Sai lầm về kiến thức không tai hại bằng sai lầm nhận thức

19/07/2015 07:23
Xuân Trung
(GDVN) - Đây là quan điểm của một giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) trước thực trạng giới trẻ mù mờ về kiến thức lịch sử đất nước.

LTS: Vấn đề học lịch sử hiện nay không được coi trọng đã được các nhà chuyên môn bàn luận nhiều năm qua, nhưng có vẻ sự chuyển biến để nâng tầm quan trọng của việc học sử, dạy sử vẫn chưa có chuyển biến.

Mới đây nhất là sự việc học sinh nhầm lẫn Quang Trung – Nguyễn Huệ là hai danh nhân khác nhau. Kiến thức lịch sử được phản ánh trong một đoạn clip không dài, không ấn tượng về cách hỏi, nhưng cũng đã kịp để lại thêm một “di chứng” về cách học và dạy lịch sử hiện nay trong nhà trường.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thực trạng này, xuất phát từ chương trình, sách giáo khoa hiện hành, xuất phát từ bài giảng thầy cô, xuất phát từ quan niệm lựa chọn nghề nghiệp từ học trò, từ nhu cầu xã hội…

Từ những thực trạng này, phóng viên GDVN và thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy lịch sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã có trao đổi rất cởi mở, thẳng thắn nhìn vào sự thật. Thầy Hiếu cũng đã tham gia ôn luyện cho đội tuyển Sử quốc gia, đã từng có những năm là giám khảo chấm thi môn Lịch sử.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả ý kiến sẻ chia này.

Nhầm lẫn tai hại kiến thức lịch sử

PV: Chúng ta không phủ định sạch trơn những học sinh yêu lịch sử, hứng thú với môn Sử . Nhưng rõ ràng, trong vài năm gần đây kiến thức lịch sử của học sinh đang “lao dốc” nhanh chóng, xã hội khó chấp nhận một nền giáo dục cứ đi ngược với thời đại, để rồi cách dạy và học luôn cũ. Thầy nhận thấy điều này như thế nào?

Thầy Trần Trung Hiếu: Đó là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục còn quá nhiều bất cập và các môn khoa học xã hội bị xem thường. Học sinh không thích Sử là lỗi cả người lớn, học sinh chán Sử và không thi môn Sử là lỗi của một hệ thống chính trị trong thời buổi kinh tế thị trường.

Tôi cho rằng những hiểu biết ngây ngô, những sai sót, sai lầm về kiến thức lẫn nhận thức của học sinh về môn Sử và lịch sử không phải bây giờ mới “phát lộ”. 

Ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007, đây là kỳ thi đầu tiên thực hiện chủ trương “Hai không” của Bộ GD&ĐT đã xuất hiện hàng ngàn bài thi môn Sử “dính” điểm 0 và cùng với những điểm số tệ hại đó là hàng loạt bài thi lịch sử “cười ra nước mắt”. 

Điều đau lòng là nhiều thí sinh đã “sáng tạo” ra những kiến thức mới, viết lạị những kiến thức, sự kiện, nhân vật lịch sử, thậm chí đó là những kiến thiến thức lịch sử rất sơ đẳng và cơ bản đã được “mặc định” từ rất lâu từ thuở lọt lòng, từ những bài học vỡ lòng.

Nhiều nhân vật anh hùng giải phóng dân tộc đã được nhân dân ta tạc tượng, thờ cúng và tổ chức nhiều ngày lễ hội tưởng nhớ và kỷ niệm gắn với danh nhân đó nhưng đã bị các thí sinh “bóp méo” hoặc xuyên tạc đến mức không thể chấp nhận được theo kiểu “lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia”. 

Chính các giáo viên làm nhiệm vụ giám khảo môn Sử mới thật sự phát hiện ra thực trạng xót xa này. Tuy nhiên vì cái “bệnh thành tích” trong thi cử và vì nhiều lý do tế nhị khác mà ta không muốn đối mặt và thừa nhận sự thật đó.

Trong những năm gần đây, nhờ có internet và truyền thông đa phương tiện mà xã hội mới thấy rõ những yếu kém của học sinh về cả kiến thức và nhận thức môn Lịch Sử.

Như thầy nói thì chúng ta cần làm gì để nghiêm túc nhìn nhận vấn đề?

Thầy Trần Trung Hiếu: Nếu như báo chí và các phương tiện truyền thông chịu khó thực hiện một cuộc điều tra xã hội học trên diện rộng ngay trong một thành phố (thậm chí trong một trường học) thôi thì tôi tin rằng chúng ta sẽ nhận được nhiều kết quả mà không ai muốn tin, dù đó là sự thật. 

