Sĩ số quá lớn, giáo viên kiệt sức, làm sao thực hiện Thông tư 30?

02/03/2015 06:00
Ngọc Quang
(GDVN) - Ths. Lê Tuệ Minh: "Chương trình của nhà trường chưa thực sự mang lại cho các em một nền giáo dục toàn diện thì làm sao có thể đánh giá?".

Liên quan tới việc triển khai Thông tư 30 đánh giá học sinh tiểu học thu hút sự chú ý của đông đảo giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh, Ths. Lê Tuệ Minh - Chủ tịch Hội đồng Điều hành, Giám đốc Đào tạo Hệ thống trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring Hà Nội nhận định, thông tư này hướng tới mục tiêu tốt đẹp, nhưng với điều kiện thực tế hiện nay thì không thể đánh giá được năng lực của học sinh.

Chưa có điều kiện, căn cứ để thực hiện đại trà

Theo Ths. Lê Tuệ Minh, qua theo dõi thì các diễn đàn bàn luận nhiều nhất về chi tiết "không dùng điểm đánh giá kết quả học tập hàng ngày của học sinh tiểu học", chứ ít bàn đến khía cạnh khác trong toàn bộ quy trình đánh giá khá mới mẻ ở Việt Nam này.

Thực chất Thông tư 30 xuất phát từ quan niệm và mong muốn một nền giáo dục lý tưởng, hướng tới những chuẩn mực, phương pháp giáo dục và đánh giá tiên tiến trên thế giới đang áp dụng, đó là đánh giá học sinh tiểu  học một cách toàn diện, theo từng cá thể của từng trẻ để có lộ trình phát triển toàn  diện, cá thể hoá đến từng trẻ, đánh giá cả quá trình phát triển của trẻ, cả hành vi, thái độ, kỹ năng và kiến thức, không chỉ dừng lại ở kết quả học tập và hạnh kiểm như truyền thống từ trước tới nay.

"Vấn đề đáng bàn ở đây chính là cơ sở, căn cứ và điều kiện để thực hiện đại trà chưa có, chưa đầy đủ hoặc chưa đáp ứng được khiến cho việc triển khai đánh giá theo phương pháp mới này trở nên bất khả thi và còn hình thức đối với phần lớn các trường tiểu học, đặc biệt là các trường công lập với sĩ số học sinh một lớp quá lớn (trên 50 học sinh) và điều kiện dạy – học còn nhiều hạn chế", bà Minh nhấn mạnh.

Ths. Lê Tuệ Minh: Khi chương trình của nhà trường chưa thực sự mang lại cho các em một nền giáo dục toàn diện thì làm sao có thể đánh giá các em về những thứ các em không được dạy?
Ths. Lê Tuệ Minh: Khi chương trình của nhà trường chưa thực sự mang lại cho các em một nền giáo dục toàn diện thì làm sao có thể đánh giá các em về những thứ các em không được dạy?

Từ đó, Ths. Lê Tuệ Minh phân tích sâu vào 2 khía cạnh chính là căn cứ và điều kiện thực hiện cách đánh giá này:

Thứ nhất, căn cứ, cơ sở để thực hiện việc đánh giá toàn diện là cần phải có một chương trình phát triển toàn diện thông qua các môn học, các hoạt động giáo dục, hoạt động chính khoá và ngoại khoá của học sinh để qua đó, các em được định hướng, được giáo dục việc hình thành các hành vi, thói quen, kĩ năng, thái độ và kiến thức đúng đắn, hiện đại.

Nhưng thực tế hiện nay, chương trình áp dụng đại trà vẫn chủ yếu chỉ quanh quẩn mấy môn học kiến thức căn bản, kiến thức tương đối lý thuyết, thiếu cập nhật... các môn học như nghệ thuật, thể thao, âm nhạc, đạo đức, kĩ năng sống (chưa có chính thức)... hầu như chỉ dừng lại ở hình thức vì nội dung đã quá cũ kĩ và giáo điều; các hoạt động thực hành kĩ năng và thái độ hầu như rất ít; hoạt động ngoại khoá, vui chơi mang tính giáo dục... gần như không có.

Vậy khi chương trình của nhà trường chưa thực sự mang lại cho các em một nền giáo dục toàn diện thì làm sao có thể đánh giá các em về những thứ các em không được dạy?

Thứ hai, điều kiện thực hiện việc đánh giá (thực ra đánh giá chỉ là khâu cuối cùng trong chuỗi các hoạt động giáo dục). Nếu phần “nội dung” được tổ chức thực hiện tốt thì việc đánh giá sẽ diễn ra một cách tự nhiên và không khiên cưỡng. Vấn đề ở hầu hết các trường phổ thông Việt Nam là điều kiện thực hiện các hoạt động về nội dung chương trình hầu như lại rất thiếu thốn và nghèo nàn: Chương trình định hướng về giáo dục kĩ năng, thái độ... thiếu; điều kiện cơ sở vật chất, phòng chức năng, sân chơi, khu thể thao... thiếu. Và quan trọng nhất là thiếu nguồn lực con người để thực hiện.

Một lớp có tới trên dưới 50 học sinh mà chỉ có 1 giáo viên đứng lớp dạy các môn văn hoá (vốn đang quá hàn lâm và quá tải) và quản lý trật tự đã đủ kiệt sức rồi thì làm sao còn đủ thời gian tìm tòi, thiết kế, xây dựng, tổ chức hoạt động để học sinh hình thành những kĩ năng và thái độ cần có chứ chưa nói đến việc đánh giá? Và kinh phí, quy trình tổ chức các hoạt động cho hàng ngàn học sinh của toàn trường không hề đơn giản nếu không có trong chương trình và kinh phí tổng thể từ đầu một cách chủ động như các trường tư.

