Sờ đầu rùa: Hành vi tự sướng hay... báng bổ?

22/07/2012 06:02
Độc giả Khôi Nguyên
(GDVN) - Hành động của nam sinh đè đầu cưỡi cổ lên cụ rùa có phải là hậu quả của một nền giáo dục chạy theo thành tích mà không chú trọng về vấn đề đạo đức?
LTS: Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Sốc: Nam sinh đạp, ngồi lên đầu “cụ rùa” ở Văn Miếu”, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi bức xúc của độc giả. Để rộng đường cho dư luận, chúng tôi xin đăng tải toàn bộ lá thư của độc giả Khôi Nguyên chia sẻ về vấn đề này.

Người bạn của tôi ở nước ngoài kể rằng, bạn đi trên đường phố Việt Nam mà thấy... khiếp đảm. Ở nước bạn, còn có cả những biển báo giao thông giành cho động vật. Tình trạng ô tô xếp hàng chờ cho một chú rùa qua đường là điều bình thường.

Lại nhắc đến bài thơ Mùa lá rụng của Olga Berggoltz, trên những đại lộ nước Nga vào mùa thu đều treo lời đề dẫn: Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng: “Những đàn sếu bay qua/ Sương mù và khói tỏa/ Mát-xcơ-va, lại đã Thu rồi/ Bao khu vườn như lửa chói ngời/ Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ/ Những tấm biển treo dọc theo đại lộ/ Nhắc ai đi ngang, dù đầy đủ lứa đôi/ Nhắc cả những ai cô độc trong đời/ Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”. Người Nga rất chân thành và mến khách, yêu thiên nhiên cây cỏ như yêu chính con người họ vậy. Nơi đây, những chiếc lá vàng óng kia, đang được bảo vệ cẩn trọng như những báu vật.
Sẽ thật buồn nếu bạn quay lại nhìn đất nước Việt Nam, ngay cả đến những di tích, giá trị lịch sử cũng không được coi trọng. Không cần đi đâu xa cả, hãy cứ đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày thí sinh lên "lai kinh ứng thí" sẽ thấy rõ ràng điều đó. Trong kỳ thi Cao đẳng vừa qua, có một sĩ tử vào Văn Miếu cầu may, nhưng vì quá khích nên đã trèo lên cả đầu cụ rùa để "tự sướng" mà không nghĩ đến hậu quả của hành động, đó là sự "báng bổ". Để rồi khắp các diễn đàn, người ta một lần nữa phải bàn tới "thói vô văn hóa của nhiều người trẻ".
Cư dân mạng "điên cuồng" đòi xử lý nam sinh giẫm cả hai chân lên đầu rùa ở Văn Miếu.
Cư dân mạng "điên cuồng" đòi xử lý nam sinh giẫm cả hai chân lên đầu rùa ở Văn Miếu.
                                                        HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC
Từ nhiều năm nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là biểu tượng cho sự ham học của người dân Việt Nam đã trở thành nơi cầu đỗ đạt của học sinh, sinh viên cả nước trước mỗi kỳ thi. Chẳng biết từ khi nào, nơi đây, học sinh, sinh viên có lệ đến đây... sờ đầu rùa, vặn cổ rùa mong được đỗ đạt trong thi cử.

Rùa là một trong tứ linh của Việt Nam cùng với long (rồng), lân, phụng (phượng hoàng) và đặc biệt nó còn là con vật tượng trưng cho sức sống trường thọ. Vì thế đặt bia đá trên lưng rùa còn có ý nghĩa mong cho tên tuổi các vị tiến sĩ được khắc trên đó sẽ mãi mãi vang danh như biểu trưng của loài vật này.

Trong dịp này, Ban quản lý di tích đã bổ sung hàng rào chắn buộc lụa đỏ tại khu vực bia tiến sĩ, khu vực gác chuông, trống, nhằm hạn chế học sinh sờ đầu rùa và các di vật trên. Đội sinh viên tình nguyện đến từ các trường khác nhau đứng bảo vệ khu vực cấm, nhắc nhở học sinh nếu vi phạm.

Thế nhưng, tất cả những điều đó không giảm bớt được tình trạng luồn lách, cố tình sờ đầu rùa của các sĩ tử. Mặc dù đã có chăng dây đỏ và biển cấm, thế nhưng học sinh vẫn hồn nhiên trèo qua dây đỏ để vào tận trong sờ đầu rùa. Thậm chí có bạn còn đứng lên cả thân rùa, đè đầu cưỡi cổ cụ rùa. Có những ý kiến cho rằng, cơ quan công an nên vào cuộc để điều tra, tìm ra thủ phạm có hành vi vô văn hóa như trên.

Thử hỏi, đây có phải là thành quả của một nền giáo dục chạy theo thành tích mà không chú trọng về vấn đề đạo đức? Trong khi đó, các em đều là những người có ăn, có học, ít nhất đã qua kỳ thi tốt nghiệp THPT mà không thấy được những lễ nghĩa thông thường này thì thật đáng trách.
Khi các em còn trẻ, chưa nhận thức đúng đắn hành động của mình thì mong rằng, người lớn, các bậc phụ huynh sẽ có những chỉ dẫn chu đáo cho các em về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa văn hóa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chứ không đơn thuần chỉ là phương án ngăn chặn, cấm các em... sờ đầu rùa trong những ngày thi cử cận kề.

Chuyện ứng xử văn hóa hàng ngày không chỉ dừng lại ở một hành vi sờ đầu rùa mà còn nhan nhản quanh cuộc sống, đó là cảnh chen lấn trước quầy vé tàu, xe, xếp hàng thanh toán trong siêu thị... Những chuyện tưởng chừng như rất nhỏ ấy lại thể hiện một tầm nhận thức thiển cận, một chuẩn văn hóa thấp kém khiến bạn bè các nước có cái nhìn không tốt về Việt Nam.

Nguồn gốc của văn minh và văn hóa của một cá nhân hay một dân tộc bắt đầu từ những hành động nhỏ nhặt và đơn giản. Friedrich Nietzsche đã từng nói: “Con rắn không thay được da phải chết. Những đầu óc không chịu cởi mở thay đổi sẽ ngừng hoạt động”. Mong rằng, thế hệ trẻ, những con người của tương lai hãy biết nhìn nhận.

Độc giả Khôi Nguyên