TS Hoàng Kim Ngọc: "Một số truyện tranh khiến tâm hồn trẻ méo mó"

23/10/2012 06:15
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Ngôn ngữ truyện cổ tích phải càng cổ càng tốt. Còn ngôn ngữ @ chỉ có thể có trong “truyện chế”. Ngôn ngữ @ này thường thiếu thẩm mỹ và văn hóa làm ảnh hưởng đến tư duy nói, viết của trẻ nhỏ. Sự ngắn gọn, cộc lốc của lời thoại trong truyện tranh chế khiến cho trẻ em khó có thể viết được những câu văn mượt mà, trau chuốt. Điều đó lý giải tại sao hiện nay lại có những bài văn khủng khiếp đến thế.
Trong loạt bài về truyện tranh cổ tích dành cho thiếu nhi, PV Báo Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi cùng TS Hoàng Kim Ngọc - Phó trưởng Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

- Thưa TS Hoàng Kim Ngọc, trước tình trạng sách cho thiếu nhi xuất hiện ồ ạt, trong đó đặc biệt kể đến loại sách truyện tranh giành cho thiếu nhi. Bà nhận định như thế nào về loại sách này?

TS Hoàng Kim Ngọc: Các nhà xuất bản phải mày mò tìm hướng kinh doanh hiệu quả trong thời buổi kinh tế thị trường là một tất yếu. Việc xuất bản thể loại truyện tranh nói chung và truyện tranh cổ tích nói riêng đã phần nào đáp ứng đúng thị hiếu của trẻ. Điều đó đồng nghĩa với việc cho ra thị trường những tác phẩm Best - seller và đem lại lợi nhuận cao. Tôi biết sự “sáng tạo” của các họa sĩ trẻ trong loại truyện này là nỗ lực rút dần khoảng cách giữa truyện tranh Việt và truyện tranh ngoại, chủ trương làm mới truyện cổ tích với phong cách sáng tác hiện đại, tạo ra những bức tranh có màu sắc bắt mắt với nét vẽ sinh động, hài hước và ngôn ngữ gần với hơi thở của đời sống đương đại để hy vọng đến gần hơn với độc giả. Tuy nhiên, giữa mong muốn và làm được lại không phải chuyện đơn giản dễ dàng mà thực tế còn là một khoảng cách rất xa. 

Cũng cần phải nói thêm rằng, tôi cũng đã đọc một số truyện tranh và nhận thấy đây đó có những trang truyện họa sĩ đã thành công nhưng cũng còn nhiều trang thất bại. Những tác phẩm này có “sạn” khi ngôn ngữ và hình ảnh chưa đáp ứng tính thẩm mỹ và tính giáo dục.

TS Hoàng Kim Ngọc cho rằng: Mục đích của tác phẩm chân chính là phải hướng tới sự nhân văn.
TS Hoàng Kim Ngọc cho rằng: Mục đích của tác phẩm chân chính là phải hướng tới sự nhân văn.

Nhìn chung, theo tôi, truyện tranh cổ tích cho thiếu nhi nếu có yếu tố bạo lực, sex, phản cảm… sẽ làm biến dạng nghiêm trọng truyện cổ tích. Đây không phải là sự sáng tạo mà là chạy theo thị hiếu thấp kém của thị trường. Truyện cho trẻ em luôn cần nhấn mạnh yếu tố nhân văn để bồi dưỡng và xây dựng nhân cách cho các em - những người chủ xã hội sau này. Những ngôn từ xấu xí và những hành động bạo lực trong truyện tranh mà chúng bị thâm nhập từ thời thơ ấu chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lâu dài lên ngôn từ và lối ứng xử của đứa trẻ - người lớn sau này. 
- Theo bà khi chuyển thể truyện cổ tích sang truyện tranh thì cần phải đáp ứng được gì để giữ lại cốt lõi, tinh thần của truyện cổ tích?

