Sau thi viên chức, nhiều giáo viên cao tuổi ở Hà Nam kêu cứu

23/11/2017 07:33
TRỰC NGÔN
(GDVN) - Một số giáo viên ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam sau khi thi tuyển viên chức có nguy cơ rời bục giảng vì không đủ điểm trúng tuyển.

Mới đây, phản ánh đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều giáo viên trên địa bàn huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam cho biết, mặc dù đã nhiều năm công tác trong ngành giáo dục và đạt được nhiều thành tích nhưng họ vẫn có nguy cơ bị mất việc sau khi thi tuyển viên chức.

Theo phản ánh của các giáo viên, theo Kế hoạch số 2410/KH-UBND- Hà Nam ngày 25/8/2017; Căn cứ Nghị định số 29/2015/TTLT- BGDĐT- BNV; Thông tư số 15/2012/TT- BNV; Kế hoạch số 1338/KH - UBND ngày 23/9/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục tỉnh Hà Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã tiến hành xét tuyển viên chức ngành giáo dục.

Sau khi các giáo viên chấm dứt hợp đồng lao động với huyện Kim Bảng, ngày 21/10/2017 Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã tổ chức thi tuyển viên chức. Sau khi có kết quả, trong số hơn 100 giáo viên dự thi thì tỷ lệ trúng tuyển rất thấp. Vì vậy nhiều thầy, cô giáo vô cùng lo lắng trước nguy cơ rời khỏi ngành.

Nhiều giáo viên dù có thâm niên dạy lâu năm và đạt nhiều thành tích nhưng trong kỳ thi viên chức, các giáo viên cảm thấy thiệt thòi khi không được ưu tiên. Ảnh: Nhân Văn
Nhiều giáo viên dù có thâm niên dạy lâu năm và đạt nhiều thành tích nhưng trong kỳ thi viên chức, các giáo viên cảm thấy thiệt thòi khi không được ưu tiên. Ảnh: Nhân Văn

Theo nhiều giáo viên, dù có thâm niên dạy lâu năm và đạt nhiều thành tích nhưng trong kỳ thi viên chức, các giáo viên này không được ưu tiên.

Trong cuộc thi, phần làm bài kiểm tra, sát hạch gồm ba phần: Phần một là các câu hỏi thể hiện hiểu biết chung về luật viên chức và luật giáo dục là 3 điểm; Phần hai, ba là soạn giáo án và làm bài tập khó, mỗi phần là 3,5 điểm.

Sau thi viên chức, nhiều giáo viên cao tuổi ở Hà Nam kêu cứu ảnh 2

Thầy cô ở Thanh Hóa rơi nước mắt ngay trước ngày 20/11

Mặc dù bài năng lực của các giáo viên này đạt khá cao từ 7 trở lên nhưng vẫn trượt. Vì theo quy định xét tuyển là bài năng lực hệ số 2 cộng với điểm thi tốt nghiệp và điểm học tập hệ số một rồi xét từ trên xuống.

“Chúng tôi vào ngành cũng khá lâu, từ 15 – 20 năm. Tuy nhiên thì chúng tôi cũng không được ưu tiên gì trong việc xét tuyển.

Về điểm thi thì sẽ không nhanh nhạy như các bạn trẻ bây giờ. Sau khi chấm dứt hợp đồng chúng tôi cũng đang ở nhà, cũng có đi xin công ty làm việc nhưng họ đều từ chối vì tuổi đã cao, mắt đã kém, có người đã ngoài 40 tuổi”, một giáo viên chia sẻ.

Các giáo viên cũng phân vân về việc tỉnh Hà Nam chỉ xét tuyển đặc cách vào viên chức đối với 1.470 giáo viên mầm non đang dạy hợp đồng, còn với giáo viên tiểu học và trung học cơ sở thì phải thi tuyển.

Liên quan đến vấn đề trên, bà Đinh Thị Lụa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam cho biết, Kế hoạch số 2410/KH-UBND ngày 25/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về tuyển dụng giáo viên Trung học cơ sở, Tiểu học, mầm non đã thực hiện đúng theo quy định của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 15 - 16 của Bộ Nội vụ, đảm bảo công khai, khách quan, công bằng, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, chú trọng chất lượng đội ngũ được tuyển dụng trên cơ sở đánh giá năng lực thực tế của người dự tuyển.

“Trong kiểm tra sát hạch đánh giá năng lực thực tế của người dự tuyển, phần kiểm tra soạn giáo án và làm bài tập khó được nhân đôi điểm, nếu các giáo viên có kinh nghiệm và dạy giỏi lâu năm chắc chắn sẽ đạt điểm kiểm tra, sát hạch cao hơn so với thế hệ mới ra trường.

Sau thi viên chức, nhiều giáo viên cao tuổi ở Hà Nam kêu cứu ảnh 3Nơi tôi ở giáo sinh ra trường không phải...chạy

Về thông tin điểm học phần, điểm tốt nghiệp của thế hệ trẻ bây giờ cao hơn so với các cô giáo ngày xưa là do các cơ sở đào tạo, chứ không phải Sở hay tỉnh quyết định điểm này”, bà Lụa cho biết. 

Về việc tỉnh Hà Nam chỉ xét tuyển đặc cách vào viên chức đối với giáo viên tiếng Anh tiểu học mầm non đang dạy hợp đồng, bà Lụa cho biết thêm, đây là số giáo viên có đủ điều kiện tiêu chuẩn và được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xét duyệt, hợp đồng để dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học theo đề án dạy ngoại ngữ năm 2020 của tỉnh Hà Nam từ năm học 2012-2013 (87 giáo viên) và 1.470 giáo viên mầm non hợp đồng theo Thông tư 09/2013/TTLT- BGDĐT-BTC- BNV từ tháng 5/2013, vì vậy các giáo viên này đã đáp ứng điều kiện được xét tuyển đặc cách.

Trước nguy cơ mất việc làm trên, nhiều giáo viên sau khi thi tuyển đang rất mong muốn Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện và Sở Giáo dục tỉnh Hà Nam xem xét tạo điều kiện cho các thầy cô đã công tác trong ngành giáo dục lâu năm được tiếp tục công tác trong nghề.

TRỰC NGÔN