Sao cứ phải mua sách ở trường?

03/08/2017 06:25
Sông Mã
(GDVN) - Đầu năm đến trường, các thầy cô chẳng kịp hàn huyên, hỏi thăm tình hình công việc của nhau, mà mối bận tâm lớn nhất của họ lúc này là bán hết sách VNEN chưa?

LTS: Nhằm chia sẻ những nỗi niềm lo lắng, vất vả của các thầy cô giáo trong việc bị "ép buộc" bán sách giáo khoa VNEN, tác giả Sông Mã đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về vấn đề này.

Đồng thời, tác giả cũng cho rằng: việc không để các bậc phụ huynh tự đi mua sách giáo khoa VNEN ở bên ngoài cũng là điều mà nhiều giáo viên thắc mắc, nhưng chính họ còn không có câu trả lời thì nói gì đến việc giải thích cho các bậc phụ huynh hiểu được.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày đầu tiên đến trường sau 2 tháng hè, khác với không khí vui mừng vì được gặp lại đồng nghiệp thì không ít giáo viên lại than ngắn thở dài, bởi chuyện "bán sách giáo khoa VNEN". 

Một số sách giáo khoa lớp 2 theo mô hình VNEN (Ảnh nguồn: Tuoitre.vn)
Một số sách giáo khoa lớp 2 theo mô hình VNEN (Ảnh nguồn: Tuoitre.vn)

Người thì vui mừng, hỉ hả bởi mình đã bán hết sách giáo khoa VNEN, người lại âu sầu vì phụ huynh đăng kí nhưng không mua, còn có người bán chịu nhưng vẫn chưa thu được tiền…

Khi nghe “giáo viên bán sách”, chắc hẳn không ít người nghĩ ngay đến chuyện bán kiếm lời, bán vì tiền. Nhưng, “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, đó chỉ là hình thức bán giúp nhưng mang tính “ép buộc” theo chỉ đạo từ trên xuống.

Trong buổi họp hội đồng cuối năm ở các trường tiểu học, giáo viên được phổ biến nội dung cần triển khai đến các bậc phụ huynh về việc đăng kí mua sách giáo khoa VNEN cho học sinh chuẩn bị sang năm học mới. 

Theo sự chỉ đạo của nhà trường, thầy cô có trách nhiệm giải thích cho phụ huynh hiểu việc: “gia đình phải đăng kí từ hôm nay (cuối tháng 5) để nhà trường đặt sách giáo khoa VNEN. 

Phụ huynh đăng kí mua sách thì cho kí ngay vào, thu tiền luôn càng tốt. Bởi, đăng kí rồi mà không mua sẽ không trả lại được. 

Cần nói rõ, để phụ huynh hiểu không nên mua sách VNEN ở ngoài vì có nhiều nơi xuất bản không đảm bảo đúng chất lượng. Một số nội dung sửa đổi họ không chỉnh sửa kịp thời. Hơn nữa, có khi không có sách để mua, sang năm học mới các em sẽ không có sách để phục vụ học tập”. 

Sao cứ phải mua sách ở trường? ảnh 2

Phụ huynh bức xúc vì sách VNEN mua về không học, trả lại nhà trường không nhận

Chỉ nghe bấy nhiêu thôi, giáo viên cũng thấy sợ, bởi “nếu phụ huynh đăng kí rồi không mua thì sao? Rồi, nếu học sinh lớp mình sang năm thiếu sách học thì cũng đủ mệt…”.

Thế là, vào buổi họp phụ huynh cuối năm, thầy cô nào cũng ra sức thuyết trình để phụ huynh hiểu đúng tinh thần đã được Ban giám hiệu triển khai. 

Nghe thế, phụ huynh đồng loạt đăng kí vào danh sách đã được ghi sẵn và nộp tiền. Một số phụ huynh chưa có tiền hẹn khi nào lấy sách sẽ nộp sau.

