Sau 1 tuần đổi giờ: Dân kêu khổ, các cơ quan đều nhận xét tích cực

06/02/2012 18:53
Xuân Trung
(GDVN) - Chiều nay 6/2, Sở GTVT Hà Nội tổ chức buổi lấy ý kiến tổng hợp từ các cơ quan, ban ngành sau 5 ngày thực hiện lịch đổi giờ học, giờ làm.
Tham gia buổi họp báo chiều nay, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng công tác HSSV nêu thực  trạng sau 5 ngày áp dụng giờ học mới. Ông Nhật cho biết, từ ngày đầu  áp dụng đổi giờ học đã có nhiều khúc mắc cần được xem xét trong thời gian tới.

“Một trong những vướng mắc lớn là điều kiện học tập cũng  như sinh hoạt hàng ngày của các em học sinh THPT  bị ảnh hưởng nhất. Các tiết ngoại khóa khó thực hiện được, tiết thể dục lại học buổi tối như vậy là phản khoa học, hơn nữa lúc đó các em thường đói khó mà đáp ứng được yêu cầu của tiết học. Các em ở ngoại thành nhà xa trường 10-20 km đi bằng xe đạp mà tới 19 giờ về thì quá muộn, lại đi qua những đoạn đường không có đèn. Do vậy ảnh hưởng tới an ninh học đường” ông Nhật nêu vấn đề.
Công an một số quận, huyện nội thành Hà Nội cho rằng, việc áp dụng giờ học, giờ làm việc mới giao thông có phần thông thoáng hơn. Ảnh Xuân Trung
Công an một số quận, huyện nội thành Hà Nội cho rằng, việc áp dụng giờ học, giờ làm việc mới giao thông có phần thông thoáng hơn. Ảnh Xuân Trung
Vẫn theo ông Nhật, sau khi áp dụng giờ học mới giáo viên các trường THCS thực hiện giờ giao ca rất nhanh, chỉ 15 phút nên không có thời gian chuẩn bị. Thứ nữa, những giáo viên có con nhỏ cũng đang đi học sẽ không  được chăm sóc cẩn thận. Với phương án đổi giờ mới, ông Nhật thông tin, nếu học sinh đi muộn 15 phút nhà trường vẫn phải cho các em vào học, không được để các em đứng ngoài, sau 15 phút có thể cho các em vào một phòng riêng để tránh ảnh hưởng tới các bạn khác và cho các em tự ôn bài.
Tại buổi họp báo chiều nay, nhiều ý kiến đến từ các trường ĐH trên địa bàn cũng bày tỏ những vướng mắc khi áp dụng giờ học mới.

Ông Lê Huy Bắc, phụ trách đào tạo Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, là  trường tương đối đông sinh viên (khoảng 30.000), việc điều chỉnh giờ học tác động  rất lớn đến quy trình đào tạo và cuộc sống thường nhật của bộ phận lớn cán bộ trong trường.