Và nếu các phóng viên “nhập vai” là một đồng nghiệp gặp trực tiếp các giáo viên đã đi chấm thi tốt nghiệp môn Sử trong nhiều năm qua thì tôi tin rằng chúng ta sẽ không bất ngờ, sẽ có một cái nhìn khách quan hơn, trung thực hơn, cụ thể hơn những yếu kém của học sinh hiện nay về kiến thức và nhận thức lịch sử và môn Sử.

Thưa thầy, sự việc clip học sinh nhầm lẫn Quang Trung - Nguyễn Huệ như vừa qua nhiều người ví chỉ là một bề nổi của tảng băng chìm về sự thiếu hụt kiến thức lịch sử ở giới trẻ.

Theo thông tin chấm thi từ một số cụm thi ở Kỳ thi THPT quốc gia cũng cho thấy, số thí sinh bị điểm 0 môn sử cũng không phải hiếm. Thầy nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Thầy Trần Trung Hiếu: Có 2 biểu hiện về sự yếu kém của học sinh nói riêng và thế hệ trẻ nói chung: Thứ nhất, thông qua các bài kiểm tra, bài thi môn Sử. Thứ hai, thế hệ trẻ khi trả lời những câu hỏi về lịch sử ( kể cả những người lớn tuổi) thông qua các sân chơi truyền hình, các cuộc thi tìm hiểu lịch sử. 

Nếu chúng ta chịu khó điều tra xã hội học trên diện rộng về những kiến thức lịch sử dân tộc rất cơ bản, tôi tin rằng những hiện tượng mà các phương tiện truyền thông phản ánh không phải là cá biệt.

Sai lầm về kiến thức không tai hại bằng sai lầm nhận thức ảnh 1
Hồ Chủ Tịch đã từng răn dạy “ Dân ta phải biết Sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” (Ảnh: tienphong.vn)

Ngay cả đề thi môn Sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua, theo thông tin từ các đồng nghiệp chấm thi, bên cạnh các bài thi đạt 9,75 điểm, đã có bài đạt điểm 10 nhưng vẫn có bài thi “dính” điểm 0 (tức là “điểm tử” ) dù đề thi năm nay có sự phân hóa khá rõ, 60% cho kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao.

Một điều đáng buồn là kiến thức lịch sử có 2 phần: Thế giới và Việt Nam, Nhưng học sinh lại thường nhầm và sai về kiến thức lịch sử Việt Nam, điều mà Hồ Chủ Tịch đã từng răn dạy “ Dân ta phải biết Sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. 

Theo tôi, sự nhầm lẫn chỉ thể hiện về trí nhớ kiến thức thì chưa đáng lo ngại, những sai lầm về nhận thức thì mới thật sự tai hại.

Thầy đã có nhiều thời gian chấm thi nhiều kỳ thi, thường thì các em hay nhầm lẫn về sự kiện hay danh nhân lịch sử?

Thầy Trần Trung Hiếu: Những kiến thức cơ bản mà các em hay nhầm và sai là nói về các danh nhân lịch sử như: không phân biệt được bà Triệu với bà Trưng, giữa các tên gọi của một danh nhân nhưng có 2 tên như  Mai Thúc Loan với Mai Hắc Đế, Lý Công Uẩn với Lý Thái Tổ, Trần Quốc Tuấn và Trần Hưng Đạo, Lê Lợi với Lê Thái Tổ và Nguyễn Huệ với Quang Trung…

Tôi xin được trích dẫn nguyên văn một số đoạn trong nhiều bài thi môn Sử trong một kỳ thi tốt nghiệp THPT khi nói về sự kiện rất cơ bản của lịch sử Việt Nam hiện đại là sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

“…Chiến dịch Hồ Chí Minh 1970, quân ta tiến vào Him Lam, Bản Kéo, lần lượt giành các đồi A1, C1, D, E…Hai bên chiến đấu giằng co quyết liệt và cuối cùng ta đã giành thắng lợi buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari 1972…”.  

“…Đến ngày 30/4/1975, bộ đội ta tiến thẳng vào bao vây Điện Biên Phủ…” ; “…Mùa Xuân 1974-1975, quân và dân ta không chịu được cảnh đàn áp của  thực dân Pháp…Sau Lê Lai, Lê Lợi không chịu được cảnh lòng mang dạ sói của thực dân Pháp đã nổi dậy đấu tranh năm 1975 nổ ra 2 ngày 1 đêm và quân ta đã đánh đuổi được thực dân Pháp…”; “…Mùa Xuân năm 1975, máu chảy thành sông, người chết thì nhiều . Sau Lê Lợi lên làm vua được vài năm là chết…”.

Thầy xác định mục tiêu dạy sử để làm gì?

