợ về hành động trả thù của Tấm, đồng thời còn giúp người đọc có cái nhìn thiện cảm hơn về nhân vật Tấm”...
Chúng ta đang xóa bỏ lịch sử? Văn hóa?

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và học sinh đặt ra câu hỏi, liệu cái kết này liệu đã thực sự là cái kết nhân bản đúng theo tinh thần truyện cổ tích, khi Tấm vẫn là người ra tay sát hại người em cùng cha khác mẹ với mình?

Chị Kim Anh, một phụ huynh có con học lớp 6, Trường THCS Hà Nội-Amsterdam cho biết, chị không dám cho con đọc truyện Tấm Cám nếu văn bản chưa xóa bỏ hoàn toàn cái kết cũ. Theo chị, cái kết có giản lược đi như thế cũng không thể vớt vát được hình tượng Tấm.

Còn độc giả Nguyễn Hoan cho rằng: Chuyện cổ tích không biết có từ bao đời, nó cũng như nhân chứng lịch sử về cách suy nghĩ của người xưa, sao lại cứ đi sửa như vậy để làm gì? Nếu cảm thấy không có giá trị trong giáo dục thì bỏ hẳn ra khỏi sách giáo khoa chứ không nên sửa truyện.

Nhận định về kết thúc câu chuyện Tấm Cám, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã từng cho rằng: “Đây là quy luật đấu tranh khi sự sống của bên này là cái chết của bên kia và ngược lại”.

Bạn đọc Hiền Trinh bầy tỏ quan điểm: Theo tôi, nên giữ nguyên phiên bản dân gian. Trong con người luôn tồn tại hai mặt thiện và ác. Khi cái thiện luôn bị rình rập và tiêu diệt sẽ sinh ra phản kháng và cái thiện phản kháng sẽ còn ác hơn cái ác, bởi vì nếu không thì sẽ không thể tiêu diệt được cái ác. Nếu cô Tấm không phản kháng thì cái thiện sẽ trở thành ngu ngốc.



Theo bạn, kết thúc truyện Tấm Cám của thời điện đại nên viết lại thế nào? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn với tòa soạn vào email: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc phản hồi phía dưới.
Giáo Huyền