“Tuy đến ngày hôm nay chúng tôi vẫn thực hiện được việc đổi giờ, do là buổi học đầu sau khi nghỉ tết. Với việc điều chỉnh giờ học với trường tôi sẽ ảnh hưởng tới việc sử dụng hiệu quả khối tàn sản vì hiện chúng tôi học 3 ca; sáng - chiều - tối, khoảng cách giữa 3 ca là rất ít, gần 90% tài sản được khai thác triệt để. Do vậy, chi phí cho 1  sinh viên có thể tăng 30% nhưng tiền lương của cán bộ nhân viên thì không thể tăng được. Chúng tôi kiến nghị được áp dụng giờ học theo điểm thứ 5 là học theo ca” ông Bắc đề xuất.
Ảnh minh họa Xuân Trung
Ảnh minh họa Xuân Trung
Công an các quận, huyện trên địa bàn cũng cho biết, về cơ bản sau 5 ngày áp dụng  giờ học, giờ làm việc mới giao thông thành phố có phần thông thoáng hơn. 
Thượng tá Phạm Văn Thời, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho rằng, việc thay đổi giờ học, giờ làm qua 5 ngày thực hiện chưa thể có đánh giá tổng quát được. Tuy nhiên, theo thượng tá Thời  giao thông tại khu vực Cửa Nam, Nguyễn Khuyến, đầu cầu Chương Dương các phương tiện giờ cao điểm có giảm đi: “Nhưng việc thay đổi giờ cũng làm một số phụ huynh của quận có sự thay đổi về giờ giấc, học sinh thay đổi sinh hoạt, nhưng tôi cho rằng đây chỉ là yếu tố nhỏ” thượng tá Thời cho biết.
Cùng quan điểm, ông Phạm Ngọc Kim, Phó trưởng Công an  huyện Từ Liêm cho biết, trên địa bàn huyện hiện có khoảng gần 20 trường đại học, cao đẳng, nhiều công trình hạ tầng quốc gia ở đây. Sau 5 ngày thực hiện việc đổi giờ theo ghi nhận số lượng sinh viên chưa đông, chưa lên hết nên việc đánh giá khách quan, thực tiễn là chưa đủ căn cứ.
Về việc ghi nhận lương học sinh, sinh viên tham gia giao thông trong 5 ngày vừa qua, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng cho biết, những ngày đầu áp dụng giao thông diễn ra bình thường, tuy nhiên buổi chiều thường xảy ra ùn tắc tại các điểm gần trường cấp 1 và cấp 2. Các điểm như: Lý Thái Tổ, Phan Đình Phùng, Nguyễn Trường Tộ…trước đây không xảy ra tắc đường nhưng hiện tại có ún ứ sau mỗi buổi tan học của học sinh. Nguyên nhân, theo Phòng CSGT Công an Hà Nội là do vị trí các trường nằm trên các tuyến đường, điều kiện hạ tầng chật hẹp và nguyên nhân chính là do phụ huynh chờ đón con.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GT&VT Hà Nội cho rằng, cần tiếp tục theo dõi để có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội điều chỉnh cho phù hợp hơn. Ảnh Xuân Trung
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GT&VT Hà Nội cho rằng, cần tiếp tục theo dõi để có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội điều chỉnh cho phù hợp hơn. Ảnh Xuân Trung
Đại diện công an Q. Ba Đình nêu ý kiến, thực trạng ùn tắc tại các cổng trưởng học sau những  ngày áp dụng giờ học mới vẫn xảy ra. Những khu vực có các trường liền kề đã tạo thành một khung giờ nhất định ra - vào nên lượng học sinh và phụ huynh rất đông gây ra ùn tắc. Tuy nhiên, với Q. Ba Đình đã giải quyết được bài toán đó. 
Công an Q. Ba Đình cũng có kiến nghị: Do lường trước được từ giờ tới cuối tháng lượng sinh viên có thể đạt con số rất lớn, để giảm thiểu phương tiện giao thông tham gia trên đường thành phố cần mạnh dạn với sinh viên. Cụ thể, thành phố mạnh dạn chi ngân sách để  giảm giá vé tháng cho sinh viên. Như vậy, những sinh viên  trước kia đi xe máy sẽ chuyển sang đi xe buýt. Theo đánh giá, đây là giải pháp hạn chế được phương tiện tham gia giao thông cá nhân của sinh viên.
Với mục đích lắng nghe, tổng hợp những vướng mắc sau 5 ngày thực hiện việc đổi giờ học, giờ làm trên địa bàn Hà Nội. Giám đốc Sở GT&VT Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, việc thay đổi giờ học, giờ làm ít nhiều đã gây xáo trộn cuộc sống nhân dân. Đối tượng ảnh hưởng lớn nhất là học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12.

“Vấn đề này Sở GD&ĐT Hà Nội phải có báo cáo tổng hợp để UBND TP Hà Nội có giải pháp  phù hợp hơn. Hiện sau 5 ngày thì chưa thể có đánh giá hiệu quả của quyết định được, chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi. Những vướng mắc chúng tôi sẽ có tổng hợp báo cáo UBND TP Hà Nội để có điều chỉnh phù hợp hơn trong thời gian tới. Theo tôi, một giải pháp và một quyết định thì các ngành, các cấp phải thực hiện nghiêm túc và hết sức có trách nhiệm thì quyết định, giải pháp đó mới thành công được.” ông Hùng cho biết. 

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục

Xuân Trung