Siết chặt khâu thẩm định việc mở ngành đào tạo của các trường

18/12/2012 06:49
Theo Dan tri
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản hướng dẫn các sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học về việc xác nhận điều kiện mở ngành/chuyên ngành trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Theo văn bản thì khá nhiều nội dung được Bộ GD-ĐT yêu cầu thẩm định một cách kỹ lưỡng.

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, căn cứ vào Quyết định thành lập cơ sở giáo dục đại học của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT xác định trụ sở của cơ sở giáo dục đại học để tiếp nhận hồ sơ đề nghị kiểm tra và xác nhận năng lực của cơ sở giáo dục đại học. Sở GD-ĐT không tiếp nhận hồ sơ của cơ sở giáo dục đại học không có trụ sở tại địa phương.

Việc mở mới ngành đào tạo ở các trường đã được quy định chặt chẽ hơn (Ảnh minh họa, nguồn internet).
Việc mở mới ngành đào tạo ở các trường đã được quy định chặt chẽ hơn (Ảnh minh họa, nguồn internet).

Để xác nhận đội ngũ giảng viên cơ hữu thì cần đối chiếu danh sách giảng viên, kỹ thuật viên, nhân viên hướng dẫn thí nghiệm cơ hữu trong danh sách đã khai trong hồ sơ của cơ sở giáo dục đại học với Hợp đồng tuyển dụng (bản gốc), Bảng lương trong 6 tháng liên tục (tính đến thời điểm xem xét hồ sơ) của cơ sở giáo dục đại học, danh sách đóng bảo hiểm xã hội (có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương), văn bằng chứng chỉ của giảng viên (có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền) để xác nhận đội ngũ giảng viên, kỹ thuật viên, nhân viên hướng dẫn thí nghiệm cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học.

Đối với những trường hợp mới tuyển dụng, phải có Hợp đồng lao động dài hạn và sổ bảo hiểm xã hội do cơ sở giáo dục đại học đóng; Đối với những trường hợp đã hết tuổi lao động thì Hợp đồng lao động phải ghi rõ làm việc toàn thời gian cho một cơ sở giáo dục đại học duy nhất.

Để xác nhận cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo (gồm phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, cơ sở sản xuất thử nghiệm, thư viện, các công trình xây phục vụ hoạt động giải trí, thể thao, văn hóa, các công trình y tế, dịch vụ để phục vụ cán bộ, giảng viên, sinh viên) thì đối chiếu danh mục phòng học kê khai trong hồ sơ của cơ sở giáo dục đại học với giấy tờ xây dựng chứng minh số phòng học, các công trình xây dựng và kiểm tra thực tế số phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành và các công trình khác phục vụ giảng dạy, học tập để xác nhận.

Cơ sở giáo dục đại học thuê địa điểm, phòng học và các công trình khác phục vụ giảng dạy và học tập phải ghi rõ các nội dung: tên cơ quan, tổ chức, cá nhân, thời hạn cho thuê.

Đối chiếu Danh mục phòng thí nghiệm, máy, thiết bị kê khai trong hồ sơ của cơ sở giáo dục đại học với sổ tài sản của cơ sở giáo dục đại học (sổ gốc) và kiểm tra thực tế để xác nhận phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, máy, thiết bị.

Trong trường hợp thiết bị mới mua và chưa kịp đưa vào sổ tài sản của cơ sở đào tạo thì phải đối chiếu với hóa đơn, chứng từ (bản gốc) của nơi bán và nơi mua để làm căn cứ xác nhận. Đối với các máy, thiết bị được tặng từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp nhận và nhập khẩu.

Đối chiểu danh mục thư viện, phòng đọc, sách, tạp chí kê khai trong hồ sơ của cơ sở giáo dục đại học với sổ tài sản, hóa đơn chứng từ và kiểm tra thực tế để xác nhận về thư viện của cơ sở giáo dục đại học.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu không xác nhận các trường hợp cho mượn hoặc mua bán máy, thiết bị, sách, tạp chí không có chứng từ gốc hay tên người mua không đúng với tên của cơ sở giáo dục đại học.

Với việc đưa ra quy trình thẩm định khắt khe này, Bộ GD-ĐT hy vọng sẽ tránh tình trạng các trường gửi hồ sơ xin mở ngành đào tạo vượt quá năng lực.
Theo Dan tri