Cũng theo Ths. Minh, ở thời điểm hiện nay, áp dụng Thông tư 30 thì các trường tư thục đang có lợi thế hơn trường công lập, vì có được sự tự chủ trong việc thiết kế chương trình, hoạt động và nguồn lực, chủ động xây dựng được chương trình, môi trường và những cơ sở điều kiện, nhân sự… có thể nói gần như lý tưởng để thực hiện được một nền giáo dục căn bản như các nền giáo  tiên tiến trên thế giới mà chúng ta đang hướng tới.

Bà Minh nêu thí dụ so sánh: "Ở trường chúng tôi, sĩ số lớp chỉ trên dưới 20 học sinh, một lớp học linh hoạt về không gian, trẻ được trải nghiệm nhiều nội dung giáo dục với các hoạt động thực hành đa dạng, trong những không gian chức năng đa dạng với các thầy cô chuyên trách khác nhau. 

Trẻ được hình thành thói quen, kĩ năng, thái độ và kiến thức ngay trong quá trình thực hiện các hoạt động và việc đánh giá cũng được thực hiện một cách tự nhiên, thực chất, từ nhiều góc độ ... bởi từng thầy cô để góp phần đánh dấu sự trưởng thành của trẻ và điều chỉnh xây dựng các hoạt động tiếp theo cho phù hợp nhất với từng cá thể trẻ.

Còn với những ngôi trường có tới 50 học sinh/lớp mà chỉ có 1 giáo viên chủ nhiệm thì chắc chắn không thể triển khai thành công Thông tư 30".

Thiếu cơ chế để các trường chủ động chọn chương trình phù hợp

Từ những bất cập trong Thông tư 30, nhìn rộng ra giáo dục phổ thông, Ths. Lê Tuệ Minh nhận định, Việt Nam đang thiếu nhất là một cơ chế, một bộ khung cho sự tự chủ, chủ động cho các trường trong việc tự quyết định chương trình, quyết định quy trình giáo dục nào là phù hợp nhất cho sự phát triển của học sinh trường mình.

"Vì thế, các trường sau bao nhiêu năm thực hiện mọi kế hoạch được vạch sẵn đến từng tiết, cũng mất dần khả năng tự hoạch định, tự tìm hiểu, thiết kế và xây dựng chương trình giáo dục cho riêng mình", bà Minh chỉ rõ.

Học sinh cần nhiều hơn nữa những trải nghiệm thực tế bổ ích. ảnh: HG
Học sinh cần nhiều hơn nữa những trải nghiệm thực tế bổ ích. ảnh: HG

Từ nhận định trên, gắn với nhiệm vụ đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông vào năm 2015, Ths. Lê Tuệ Minh nhận định, Việt Nam thực sự cần học tập những nền giáo dục tiên tiến xem họ đang làm thế nào, đặc biệt để xây dựng Khung Chương trình Quốc gia, làm kim chỉ nam cho các tổ chức triển khai sách giáo khoa và học liệu. Bộ Giáo dục chỉ nên giữ vai trò chốt khung chương trình và cho phép nhiều nguồn lực trong xã hội cùng tham gia vào quá trình biên soạn sách giáo khoa.

Sĩ số quá lớn, giáo viên kiệt sức, làm sao thực hiện Thông tư 30? ảnh 4Trò lười, cô quá tải, gia đình khó kiểm soát sau một kỳ áp Thông tư 30

(GDVN) - Việc thay đổi hoàn toàn cách đánh giá đã khiến cho học sinh có giảm áp lực về việc học nhưng lại mất dần động cơ phấn đấu, đua tranh với nhau.

Hãy để xã hội tự thẩm định bộ sách nào là phù hợp nhất với đối tượng học sinh trường mình. Các kiến thức, kĩ năng cơ bản cần thống nhất đã có trong khung Chương trình, còn cách tiếp cận kiến thức thì từng nhóm tác giả, từng bộ sách có cách thức khác nhau. Chính điều đó tạo nên thế mạnh của từng bộ sách. Cách nào tốt nhất, hiệu quả, thực chất, không áp đặt, ôm đồm, căng thẳng mà vẫn giúp học sinh hình thành năng lực tốt nhất sẽ được xã hội chọn lựa một cách công bằng.

"Bộ chỉ nên nắm về khung chương trình và chuẩn khảo thí, đánh giá kết quả cuối cùng của học sinh thay vì can thiệp và áp đặt quá chi tiết về từng hạng mục, đơn vị kiến thức, đến phân phối chương trình, tiến độ giảng dạy, thậm chí đến từng tuần thông qua sách giáo khoa và phân phối chương trình cố định. Tất cả những việc làm ôm đồm theo kiểu tư duy của nên kinh tế chỉ huy, áp đặt này sẽ làm chậm lại việc cập nhật nội dung và phương pháp giáo dục cũng như vô tình trở thành rào cản ngăn chặn tính chủ động trong tư duy và triển khai của các nguồn lực cho giáo dục trong toàn xã hội.

Kể cả việc nhập khẩu và Việt Nam hóa một số bộ sách tốt, hiện đại trên thế giới cũng rất nên làm như một lựa chọn, đặc biệt với các môn khoa học tự nhiên", Ths. Minh chia sẻ.

Ngọc Quang