Sách giáo khoa đánh đố con trẻ, làm khó phụ huynh

20/12/2012 07:33
Độc giả Trần Phương
(GDVN) - Là cha mẹ học sinh, sẵn sàng làm việc vất vả để chăm lo cho con nên hơn ai hết tôi rất thương con. Con cái đầy bụng một bữa bố mẹ đã lo, đằng này con đầy đầu, nặng đầu, ảnh hưởng đến thần kinh thì bố mẹ biết lo đến chừng nào.
LTS: Thời gian vừa qua, Báo Giáo dục Việt Nam đã thực hiện một loạt các clip trắc nghiệm về kiến thức lịch sử, đời sống dành cho học sinh từ 9 – 11 tuổi tại Hà Nội. Và thật bất ngờ khi có rất nhiều em không biết hoặc lúng túng trước kiến thức cơ bản về lịch sử, truyện cổ tích hay đời sống. Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải lời tâm sự của một phụ huynh có hai người con học cấp 1. Trong bài viết, phụ huynh kể về những tình huống...dở khóc dở cười khi dạy con. Bởi theo phụ huynh này, chương trình SGK nặng, đánh đố học sinh nên phụ huynh nhiều khi... lúng túng.

Một hôm đi học về, con đưa cho tôi xem bài tập: "Xé dán hình vuông, hình con gà, hình ngôi nhà". Cháu nói: "Mẹ hướng dẫn con làm bài". Thế nhưng, xé dán hình vuông, hình ngôi nhà thì còn dễ chứ đến xé dán hình con gà thì… đến tôi cũng lúng túng. Dù tôi có hình dung về con gà, cần các chi tiết như đuôi gà, đầu gà, thân gà, mỏ, chân, mắt, thế nhưng để xé dán thì còn là cả một vấn đề. Còn con tôi, giống như bao đứa trẻ lớn lên từ thành phố, cháu chưa bao giờ nhìn thấy con gà bên ngoài như thế nào. Cháu chỉ biết đến món thịt gà, biết đến KFC mà thôi. Bảo các cháu xé giấy chơi thì được chứ xé giấy, rồi ghép lại thành những hình đề bài cho sẵn quả thực khó khăn, nhất là đối với học sinh cấp 1.

Đó còn là chưa kể trong chương trình tập đọc, cháu đánh vần những từ như “be”, “bẽ” mà nếu tách riêng từng từ sẽ… khó hiểu nghĩa. Hàng ngày tôi vẫn thấy con đánh vần như một cái máy, nhưng đến khi bảo con đặt câu với các từ trên thì con lại không làm được. 

Riêng sách tham khảo cho học sinh lớp 1 cũng có tới hàng chục loại (Ảnh Internet)
Riêng sách tham khảo cho học sinh lớp 1 cũng có tới hàng chục loại (Ảnh Internet)

Có lần con mang sách về nhà và hỏi tôi: "Đây là những quả gì hả mẹ". Tôi nhìn sách và thấy trong phần từ loại về hoa quả, có những từ như: quả nhót, quả muỗm. Sinh sống trong Nam, tôi không biết đến những quả miền Bắc này, và tôi đã phải giấu con mà seach google, sau đó giảng giải lại cho con. Thế nhưng, do con chưa bao giờ được nhìn thấy với loại quả này nên dễ dàng quên ngay sau đó.
Những bài tập dành cho học sinh lớp 1 này, tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến tôi vô cùng lo lắng. Bởi ở độ tuổi này, cháu còn đang vừa dỗ học, vừa dỗ chơi mà lại bắt cháu lo nghĩ quá nhiều về bài vở thì rất đáng thương. Hàng ngày tôi đón đưa con đến trường, trên đôi vai nhỏ của con phải khoác chiếc cặp rất nặng, bên trong có hơn chục quyển sách. Không phải chỉ riêng con tôi mà ở cái tuổi lên 6, lên 10 em nào cũng phải căng thẳng, vất vả, lo toan bài vở như vậy. Có những đêm con ngủ, trong mơ cũng giật mình, miệng lẩm bẩm phép cộng, trừ, nhân, chia.
Chỉ tính riêng SGK thôi cũng đã quá nhiều đối với các em, ngay từ cấp tiểu học mà hầu hết sách các môn đều đi kèm 2, 3 cuốn sách liên quan, nào sách học, sách làm bài tập rồi sách giải bài tập. Sách tham khảo thì có đủ loại như: Sách bài tập cuối tuần, sách bài tập hè… Tại sao không thay bằng loại sách tổng hợp vừa có phần lý thuyết, vừa có phần bài tập vừa đủ ngay sau bài cho các em? Chỉ cần học trong một cuốn sách đó thôi, học sinh có thể nắm vững kiến thức cơ bản.

Những năm đầu tiên của cấp tiểu học các em đã có 8, 9 môn học, bao gồm tiếng Việt, toán, thủ công, mỹ thuật, âm nhạc, đạo đức, tự nhiên xã hội, an toàn giao thông. Lên lớp 3 thêm ngoại ngữ. Lớp 4 thêm sử, địa, kỹ thuật, tin học. Số lượng các môn học như thế này có phải là quá nhiều?

