Sự học của những đứa trẻ "không tên" xóm nước đen

28/10/2011 07:56
Hồ Sỹ Anh
(GDVN) - Cách đó vài km, có những đứa trẻ mà gia đình bỏ ra hàng chục triệu đồng/tháng cho đi học thì những đứa trẻ nơi đây, việc đến trường là một điều xa xỉ.
Chỉ cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chưa đầy 1km, có một nơi mà người ta vẫn gọi bằng đủ thứ tên như xóm nước đen, xóm đẻ chui, xóm rác, xóm bụi hay thông dụng nhất là xóm nhà nổi. Thật khó tin khi biết rằng, có rất ít trẻ em ở đây được đến trường. Nhiều em thậm chí từ khi sinh ra đã chẳng có được cho mình một cái tên đúng nghĩa…

Đi men theo những con ngõ nhỏ tối và ẩm ướt nằm ven bờ đê sông Hồng, chúng tôi tìm đến với làng chài phường Phúc Xá (Q.Ba Đình, Hà Nội). Dù đã từng nghe nói về cái xóm nhỏ này, nhưng cảnh tượng hiện hữu vẫn khiến chúng tôi không khỏi xót xa.
Cuộc mưu sinh nghiệt ngã Cả xóm nhà nổi có khoảng 17 hộ dân với chừng 50 nhân khẩu. Hầu hết họ đến từ các tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên,… Gần 20 năm qua, những cư dân nơi đây kiếm sống chủ yếu bằng nghề chài lưới và khuân vác thuê ở chợ Long Biên. Những người yếu hơn thì đi lượm lặt ve chai, bán vé số, nhặt rác,… Lúc rảnh thì tranh thủ đi đội cát, vác đá thuê cho các chủ tàu. Vất vả nhất là những ngày trời mưa gió. Việc làm ít hơn. Cả xóm chài mấy chục người trông cả vào việc nhặt nhạnh con tôm, con tép người ta vứt bỏ ngoài chợ để bán lấy tiền.
Cuộc sống của những đứa trẻ nơi đây cũng bấp bênh như những căn nhà nổi này
Cuộc sống của những đứa trẻ nơi đây cũng bấp bênh như những
căn nhà nổi này
Mọi sinh hoạt của người dân nơi đây diễn ra trong những căn nhà thuyền chắp vá. Mỗi căn rộng chưa đầy 15m2, được tạo thành từ những thứ quần áo, phông bạt, túi nilon, mảnh bìa… rách rưới nhặt được ngoài đường, ngoài chợ. Mong manh tới mức tưởng như chỉ một cơn gió to cũng có thể cuốn đi tất cả. Khu vực ven sông cũng là nơi xả rác và nước thải sinh hoạt của những hộ dân sống trên bờ. Môi trường vì thế bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ấy vậy mà hàng ngày, cư dân nơi đây vẫn phải sử dụng dòng nước sông này để thổi cơm và đun nước uống. Việc tắm rửa, giặt giũ cũng đều trông cả vào nguồn nước này. Nguy cơ mắc bệnh tiềm ẩn, thường trực đe dọa sức khỏe của những cư dân và trẻ em nghèo nơi đây.   Chèo thuyền, lội sông tới lớp Trong số 16 em ở độ tuổi đến trường, chỉ khoảng hơn một nửa được đi học, nhưng là trong Mái ấm tình thương 19-5. Các em còn lại mải theo bố mẹ kiếm sống. Như cách nói đầy chua xót của những người dân nơi đây: Miệng ăn còn chưa no thì nghĩ gì tới chuyện đi học! Dù học phí cho các cấp phổ thông không phải là quá nhiều, chỉ vài ba chục ngàn mỗi tháng. Thế nhưng cũng phải là những hộ “khá giả” lắm mới có điều kiện cho con em tới trường. Được đi học vì thế với những đứa trẻ nơi đây là một niềm hạnh phúc lớn lao, dù con đường đến trường của chúng không bằng