Sách giáo khoa an toàn giao thông sao mà đắt thế?

28/09/2018 09:24
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Việc sử dụng bộ sách An toàn giao thông không nhiều, vậy mà phụ huynh phải bỏ tiền mua sách về để bán đồng nát. Không phải lãng phí mà quá lãng phí.

LTS: Cho rằng, giá của bộ sách giáo khoa an toàn giao thông là quá đắt, tác giả Sơn Quang Huyến đã thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình thông qua bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chương trình giáo dục an toàn giao thông được triển khai từ năm 2011, bắt đầu từ đối tượng là học sinh trung học phổ thông tại 5 tỉnh/thành thí điểm. Đến năm 2016-2017, chương trình được nhân rộng ra 63 tỉnh thành.

Từ năm học 2017-2018, chương trình giáo dục an toàn giao thông dành cho cấp trung học cơ sở đã được triển khai thí điểm tại 10 tỉnh thành bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ.

Việc triển khai các chương trình giáo dục an toàn giao thông trong trường học để giúp các em học sinh ở tất cả các cấp không chỉ được trang bị những kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn, cần thiết, giảm thiểu tai nạn giao thông mà còn giúp hình thành nhân cách, những năng lực cần thiết khi tham gia giao thông.

Bộ sách An toàn giao thông lớp 8 (Ảnh: tác giả cung cấp).
Bộ sách An toàn giao thông lớp 8 (Ảnh: tác giả cung cấp).

Hoạt động dạy và học giao thông không có giờ chính khóa mà lồng ghép, tích hợp trong môn Giáo dục công dân, Ngữ văn, hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Sách giáo khoa cho mỗi khối lớp gồm hai cuốn:

- Giáo dục an toàn giao thông.

- Văn hóa giao thông.

Người viết tổng hợp bộ sách An toàn giao thông của bậc trung học cơ sở như sau:

Khối lớp

Tên sách giáo khoa

Số trang

Giá sách (đồng)

9

Giaó dục an toàn giao thông

56

18.000

8

40

7

38

6

40

9

Văn hóa giao thông.

40

15.000

8

56

7

54

6

56

Nhìn vào giá sách bán cho học sinh, bất cứ người nào cũng “há hốc” vì quá đắt. Có thể nói đây là bộ sách giáo khoa đắt nhất, trong các loại sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo dục Việt nam.

Sách giáo khoa An toàn giao thông, cũng như sách giáo khoa VNEN, đường đi của nó tương tự nhau, mua, bán theo “đường công văn”.

Sở giáo dục gửi công văn đăng ký sách giáo khoa An toàn giao thông xuống Phòng giáo dục; Phòng giáo dục gửi công văn đăng ký sách giáo khoa An toàn giao thông xuống trường.

Trường tổng hợp số liệu học sinh đăng ký, thường là 99,99% rồi báo lên Phòng, Phòng báo lên Sở.

Công ty sách, thiết bị trường học tỉnh, thành chuyển sách về cho Phòng, trường.

Sách VNEN, An toàn giao thông, cũng giống nhau ở chỗ mọi người đánh giá là quá đắt.

Sách giáo khoa an toàn giao thông sao mà đắt thế? ảnh 2Sách VNEN cùng câu chuyện buồn của chị mua đồng nát

Phải chăng chính sự độc quyền viết sách, in ấn, phát hành đã định giá sách quá cao, bòn rút tiền của phụ huynh học sinh?

Số tiền thu lợi từ giá sách quá cao đang chảy vào túi ai? Giá sách cao như thế, mà nhà xuất bản giáo dục vẫn… kêu lỗ!

Vì thế, việc cắt bỏ ung nhọt “độc quyền” trong viết và phát hành sách giáo khoa càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Có như thế mới chặn được “vòi bạch tuộc”, hàng ngày hút máu nhân dân qua “sách giáo khoa”.

Việc sử dụng bộ sách An toàn giao thông không nhiều, có chăng chỉ là tài liệu tham khảo, vậy mà phụ huynh phải bỏ tiền mua sách về để bán đồng nát. Không phải lãng phí mà quá lãng phí.

Nên chăng, nhà trường trang bị bộ sách này cho thư viện, giới thiệu các em đọc, phát động cuộc thi tìm hiểu về An toàn giao thông, Văn hóa giao thông trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo…

Vừa tiết kiệm, vừa làm tăng giá trị của bộ sách, của thư viện; minh chứng hùng hồn về tình nghĩa thầy trò, vì học sinh thân yêu.

Sơn Quang Huyến