Sinh viên Việt Nam yếu ngoại ngữ và Computer

27/01/2017 05:00
An Nguyên
(GDVN) - “Cần phải biết sinh viên của chúng ta ra trường đang yếu gì để trị dứt điểm những cái yếu đó mới giải quyết được vấn đề việc làm”.

Đó là qua điểm của nhiều hiệu trưởng trường đại học đưa ra tại hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây nhằm hiến kế giải quyết vấn nạn thất nghiệp.

Sinh viên yếu ngoại ngữ và Computer

Đánh giá về năng lực của sinh viên sau khi ra trường, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, sinh viên của chúng ta không quá kém.

Nhiều người sau khi được đào tạo trở thành những công dân có ích cho xã hội, đáp ứng được nhu cầu cả trong nước và nước ngoài.

Sinh viên Việt Nam được đánh giá là yếu ngoại ngữ và computer. Ảnh: giaoduc.net.vn
Sinh viên Việt Nam được đánh giá là yếu ngoại ngữ và computer. Ảnh: giaoduc.net.vn

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách toàn diện thì ông Nhĩ đánh giá, một trong những cái yếu kém nhất của sinh viên nước ta là ngoại ngữ.

Sinh viên chúng ta đào tạo ra chưa đủ để tiếp cận với nước ngoài, không giao tiếp được với người nước ngoài.

Ngoài ra, vấn đề kỹ năng mềm cũng là một trong những điểm yếu của sinh viên Việt Nam được PGS. Nhĩ nêu ra.

Những thách thức với giáo dục ở cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Những thách thức với giáo dục ở cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Đồng quan điểm, PGS.TS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho hay, sinh viên của chúng ta về chuyên môn thì rất tốt nhưng khả năng tiếng Anh và Computer (công nghệ thông tin) lại rất yếu.

Trong vấn đề này, một số quan điểm cho rằng, các trường cần phải có sự đầu tư đủ tầm cho công tác đào tạo về trình độ ngoại ngữ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ rõ, các trường cần phải hết sức lưu ý đến vấn đề “yêu cầu khả năng ngoại ngữ cho sinh viên tốt nghiệp”.

Theo đó, sinh viên ra trường phải đảm bảo khả năng về ngoại ngữ, giao tiếp tốt với người nước ngoài và thông thạo tiếng Anh chuyên nghành.

Riêng đối với tiêu chí chất lượng cao thì phải đầu tư trọng tâm trọng điểm ở những chương trình nhập khẩu.

Hãy để sinh viên học trực tiếp ở doanh nghiệp

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, sắp tới, các trường Đại học phải thay đổi phương pháp giảng dạy. Phải làm thế nào để các trường mở ra phải gắn với các doanh nghiệp.

“Giáo dục trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải tư duy đúng đắn để không bị lạc hậu, không đào tạo ra những ngành nghề, những người lao động lạc hậu.

Bạn đã chuẩn bị gì cho con em mình trước cách mạng công nghiệp 4.0?

Bạn đã chuẩn bị gì cho con em mình trước cách mạng công nghiệp 4.0?

Đó là cơ sở để thay đổi chất lượng giáo dục và giảm thiểu tình trạng thất nghiệp” ông Nhĩ nói.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thì cho rằng, trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, trường đại học cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới các hình thức đào tạo.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho từng cá nhân học tập theo kế hoạch riêng. Đưa người học vào môi trường của doanh nghiệp, tạo môi trường để người học phát triển năng lực bản thân và phát triển cái “khác biệt” của họ.

Nếu không thay đổi thì kết quả đào tạo cũng sẽ y như cũ. Người học sẽ mất nhiều cơ hội.

Ví dụ, nếu như kỷ nguyên số hỗ trợ được học trực tuyến (hoặc các hệ thống MOOC), thì người học sẽ có thời gian với doanh nghiệp.

“Tố chất của người học là rất sáng tạo. Do đó, cần tạo ra môi trường để họ phát huy sáng kiến và hỗ trợ tạo ra những nhân tố khởi nghiệp, những nhân tố tự tạo ra việc làm cho mình và cho người khác.

Có như vậy mới giảm được tình trạng thất nghiệp của người học” ông Dũng nói thêm.

Ở các bậc đào tạo từ cao đẳng trở lên, sinh viên cần có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp, với môi trường xã hội.

 Thời điểm đó, các em đã lựa chọn con đường nghề nghiệp cho mình. Câu hỏi đặt ra, có quá muộn hay không?

Có nên chăng các em học sinh cũng được tiếp cận với doanh nghiệp, với môi trường làm việc từ sớm.

Để các em nhận thức và có thể có những lựa chọn đúng đắn hơn, hiểu rõ hơn về bản chất ngành nghề, các bậc nghề nghiệp – ông Dũng nêu quan điểm.

Đồng tình, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong quá trình đào tạo các trường đại học nên thay đổi để sinh viên gần gũi hơn với các doanh nghiệp.

Theo đó, có thể đưa sinh viên vào học trực tiếp tại các doanh nghiệp. Việc  này, vừa giúp các em có thời gian thực hành, vừa để các em nắm rõ được nhu cầu của người tuyển dụng là như thế nào?

Để khi quay về trường học, các em có chí hướng rõ ràng để tích lũy kiến thức, kỹ năng.

“Kèm theo đó, bản thân các thầy cô giáo trong quá trình làm công tác hướng dẫn cũng nắm được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để thay đổi phương pháp giảng dạy” một chuyên gia cho hay.

An Nguyên