Sinh viên sư phạm tiểu học, mầm non thực hành như đào tạo bác sĩ

24/06/2018 02:42
Lại Cường (Thực hiện)
(GDVN) - Theo lãnh đạo Khoa Tiểu học và Mầm non của Đại học Hải Phòng, để sinh viên có kỹ năng tốt khi ra trường, các em phải thực tập như đào tạo bác sĩ.

LTS: Chưa có lúc nào việc đổi mới đào tạo sư phạm và xem xét lại chương trình đào tạo giáo viên trong các trường đại học sư phạm lại trở thành một đòi hỏi cấp thiết đến thế trong giai đoạn hiện nay.

Nhằm góp phần xây dựng định hướng và nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên các ngành sư phạm, nhất là đối với sư phạm mầm non hiện nay, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Trần Quốc Tuấn, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học và Mầm Non, Đại học Hải Phòng.

Tòa soạn xin giới thiệu cùng độc giả buổi trò chuyện này.

Phóng viên: Xin Tiến sĩ cho biết hiện Khoa Tiểu học và Mầm non của Đại học Hải Phòng đã có những thay đổi như thế nào trong chương trình đào tạo giáo viên cho phù hợp với tình hình mới?

Tiến sĩ Trần Quốc TuấnKhoa chúng tôi đã chỉ đạo việc xây dựng lại các chương trình đào tạo đối với cả 2 ngành Tiểu học và Mầm non theo hướng tăng cường thêm thời lượng kiến tập, thực hành thường xuyên trong chương trình đào tạo. Trong quá trình học sinh viên được xuống thực hành tại các trường phổ thông và mầm non như sinh viên ngành y dược xuống thực hành tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, Khoa cũng chỉ đạo việc biên soạn giáo trình với nội dung phù hợp theo hướng giảm bớt tính hàn lâm, tăng cường nội dung thực hành, thực tế cho một số môn học thuộc khối kiến thức chuyên ngành;

Các chương trình đào tạo liên thông được thiết kế có tính kế thừa các chương trình trước đó và tăng cường kiến thức chuyên ngành với định hướng thực hành, ứng dụng là chủ yếu.

Hiện Khoa đã xây dựng 6 chương trình đào tạo, trong đó 3 chương trình giành cho ngành Giáo dục Tiểu học và 3 chương trình giành cho ngành Giáo dục Mầm non  đã được Trường Đại học Hải Phòng phê duyệt, ban hành có hiệu lực vào tháng 5/2018.

Phóng viên: Khoa Tiểu học và Giáo dục Mần non đã có kế hoạch như thế nào để tìm đầu ra cho sinh viên?

Tiến sĩ Trần Quốc Tuấn: Khoa chúng tôi trong thời gian qua đã thiết lập được một số mối quan hệ khá tốt với một số trường mầm non và tiểu học trong thành phố.

Chúng tôi đã kết hợp và tổ chức được các cuộc hội thảo nghề nghiệp để gắn kết mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo với các trường.

Thông qua đây, các trường cũng có cơ hội để trao đổi với cán bộ, giáo viên, sinh viên trong Khoa về những vấn đề thực tiễn nghề nghiệp giúp giáo viên, sinh viên có thêm sự hiểu biết và sự cập nhật thông tin về những vấn đề mới trong dạy học ở phổ thông.

Khoa cũng xác định,  đây cũng là cơ hội để các trường tuyển giáo viên từ nguồn sinh viên tốt nghiệp của Khoa và sinh viên của Khoa cũng có nhiều cơ hội hơn trong tìm kiếm việc làm ngay sau khi ra trường. Chúng tôi sẵn sàng giới thiệu sản phẩm mình đào tạo ngay khi các em còn trên ghế nhà trường ở những năm cuối.

Hiện sinh viên của khoa đang có mặt ở hầu hết các cơ sở giáo dục có uy tín trên địa bàn thành phố Hải Phòng như Trường Mầm non Quốc tế Sakura Montessori (SMIS); Trường Mầm non tư thục Motessori; Trường Phổ thông nhiều cấp Hai Bà Trưng...cùng nhiều địa phương khác.

Hệ thống trường thực hành của Đại học Hải Phòng đã và đang phát huy hiệu quả trong đào tạo sư phạm. (Ảnh lễ khai giảng của trường Tiểu học thực hành)
Hệ thống trường thực hành của Đại học Hải Phòng đã và đang phát huy hiệu quả trong đào tạo sư phạm. (Ảnh lễ khai giảng của trường Tiểu học thực hành)

Phóng viên: Tiến sĩ có thể cho biết quan điểm của lãnh đạo khoa trong việc việc kéo dài thời gian thực tập cho sinh viên sư phạm? Lãnh đạo khoa đã làm gì để nâng cao chất lượng việc thực tập cho sinh viên?

Tiến sĩ Trần Quốc Tuấn:  Quan điểm của chúng tôi là việc kéo dài thời gian thực tập cho sinh viên sư phạm của trường là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đào tạo giáo viên hiện nay.

Thông qua việc tăng cường thời gian thực tập, thực hành thường xuyên thì sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để tiếp xúc với thực tế nghề nghiệp, tích lũy vốn kiến thức nghiệp vụ nghề cho bản thân, không bỡ ngỡ và có đủ năng lực, khả năng làm việc tốt ngay sau khi ra trường.

Sinh viên sư phạm tiểu học, mầm non thực hành như đào tạo bác sĩ ảnh 2Dịch chuyển của Khoa Khoa học tự nhiên, Đại học Hải Phòng trong đào tạo sư phạm

Trong thời gian qua, ngoài chỉ đạo về tăng cường nội dung kiến thức thực hành trong các môn dạy, Khoa chúng tôi cũng đã kết nối tạo mối quan hệ tốt với các Phòng Mầm non, Phòng Tiểu học của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng.

Chúng tôi cũng đang xây dựng, lắp đặt một phòng trực tuyến để phục vụ việc trao đổi trực tiếp nghiệp vụ, hội thảo chuyên môn cấp học do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kết nối với các trường mầm non và tiểu học trong thuộc các quận huyện trong thành phố để giáo viên và sinh viên có thêm cơ hội tiếp xúc nghề nghiệp và cập nhật các vấn đề mới liên quan tới chuyên ngành đào tạo.

Phóng viên: Hiện có một số quan điểm cho rằng chúng ta cần nên tính toán tăng suất đầu tư trên từng sinh viên sư phạm. Lãnh đạo khoa có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?

Tiến sĩ Trần Quốc Tuấn: Chúng tôi cho rằng việc tăng suất đầu tư trên từng sinh viên sư phạm hiện nay là hợp lí.

Chúng ta không nên đào tạo tràn lan số lượng nhiều (điều này ảnh hưởng tới chất lượng đầu vào kém) với đầu tư ít, dẫn đến hiệu quả, chất lượng đào tạo không cao mà nên thu hẹp số lượng (chọn lựa chất lượng đầu vào), tăng đầu tư trên đầu sinh viên thì hiệu quả và chất lượng đào tạo đương nhiên sẽ tốt hơn.

Trân trọng cám ơn Tiến sĩ

Lại Cường (Thực hiện)