TS Hoàng Kim Ngọc: Vẫn biết cái khó của truyện cổ tích khi được kể bằng tranh thì lời ít mà tranh nhiều nhưng những nhà biên tập cũng cần phải cẩn trọng khi cắt xén dung lượng câu chữ. Câu ngắn nhưng vẫn phải đảm bảo nội dung cơ bản, những chi tiết quan trọng là những điểm nhấn, là “nhãn tự” trong văn bản cũ phải được giữ lại. Tuyệt đối không được thêm thắt chi tiết, nhấn mạnh những pha bạo lực, những hình ảnh sex, phản cảm… Mục đích của bất cứ tác phẩm chân chính nào cũng là phải hướng tới những giá trị nhân văn. Tóm lại, muốn chuyển thể truyện cổ tích sang truyện tranh phải đảm bảo các tiêu chí: Trung thành - Nhân văn - Sáng tạo - Đẹp. - Theo TS, có giải pháp nào để hòa hợp được giữa truyện tranh hiện đại và truyện tranh truyền thống?
Nếu cho phép nói thêm thì tôi có thiển ý là NXB có thể ấn hành những sách “Hai trong một” bao gồm cả truyện tranh cổ tích truyền thống và hiện đại. Trong đó phần 1 sẽ là truyện tranh cổ tích truyền thống và phần 2 là truyện tranh cổ tích hiện đại. Ví dụ phần 1 truyện Tấm Cám sẽ in lại phần lời kể chuẩn mực và tranh minh họa “tả chân” kiểu như của họa sĩ Mai Long (truyện tranh Tấm Cám in trước đây). Phần 2 mới là phần lời kể và tranh minh họa theo hướng hiện đại.

Như vậy, người đọc sẽ dễ bề so sánh và biết được đâu là truyện chuẩn mực cổ điển và đâu là “truyện chế”, so sánh ngôn ngữ thời xưa thì thế nào, ngôn ngữ hiện đại thì thế nào, lối vẽ tả chân thì thế nào, lối vẽ cách điệu thì thế nào, thế nào là giọng điệu giễu nhại...Đặc biệt lưu ý phải ghi rõ ngoài bìa là sách dành cho lứa tuổi từ bao nhiêu đến bao nhiêu.

Ngôn ngữ thời @ trong truyện tranh cổ tích này gây tác hại như thế nào đến việc hình thành tính cách cũng như tâm lý của trẻ em?

TS Hoàng Kim Ngọc: Cần phân biệt “truyện cổ tích” và “truyện chế cổ tích”, hai thể loại đó khác nhau, không thể đánh đồng được. Vì thế mà ngôn ngữ của chúng cũng rất khác nhau về bản chất. 

Ngôn ngữ truyện cổ tích phải càng cổ càng tốt. Còn ngôn ngữ @ chỉ có thể có trong “truyện chế”. Ngôn ngữ @ này thường thiếu thẩm mỹ và văn hóa làm ảnh hưởng đến tư duy nói, viết của trẻ nhỏ. Sự ngắn gọn, cộc lốc của lời thoại trong truyện tranh chế khiến cho trẻ em khó có thể viết được những câu văn mượt mà, trau chuốt. Điều đó lý giải tại sao hiện nay lại có những bài văn khủng khiếp đến thế.
TS Hoàng Kim Ngọc lo lắng học sinh của mình sẽ sử dụng ngôn ngữ xấu ảnh hưởng từ truyện tranh. (Ảnh: Đỗ Quyên Quyên)
TS Hoàng Kim Ngọc lo lắng học sinh của mình sẽ sử dụng ngôn ngữ xấu ảnh hưởng từ truyện tranh.
(Ảnh: Đỗ Quyên Quyên)
- Trước ngôn ngữ bị biến dạng của thế hệ trẻ trong đời sống hiện đại, TS có cảm thấy lo lắng?

