Sớm thay đổi cách giáo dục giới tính trong nhà trường

31/08/2012 12:36
Dư luận đang hết sức lo ngại trước hàng loạt các vụ xâm hại tình dục trẻ em, học sinh trong điều kiện các em gần như không biết cách tự vệ và đề phòng. Do đó, giáo dục giới tính (GDGT) trong nhà trường một lần nữa được nhắc đến. Những bài học và cách dạy về vấn đề này đã đến lúc phải xem lại.
Phương pháp dạy cũ kỹ

Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, những vụ trẻ vị thành niên (VTN) bị xâm hại, trẻ quan hệ tình dục sớm và có bầu, thậm chí trở thành các “bà mẹ bất đắc dĩ” khi còn ngồi trên ghế nhà trường xảy ra tràn lan. Hiện tượng ấy không chỉ phản ánh mặt trái của xã hội, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng trong công tác GDGT. Những lỗ hổng này tưởng chừng rất đơn giản nhưng nếu không có sự chung tay của nhà trường và gia đình thì những hậu quả tiềm tàng là rất lớn.
Một buổi tư vấn về giới tính do nhân viên y tế đảm trách
Một buổi tư vấn về giới tính do nhân viên y tế đảm trách
Báo cáo nghiên cứu mới nhất của nhóm bác sĩ Trường ĐH Y dược TPHCM tại 3 cơ sở y tế phụ sản công lập (Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản) trên địa bàn TPHCM cho thấy điều này. Trong tổng số 90.649 phụ nữ đến sinh thì có 1.477 trẻ VTN, chiếm 2,69%; tổng số phụ nữ phá thai: 60.352 người thì có 3.471 trẻ VTN, chiếm tỷ lệ 5,81%. Tỷ lệ nữ VTN chiếm 4% trong số các trường hợp có thai đến khám tại 3 cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố, trong đó tại Bệnh viện Từ Dũ là 4,69%, tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản là 4,62%,...

Chính vì thế, vấn đề GDGT hiện nay trở nên rất cấp thiết, cần được phổ biến và đưa vào giáo dục trong các nhà trường. Cô Nguyễn Hồng Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Thuận Kiều chia sẻ: Thực tế, GDGT trong nhà trường hiện nay chỉ ở dạng lướt qua chương trình, chưa thật sự phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý sớm của trẻ em thế hệ ngày nay. Lớp 8 các em mới được giới thiệu một ít về cơ thể người, về sự hình thành em bé, lên cấp III những vấn đề này lại được lồng ghép, tích hợp trong các môn học như: Ngữ văn, Giáo dục công dân, Sinh học với thời lượng quá ít. Điều này gây nên những hạn chế nhất định trong việc tiếp thu kiến thức sinh sản và khám phá sự thay đổi khác lạ trong cơ thể của học sinh, khiến các em rất dễ bị lạm dụng và lãnh hậu quả khi “vượt rào”.
Chuyên gia tâm lý Trần Văn Dương, Trung tâm Tư vấn tâm lý ATC cho rằng: Đã đến lúc cần thay đổi GDGT trong nhà trường. Bởi với sự phát triển vượt trội về tâm sinh lý của trẻ như hiện nay, công tác quản lý và các mối quan hệ tương hữu giữa cha mẹ và con cái ít nhiều bị lơi lỏng, suy nghĩ, hành vi của trẻ sẽ chịu tác động không nhỏ. Các em sẽ rất dễ dàng đi theo những chỉ dẫn, bị dụ dỗ hay đơn giản là chỉ muốn khám phá và thể hiện bản thân từ những điều mình học hỏi được thông qua sách báo, internet, các trang GDGT không lành mạnh… Nếu chúng ta không có một định hướng rõ nét, thiếu những bài học về giới tính, sức khỏe sinh sản hay cha mẹ thiếu sự quan tâm, các em sẽ rất dễ đối mặt với những hiểm nguy vì bị xâm hại hay gánh hậu quả không mong muốn do thiếu hiểu biết về tình dục an toàn. 

Dạy các em khả năng tự bảo vệ mình
Chỉ có giáo dục và dạy cho trẻ biết những tác hại, phương thức bị xâm hại, khả năng phòng tránh… mới là giải pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất. Đã có rất nhiều cuộc bàn thảo, mổ xẻ để đưa ra một định hướng, giải pháp để giúp học sinh, trẻ VTN hiểu và ý thức hơn về sức khỏe sinh sản, khả năng phòng vệ và tự bảo vệ mình khi lỡ “vượt rào”. Tuy nhiên, sau nhiều năm đến nay vấn đề trên vẫn luôn được xem là vấn đề nhạy cảm trong nhà trường.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Chinh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM cho biết: Qua nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai ở trẻ VTN rất ít. Nghiên cứu tại TPHCM, chỉ có 36,8% trẻ VTN sử dụng biện pháp tránh thai trong lần đầu quan hệ tình dục. Đa số (52,6%) không biết hoặc mới chỉ có ý định dùng (7,9%). Với các em trong độ tuổi 12 - 15 thì gần như chưa có khái niệm về hiểu biết và phòng vệ cho bản thân. Vì vậy, tỷ lệ trẻ VTN có thai ngoài ý muốn cao là vì các em quá thiếu những kiến thức về sức khỏe sinh sản.

Cô Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản cho rằng: “Việc trang bị kiến thức về sinh sản cho các em dù sao vẫn tốt hơn là để các em tự thân mò mẫm trong “bóng tối”. Hiện nay có hàng trăm, hàng vạn kênh để các em tìm hiểu và tiếp cận thông tin về dậy thì, tình dục trên internet. Nhưng nếu không có một định hướng, sự chỉ bảo các em sẽ rất dễ dàng tiếp nhận những luồng thông tin sai lệch. Việc GDGT trong nhà trường là rất quan trọng.

Tuy nhiên, do chương trình hiện nay quá dày nên việc triển khai GDGT gặp không ít khó khăn, công tác đổi mới, tăng tiết vì thế không phải dễ. Chính vì thế, theo tôi để có một khung chương trình hoàn thiện, mang tầm vĩ mô và có tính bao quát, Bộ GD-ĐT cần phải sớm có sự phối kết hợp với các ban ngành (tâm lý, y học) để xây dựng. Có như thế chúng ta mới có được một khung chương trình GDGT hiệu quả”.

Bác sĩ Nguyễn Duy Tài, ĐH Y Dược kể: “Mới đây, trong một buổi tư vấn sức khỏe sinh sản cho học sinh một trường THCS ở quận 1, cô giáo của các em đã giật mình trước những câu hỏi rất dạn dĩ của các em. Nhiều câu hỏi khó đến độ các cô không sao trả lời được. Và chính các cô cũng thừa nhận giáo án đã lạc hậu.