Sau đây, con em chúng ta sẽ học theo Chương trình mới này

27/12/2018 16:20
Thùy Linh
(GDVN) - Đúng 16 giờ chiều 27/12, Bộ Giáo dục tổ chức họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới và kế hoạch thực hiện từ năm học 2020 -2021 với lớp 1.

Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình) và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới đã quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thể hiện quyết tâm đổi mới của ngành Giáo dục.

Chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?” (Ảnh chụp tài liệu)
Chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?” (Ảnh chụp tài liệu)

Về mục tiêu đổi mới, Chương trình giáo dục phổ thông  mới thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.”.

Nếu như chương trình hiện hành và các chương trình giáo dục phổ thông  trước đây trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh biết được những gì?”  thì Chương trình giáo dục phổ thông  mới tập trung trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, tổng thời lượng học tập của học sinh phổ thông và thời lượng học tập dành cho mỗi cấp học, lớp học, môn học, hoạt động giáo dục được xác định trên cơ sở kế thừa Chương trình giáo dục phổ thông  hiện hành và tham khảo tỉ lệ thời lượng phân bổ cho các môn học, hoạt động giáo dục ở chương trình giáo dục phổ thông của nước ngoài.  

Theo đó, tổng thời lượng học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông  mới cụ thể: 
Tổng thời lượng học tập ở cả 3 cấp học là 8.172 giờ (60 phút/giờ), trong đó:

- Thời lượng học tập ở cấp tiểu học: 2.817,5 giờ

- Thời lượng học tập ở cấp trung học cơ sở: 3.070,5 giờ

- Thời lượng học tập ở cấp trung học phổ thông: 2.284 giờ.

Trong khi theo chương trình hiện hành, học sinhtiểu học học 2.353 giờ. Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.

Ở trung học cơ sở, theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, học sinh học 3.124 giờ. Như vậy, thời lượng học ở trung học cơ sở giảm 53,5 giờ.

Ở trung học phổ thông, theo Chương trình giáo dục phổ thông  hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.546 giờ; học sinh Ban A, Ban C học 2.599 giờ. Như vậy, thời lượng học ở trung học phổ thông giảm mạnh, từ 262 giờ đến 315 giờ.

Về thời lượng học tập của một số môn học giáo dục thể chất và thẩm mĩ trong chương trình giáo dục phổ thông mới là:

Thời lượng học giáo dục thể chất chiếm tỉ lệ từ 6% đến 7% tổng thời lượng học. Bên cạnh đó, ở cấp trung học phổ thông, học sinh còn được học Giáo dục quốc phòng và an ninh, một môn học bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, có tác dụng hỗ trợ giáo dục thể chất.

- Thời lượng học các môn nghệ thuật ở tiểu học và trung học cơ sở chiếm tỉ lệ từ 6% đến 7% tổng thời lượng học.

Ở trung học phổ thông, thời lượng học Nghệ thuật tương đương thời lượng học các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học.

Bên cạnh đó, giáo dục thẩm mĩ còn được thực hiện thông qua môn Ngữ văn – môn học có tổng số giờ học rất lớn.

Thời lượng học môn Tiếng Việt ở tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông mới là 1.505 tiết (trung bình 43 tiết/tuần), chiếm 31% tổng thời lượng chương trình dành cho các môn học bắt buộc; bằng thời lượng học trong chương trình hiện hành. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới dành thời lượng thích đáng cho việc học tiếng Việt ở cấp tiểu học, đặc biệt ở lớp 1 là để bảo đảm học sinh đọc thông viết thạo, tạo tiền đề học các môn học khác. Đối với học sinh người dân tộc thiểu số thì việc có đủ thời gian học tiếng Việt càng quan trọng. 

Thùy Linh