TS Hoàng Kim Ngọc: Nếu cái đà này thì sẽ làm hỏng sự trong sáng của tiếng Việt. Tôi lo là học sinh của tôi sẽ nói ngôn ngữ đó và ngôn ngữ sạch sẽ ít dần đi.
- Trong quá trình dạy con, TS có thường xuyên cho con tiếp xúc với truyện cổ tích, hướng tâm hồn con đến những bài học nhân văn? Kết quả khi các em được tiếp xúc với những bài học sâu sắc này như thế nào? Được biết, hai cô con gái của cô là Hà Lade và Hoàng Anh đều yêu thích văn chương.
TS Hoàng Kim Ngọc: Là một nhà giáo, tôi luôn có ý thức hướng con cái mình đọc những loại sách bổ ích, giàu tính nhân văn. Khi con học lớp một đến lớp bốn, tôi thường mua cho con các loại truyện cổ tích như: Truyện cổ Anđecxen, Truyện cổ Grim, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi…Khi con học lớp năm, lớp sáu tôi chọn mua những bộ tác phẩm được xếp hạng trong “tủ sách vàng”, “tủ sách nghệ thuật” - tác phẩm về danh họa thế giới của NXB Kim Đồng với màu sắc đẹp cùng những dòng phân tích, đánh giá chuyên môn ngắn gọn dễ hiểu. Có thể là bộ truyện Hạt giống tâm hồn hoặc tác phẩm của các tác giả tên tuổi nổi tiếng như Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa… 

Tôi hay có thói quen mua sách cho mình và cho con cái và luôn có ý thức định hướng cho con mình nên đọc loại truyện nào, tác giả nào, của nhà xuất bản nào...Tất nhiên, muốn thế thì tôi phải cập nhật tin tức, phải kiểm tra sơ qua nội dung thì mới khuyên con mình nên đọc quyển gì. Các con tôi tuy rất thích những loại truyện tôi mua kể trên nhưng chúng vẫn rất mê truyện tranh.

Trước đây, tôi cũng có ác cảm với truyện tranh kiểu như Đô-rê-mon và cho đó là những tác phẩm giải trí nhố nhăng, làm nghèo nàn trí tưởng tượng của trẻ. Có lần tôi trách móc Hoàng Anh: "Sao con cứ mê mẩn những loại truyện tranh ấy như thế". Hoàng Anh trả lời: "Thủ tướng Nhật hồi nhỏ cũng mê truyện tranh lắm đấy mẹ ạ, với lại truyện tranh cũng giàu tính nhân văn lắm chứ mẹ". Vậy là tôi phải đọc và cũng dần thay đổi quan niệm cực đoan của mình, không phải truyện tranh nào cũng có nội dung không tốt.

- TS có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh?

Định hướng chọn sách và mua sách cho con là trách nhiệm của phụ huynh. Chúng ta nên hiểu rằng để con mua sách có nội dung không tốt thì một phần là lỗi của phụ huynh chứ chưa hẳn là chỉ của NXB. Nhiệm vụ của họ là cung cấp ra thị trường các món ăn tinh thần khác nhau, còn ăn món nào là do sự lựa chọn của người mua, ai bảo chọn món không ngon rồi lại chê? Nhưng tất nhiên không phải ai cũng có thời gian tìm hiểu sách và đi mua sách cho con, vì thế các NXB phải có trách nhiệm kiểm duyệt nội dung chặt chẽ, cẩn thận. Người biên tập phải có trình độ ngôn ngữ học và văn học từ Thạc sĩ trở lên, phải thẩm định chất lượng sách trước khi đồng ý cấp phép in. Bên cạnh đó cũng nên tăng thù lao cho người biên tập và các họa sĩ để họ có ý thức trách nhiệm và tâm huyết hơn khi cho ra đời một sản phẩm truyện tranh hấp dẫn và không có “sạn”, bởi “tiền nào của ấy” mà.Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Đỗ Quyên Quyên