Sợ tiêu cực, UBND tỉnh Vĩnh Phúc hủy Hội đồng thi viên chức cấp huyện?

06/01/2015 15:19
Phương Thảo-Khánh Huyền
(GDVN) - Trước kỳ thi viên chức giáo dục 3 ngày, lo ngại nhiều tiêu cực xảy ra ở Hội đồng thi cấp huyện, thị xã, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định tự đứng ra tổ chức.

Hội đồng thi được thay đổi để tránh tiêu cực

Ngày 19/6/2014, Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc ra văn bản số 836 hướng dẫn tuyển dụng giáo viên tiểu học và hợp đồng giáo viên mầm non năm 2014 thông qua thi tuyển. Sau đó, UBND các huyện đã có kế hoạch tuyển dụng giáo viên năm 2014.

Tuy nhiên vào phút chót (trước kỳ thi 2 ngày) thì UBND tỉnh quyết định việc tổ chức thi viên chức ngành GD&ĐT năm 2014 tổ chức tập trung thi tập trung ở cấp tỉnh, đồng thời ban hành Quyết định số 2319 ngày 26/8/2014 về việc thành lập Hội đồng thi tuyển viên chức ngành GD&ĐT năm 2014 của tỉnh. 

Sau khi tổ chức thi, vào ngày 24/10/2014, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra văn bản 6376 để thay đổi nguyên tắc trong việc xác định người trúng tuyển.

Van bản thông báo về Kỳ thi của tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định làm đúng quy trình.
Van bản thông báo về Kỳ thi của tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định làm đúng quy trình.

Trước đó, ở văn bản số 836 có quy định “Người trúng tuyển trong kì thi tuyển giáo viên năm 2014 phải tham dự đủ các bài thi, mỗi bài thi phải đạt từ 50 điểm trở lên và được xác định theo nguyên tắc: Người trúng tuyển có kết quả thi cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm của mỗi huyện, thành, thị”.

Tuy nhiên, văn bản số 6376 lại thay đổi thành: “Nguyên tắc xác định người trúng tuyển theo các quy định đã thông báo cụ thể: Người dự thi phải tham dự đủ các bài thi theo quy định, mỗi bài thi phải đạt từ 50 điểm trở lên, cộng tổng lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu tuyển dụng chung của cả tỉnh”.

Như vậy, từ nguyên tắc trúng tuyển cấp huyện giờ đã được đổi thành cấp tỉnh. Việc thay đổi này cũng đã khiến nhiều thí sinh bất ngờ và tỏ ra lo lắng với kết quả của mình. 

Thực tế, một số thí sinh nếu xét điểm và chỉ tiêu cấp huyện thì đỗ vào viên chức ngành giáo dục, nhưng xét theo cấp tỉnh sẽ không đạt.

Trong thông báo số 170 truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thị Tuyến về việc tuyển dụng viên chức ngành GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014 có nêu: Việc tổ chức tuyển viên chức ngành GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014 đã thực hiện đảm bảo đúng các trình tự quy định của Trung ương.

Về lí do chuyển Hội đồng thi từ cấp huyện, thị lên Hội đồng thi cấp tỉnh là do có nhiều dấu hiệu gian lận tại Hội đồng thi cấp dưới. Để đảm bảo khách quan, công bằng thì 8 huyện có chỉ tiêu tham gia thì kỳ thi viên chức đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị tổ chức ở tỉnh.

Toàn bộ quá trình coi thi đã được giám sát bằng camera, đã huy động 500 người làm thi. 

Ngăn tiêu cực ngay từ đầu

Ngày 21/10/2014 Chủ tịch UBND tỉnh đã nghe Hội đồng báo cáo về các nội dung liên quan đến việc tổ chức tuyển dụng, đã thống nhất cách xác định người trúng tuyển nêu tại văn bản số 6376 là “Lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu tuyển dụng chung của tỉnh, theo từng ngành tuyển dụng và yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị hủy bỏ các văn bản liên quan đến tuyển dụng giáo viên năm 2014 đã ban hành”.

Tuy nhiên, vẫn còn có một số thí sinh băn khoăn về kỳ thi. Trước những băn khoăn này, trao đổi với Bao điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Quang Tuệ - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc chuyển Hội đồng thi lên tỉnh để đảm bảo an toàn, khách quan và công bằng nhất cho thí sinh.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động 500 người tham gia làm thi, đề thi được tỉnh ra và tỉnh tự chấm. Hội đồng của tỉnh cũng đã quyết định tuyển theo điểm sàn của tỉnh chứ không theo của huyện, thị, nhưng vẫn lấy theo chỉ tiêu của từng huyện và lấy từ cao xuống thấp (nếu chỉ tiêu của huyện bị thừa sẽ được phân sang cho các huyện thiếu).

Thông tin từ ông Tuệ cho hay, kỳ thi viên chức lần này để đảm bảo công bằng tỉnh đã mời 4 trường Đại học ở Hà Nội lên chấm 8 ngày 8 đêm liên tục. Được biết, năm 2014 chỉ tiêu viên chức ngành giáo dục là 320, trong khi số lượng dự thi la 3.800 thí sinh.

“Mặc dù đã phân cấp cho huyện, thị xã tổ chức thi tuyển nhưng khi họ không làm được, có dấu hiệu tiêu cực thì tỉnh phải đứng ra tổ chức để đảm bảo công bằng. Tỉnh Vĩnh Phúc năm nay số chỉ tiêu thì ít trong khi nhu cầu thì nhiều, do đó tính cạnh tranh rất lớn. Nhưng việc chúng tôi làm cuối cùng cũng chỉ vì cái chung cho toàn tỉnh” ông Tuệ cho hay.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Phương Thảo-Khánh Huyền