Tôi nhớ ngày mình đi học, sách giáo khoa rất đơn giản, học sinh học vừa sức, nhớ lâu, đó mới là cách học sáng tạo. Thế nhưng sách bây giờ không những khó hiểu cho con mà còn cho cả phụ huynh. Tôi có cảm tưởng người ta in sách giáo khoa ra để bán lấy lời chứ không phải phục vụ cho việc học. Màu mè này kia đẹp lắm, giấy dầy đẹp lắm, nhưng chủ yếu dài dòng và khó hiểu. Nếu giáo viên không khéo truyền đạt kiến thức thì học sinh sẽ rất khó lòng tiếp thu được. Học kém, bố mẹ thêm lo lắng, lại bắt ép con đi học thêm. 

Đứa con thứ hai của tôi đang học lớp 4, nhưng ngay từ năm cháu học lớp 3 đã có những kiến thức khó. Ví dụ, trong môn tự nhiên xã hội của có dạy về hệ tuần hoàn, hệ bài tiết, hệ thần kinh. Trong bài 7 sách yêu cầu: "Các em tự đếm nhịp tim và bắt mạch nhịp trong 1 phút". Về nhà con cứ bắt tôi hướng dẫn con hướng dẫn, nhưng chính bản thân tôi cũng không biết bởi cũng không sử dụng để làm gì bao giờ.

Trẻ con oằn lưng cõng cặp tới trường.
Trẻ con oằn lưng cõng cặp tới trường.

Kiến thức trong chương trình học lớp 4 của con tương đối nặng, có phần xa lạ. Trong đó môn lịch sử, con phải học cả quá trình hình thành nước Văn Lang, trải qua thời Bắc thuộc trong đó có các bài chuyên sâu: Nhà hậu Lê và việc quản lý đất nước, văn học và khoa học thời hậu Lê…Với số lượng kiến thức vừa khó vừa khô thế này, các cháu học thấy buồn ngủ là đúng rồi. 

Chính vì vậy mới có những clip trắc nghiệm như Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng tải. Khi xem những clip này, tôi vừa giật mình, vừa buồn cười, vừa đáng thương mà vừa đáng trách các cháu. Vì các cháu cũng như chính những đứa con của tôi mà thôi. Có những cháu sống giữa lòng Thủ đô nhưng khi được hỏi: "Thủ đô của nước Việt Nam tên là gì?" thì em ngây ngô trả lời, là Cầu Giấy, là Thăng Long, là Quảng trường Ba Đình.

Điều này là do đâu, trước tiên cần khẳng định đây không phải là do lỗi học sinh, mà do chương trình học, do  phương pháp dạy. Tôi nghĩ, bài học lịch sử, bài học địa lý đầu tiên bao giờ cũng phải là dạy cho các em biết các em là ai, đang ở đâu? Đó là nhiệm vụ tưởng như đơn giản nhưng rất quan trọng. Có như vậy thì người học mới biết mình là công dân Việt Nam mang trong mình dòng máu Lạc Hồng với hàng nghìn năm lịch sử chưa từng chịu khuất phục. 

Là cha mẹ học sinh, sẵn sàng làm việc vất vả để chăm lo cho con nên hơn ai hết tôi rất thương con. Con cái đầy bụng một bữa bố mẹ đã lo, đằng này con đầy đầu, nặng đầu, ảnh hưởng đến thần kinh thì bố mẹ biết lo đến chừng nào.

Cứ thử nhìn rộng ra xã hội mà xem, ngày càng có nhiều học sinh không thể chịu nổi áp lực học hành, thi cử đã bị stress, trầm cảm, thậm chí có nhiều trường hợp đã tìm đến cái chết như là một cách để giải thoát cho mình.
Mỗi năm có hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử sau kỳ thi đại học, điều này thật đáng buồn. Bên cạnh đó còn có rất nhiều các hệ lụy kèm theo như tiêu cực trong giáo dục, học sinh ngồi nhầm lớp, nạn mù chữ vẫn còn phổ biến đối với trẻ em vùng cao. Còn trẻ em thành phố, bội thực về kiến thức khiến các em không tiêu hóa được, chỉ phản tác dụng thành gây hại mà thôi. Không những thế, chương trình học quá tải, học trò mỏi mệt, phụ huynh đau đầu, còn thầy cô giáo lại thêm vất vả.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Clip: Học sinh Hà Nội không biết tên Thủ đô của Việt Nam!

Học sinh Hà Nội nói: Yết Kiêu đánh giặc Minh, Sơn Tinh là... thần nước

Clip trắc nghiệm: HS Hà Nội nhầm lẫn Thủ đô Việt Nam là... Cầu Giấy

 Bộ Giáo dục công bố nhiều sai phạm tại ĐH Kinh tế Quốc dân

Một bộ phận thanh thiếu niên có biểu hiện suy thoái tư tưởng

Sai phạm hơn 51 tỷ ở ĐH Kinh tế Quốc dân:Hiệu trưởng bị xử lý thế nào?

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Độc giả Trần Phương