Nghỉ hè, không ít giáo viên nhận được điện thoại của phụ huynh hỏi “có sách chưa thầy/cô? Tôi muốn lấy ngay giờ về để cho con học…”.

Có người gọi rồi thẳng thừng nói: “sao hôm họp phụ huynh thầy/cô nói sách giáo khoa VNEN ở ngoài không có bán nên tôi mới đăng kí. Giờ tôi đi siêu thị, thấy họ cũng bán rất nhiều, tôi mua luôn ở đây rồi thầy/cô ạ”.

Gặp những tình huống như thế, giáo viên sẽ phải “trổ tài” thật khéo léo bằng cách năn nỉ, ỉ ôi “anh/chị đã đăng kí nên nhà trường mang sách về rồi. Giờ nếu không mua sách sẽ làm khó cho giáo viên chủ nhiệm”.

Người nể thầy cô nên vẫn mua nhưng lại nói: “hôm sau mà nhà trường ép quá thì mua thêm bộ nữa, một bộ để ở trường, bộ đem về nhà cũng tốt chứ sao!”.

Ngày đầu năm đến trường, chẳng kịp hàn huyên, hỏi thăm nhau về tình hình sức khỏe, công việc trong hè…mối bận tâm lớn nhất của giáo viên lúc này là “bán hết sách giáo khoa VNEN chưa?”.

Người hỏi: “Lớp thầy đã bán hết sách giáo khoa VNEN chưa? Lớp em còn 10 bộ mà hai hôm nay gọi hoài phụ huynh không đến”. 

“Người lại nói, mình còn 8 bộ đây, họ nói đợi sách của nhà trường lâu quá đã đi mua ở ngoài cho con học trước rồi. Bây giờ không bán được sách, nhưng đã đăng kí số lượng học sinh mua hồi cuối năm cho nhà trường, giờ chẳng biết nói thế nào đây?”

Sao cứ phải mua sách ở trường? ảnh 3

Hà Tĩnh: Sách giáo khoa VNEN đã mua có trả lại được không?

Người lại bức xúc lên tiếng "tôi mua bộ sách VNEN lớp 2 ở trường 172 nghìn đồng, nhưng mấy người mua ngoài siêu thị được giảm tới hơn 50 nghìn. Sao nhà trường bán đắt thế cô/thầy?". Nhiều giáo viên chỉ còn biết “bó tay.com” vì chẳng biết trả lời phụ huynh ra sao cho họ hiểu.

Thôi đành mang tiếng thầy cô bán đắt hơn bên ngoài. Nhưng, không ít giáo viên lại ấm ức vì họ kị nhất là nói đến chuyện tiền bạc, chuyện buôn bán đắt rẻ… Bởi, điều này sẽ làm giảm giá trị của thầy cô trong mắt phụ huynh, học sinh. Trong khi “miếng” thì người khác ăn còn “tai tiếng” giáo viên phải gánh chịu.

Mỗi bộ sách giáo khoa VNEN bán ra vài trăm ngàn đồng/bộ, nhưng các giáo viên chỉ được nhà trường trích lại 2 nghìn đồng/bộ, còn những khoản trích khác họ chẳng thể nào biết được. Nay, phụ huynh chất vấn như vậy thầy cô chỉ còn biết “ngậm tăm” cho xong việc.

Cũng có không ít phụ huynh thắc mắc: “tôi thấy sách VNEN bên ngoài bán nội dung cũng có khác gì so với sách trong nhà trường bán đâu cô/thầy? Sao mình không để phụ huynh ra ngoài đấy mua có phải khỏe hơn không?

Sao không để phụ huynh tự đi mua sách VNEN ở bên ngoài cũng là điều mà nhiều giáo viên thắc mắc, nhưng chính họ còn không có câu trả lời thì nói gì đến việc giải thích cho các bậc phụ huynh hiểu được?

Sông Mã