Chúng ta đã bàn và nói quá nhiều về vị thế của môn Sử ở trường phổ thông, các cấp cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm bàn về sự thiếu hụt kiến thức lịch sử. Nhưng tại sao mấy năm qua chưa có chuyển biến, thưa thầy?

Thầy Trần Trung Hiếu: Tôi xin khẳng định lại một điều mà tôi tin rằng, hầu hết các đồng nghiệp môn Sử ở bậc học phổ thông hiện nay đều đồng cảm và đau lòng trước 1 sự thật: Lịch Sử là môn học bị xem thường nhất trong các môn học phổ thông. 

Đúng là nhiều năm qua, các GS,TS, chuyên gia hàng đầu của tổ chức Hội Khoa học Lịch Sử, Hội Giáo dục Lịch sử, các Trung tâm nghiên cứu, Viện, Vụ, các trường Đại học, Cao đẳng đã tổ chức nhiều Hội thảo quốc gia, Hội thảo chuyên gia với nhiều cuộc tranh luận thẳng thắn, gay gắt để bàn về thực trạng và giải pháp để “chấn hưng” môn Sử. 

Sai lầm về kiến thức không tai hại bằng sai lầm nhận thức ảnh 2

"Tôi đang sống với đam mê mà cả xã hội, gia đình cười cợt, không chấp nhận"

(GDVN) - Đó là tâm sự của sinh viên đang học ngành Sử gửi đến Tòa soạn khi mà người ta đang tranh cãi sự nhầm lẫn Nguyễn Du là Quang Trung của một học sinh tiểu học.

Kết thúc các cuộc hội thảo là nhiều bản “tấu trình” lên các cơ quan quản lý nhà nước có đủ thẩm quyền và liên quan, nhưng rút cuộc thì đâu vẫn vào đó. 

Từ chỗ đang là môn thi thường xuyên trong thi tốt nghiệp THCS, THPT, đến nay Lịch Sử chỉ là môn thi tự chọn và lẽ đương nhiên, nhiều học sinh không chọn môn Sử. 

Và với kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua và trong những kỳ thi quốc gia sắp tới, tình trạng đó sẽ càng tệ hại hơn như là một sự “khai tử” vị thế, vai trò của môn Sử trong học tập và thi cử!

Thầy có nghĩ cách dạy hiện nay cũng làm cho học sinh không muốn lên lớp với môn sử?

Thầy Trần Trung Hiếu: Với kiểu “ứng thi” như hiện nay, đương nhiên học sinh sẽ rèn luyện thói quen và “kỹ năng” rất thực dụng, đối phó: học gì, thi nấy, không thi thì không học.Các môn khoa học xã hội sẽ có rất ít thí sinh lựa chọn và dẫn đến một hệ lụy tất yếu là học lệch hoàn toàn.

Người thầy đóng vai trò rất quan trọng, là nhân tố nhất dẫn đến tình trạng học sinh có chán Sử hay yêu thích môn Sử hay không, đó là hình ảnh của người thầy dạy Sử. 

Tài năng và tâm huyết của người thầy sẽ biến những mớ kiến thức, sự kiện rất khô khan của lịch sử thành những tiết học lịch sử thật sự sinh động và hấp dẫn. 

Học sinh bây giờ sẽ vô cùng “ngán” với việc cứ đến giờ học môn Sử là thầy lại “thủy chung” với phương pháp đọc chép từ giáo án của thầy hoặc rập khuôn một cách máy móc, tuyệt đối hóa  những kiến thức từ sách giáo khoa. 

Bản thân sách giáo khoa Lịch Sử của chúng lâu nay đã bộc lộ nhiều sự bất cập và lỗi thời so với sự phát triển về kinh tế - hội cả đất nước cũng như sự thay đổi nhanh chóng của lịch sử thế giới.

Một “nguyên tắc vàng” của khoa học lịch sử là tái hiện lại quá khứ với bộ mặt vốn có của nó. Để khắc phục những hạn chế mang tính lịch sử của sách giáo khoa môn Sử, sự cập nhật kiến thức, sự linh hoạt về nhận thức và tài năng cả người thầy dạy Sử sẽ làm cho học sinh không chán Sử, yêu Sử và giỏi Sử hơn.

Tại sao chúng ta không nghĩ đến một thực tế là giờ Sử cả thầy này thì học sinh luôn tập trung chú ý và đam mê học, còn đến giờ Sử của cô kia là các em chán học và không muốn học ?

Theo tôi, điều quan trọng nhất của người dạy Sử là cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu môn Sử trong trường phổ thông, nói một cách giản đơn là học Sử để làm gì ?

Và từ đó cần học những gì, sau đó mới phải học như thế nào? Cùng với nội dung và chương trình sách giáo khoa, vai trò và phương pháp giảng dạy của người thầy hết sức quan trọng. 

Trân trọng cảm ơn thầy.

Xuân Trung