phẳng và tất nhiên cũng chẳng giống với bất cứ đứa trẻ thành thị nào. Mùa nước lớn, để lên bờ chỉ có cách duy nhất là chèo thuyền. Mùa cạn thì bắt buộc phải lội nước mà lên bờ (vì thuyền mắc cạn). Sau đó đi bộ len lỏi qua những đoạn đường ẩm ướt và ngập rác. Khổ nhất là vào mùa mưa. Đến lớp là y rằng đứa nào đứa nấy ướt như chuột lột, quần áo lấm lem bùn đất. Bà Trần Thị Tuyết, người có thâm niên hơn 10 năm sinh sống tại xóm nhà nổi, dù tuổi đã già nhưng ngày ngày vẫn phải đi lượn lặt “đồ thừa của thiên hạ”, bán lấy tiền nuôi đứa cháu ăn học. Thằng bé năm nay đã là học sinh lớp 11. Bà nói: “Nó mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ thì đi làm xa, một năm chỉ về được 2-3 lần. Tôi tuổi già sức yếu, chẳng sống được bao lâu. Chỉ mong thằng bé có được con chữ cho bằng bạn bằng bè. Lớn lên hy vọng thoát khỏi được cái xóm nghèo này…”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết: Tôi chỉ mong cháu được đi học để thoát cảnh nghèo!
Bà Nguyễn Thị Tuyết: Tôi chỉ mong cháu được đi học để thoát cảnh nghèo!
Ước mơ mong tìm thấy Tất thảy những đứa trẻ nơi đây đều được bố mẹ chúng gọi tên nhưng sự thực là chẳng đứa nào có lấy cho mình một cái tên đúng nghĩa. Có nhiều lý do, nhưng chung quy lại cũng chỉ bởi cái nghèo khiến nhu cầu tưởng chừng như thiết yếu đó cũng trở nên xa xỉ. “Nhà nghèo, không có tiền trả viện phí nên mỗi lần sinh con xong, chúng tôi đều lợi dụng lúc bảo vệ không để ý để bế con lủi trốn khỏi bệnh viện khi nó vẫn còn đỏ áu. Năm đứa nhà tôi thì chỉ có đứa út, vay mượn mãi được một triệu để làm giấy khai sinh”, chị Hạnh - một cư dân xóm nhà nổi ngậm ngùi chia sẻ. Không có giấy khai sinh, những đứa trẻ nơi đây chẳng thể đến trường. Việc xin đi làm cũng gặp nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Oanh, mẹ của bốn đứa con buồn bã nói: “Thằng con trai lớn nhà tôi xin đi làm công nhân mà cũng không được. Người ta nói không nhận vì nó chẳng có bất cứ giấy tờ tùy thân nào”. Những đứa trẻ nơi đây khá rụt rè khi tiếp xúc với người lạ. Chúng cứ thơ thẩn chơi với nhau bên những vùng nước bẩn, đùa nghịch với những thứ đồ nhặt nhạnh được trên bờ... Con gái lớn của chị Hạnh được bố mẹ đặt tên là Vũ Tuyết Nhi. Khi chúng tôi hỏi: “Cháu tên gì?”. Con bé hồn nhiên trả lời: “Người ta bảo, trẻ con ở xóm nhà nổi là những đứa lạc loài, không có tên. Bố mẹ thì gọi cháu là Tuyết Nhi”. “Cháu muốn được đi học như những bạn khác. Chúng nó nói đi học vui lắm. Cháu cũng muốn có tên nữa, để mẹ không còn phải khóc…”. Chúng tôi nghe mà thấy lòng quặn thắt, khóe mắt cay cay… Phía sau cái ngút ngàn của cây lá là bao nỗi niềm trăn trở. Những đứa trẻ nơi đây sinh ra và lớn lên trong sự thiếu thốn đủ đường. Cái tất bật của cuộc sống đang cuốn đi bao ước mơ con trẻ. Được lên bờ, tới trường học hay đơn giản chỉ là có được một cái tên đúng nghĩa dường như chỉ là “ước mơ mong tìm thấy” của những đứa trẻ nơi đây.
Hồ Sỹ Anh