TS. Lê Viết Khuyến: Hệ vừa làm, vừa học và chính quy sẽ không còn khoảng cách

20/07/2016 07:31
Xuân Trung
(GDVN) - Đây là chia sẻ của TS. Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT về Dự thảo Quy chế đào tạo đại học theo hình thức vừa làm, vừa học.

Bộ GD&ĐT vừa có Dự thảo Thông tư quy định về Quy chế trình độ đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học để xin ý kiến xã hội. 

Dự thảo Thông tư này ra đời xuất phát từ việc hiện nay tổ chức đào tạo đối với hình thức vừa làm, vừa học còn nhiều hạn chế, các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo với nội dung không đảm bảo như hệ chính quy.

Bên cạnh đó, quy mô đào tạo nhỏ lẻ theo các hình thức liên kết với các trường ở địa phương, cơ sở vật chất kỹ thuật yếu kém, chất lượng đào tạo thấp dẫn đến mất lòng tin của nhà tuyển dụng và xã hội với hình thức đào tạo này.

Dự thảo này đã được được Bộ đưa lên mạng xin ý kiến cách đây một tháng và đã nhận được những phản hồi ủng hộ tích cực từ các cơ sở giáo dục đại học.

TS. Lê Viết Khuyến. Ảnh Xuân Trung
TS. Lê Viết Khuyến. Ảnh Xuân Trung

Với dự thảo này, việc tuyển sinh đầu vào đối với hình thức vừa làm, vừa học được giao về cho các cơ sở giáo dục đại học đúng tinh thần của Luật Giáo dục đại học. Sẽ được tổ chức theo hai phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. 

Theo dự thảo, kết quả đầu ra của hệ đào tạo này được kiểm soát để tiến tới tiếp cận chất lượng đào tạo như hệ chính quy. 

Để thực hiện điều này, dự thảo đã quy định về chương trình đào tạo phải đảm bảo như chương trình đào tạo chính quy nhưng cho phép tổ chức đào tạo mềm dẻo, linh hoạt để phù hợp với đối tượng người học là những nhiều người học khác nhau.

Cụ thể, dự thảo quy định tổ chức đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học sẽ theo học chế tín chỉ, yêu cầu các sinh viên học hoặc thi kết thúc các học phần như hệ chính quy.

TS. Lê Viết Khuyến: Hệ vừa làm, vừa học và chính quy sẽ không còn khoảng cách ảnh 2

Tra cứu toàn bộ điểm thi Quốc gia 2016 trực tiếp trên Báo Giáo dục Việt Nam

(GDVN) - Từ ngày hôm nay (19/7), Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ hỗ trợ thí sinh tự tra cứu điểm thi THPT Quốc gia năm 2016 với nguồn dữ liệu chính xác nhất.

Như vậy, đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học đã có những bước đổi mới quan trọng, nhưng để quy định này trở thành hiện thực Bộ GD&ĐT cần rà soát thêm những quy định mang tính kỹ thuật của đào tạo tín chỉ.

Có như vậy, các trường có thể thực hiện nhất quán không chỉ trong mỗi trường mà còn đối với các lớp đào tạo theo liên kết.

Theo nhận định, với chủ trương thay đổi hình thức đào tạo vừa làm, vừa học cho thấy công tác quản lý hệ thống đại học đã được đổi mới theo hướng tăng cường tự chủ, công khai, khuyến khích tính chủ động, năng động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học.

Đánh giá cao về bản dự thảo này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, muốn có chất lượng đối với hệ vừa làm, vừa học phải có sự mềm dẻo về quy trình.

Theo đó, ngoài sự mềm dẻo thì còn cần chặt chẽ về chất lượng đào tạo. Chất lượng được thể hiện ở kết quả đánh giá, chương trình đào tạo, điều này phải  tương đương với các chương trình chính quy.

“Dự thảo đã bám sát chương trình, nội dung và tiếp cận với đánh giá với hệ chính quy, nhưng cần mềm dẻo về quy trình, có nghĩa rằng thời gian của người học có thể dài ra, chứ không chỉ học tập trung trong một số năm.

Sự mềm dẻo ở đây, tức là người học có thể lấy kết quả học ở chính quy (đối với một số môn) thay cho chương trình học ở hệ vừa làm, vừa học. Cũng có thể được chấp nhận trong quá trình đánh giá thi cử, thể hiện ở việc số lần thi có thể nhiều hơn. Trên tinh thần như vậy thì người học sẽ học tốt” TS. Lê Viết Khuyến cho hay.

Cũng theo TS. Khuyến, để cho hệ này có chất lượng dứt khoát phải chấp nhận cùng chuẩn đánh giá với hệ chính quy. 

“Nếu đúng như dự thảo này làm tốt chuẩn đánh giá thì rõ ràng chuẩn đầu ra giữa hệ chính qua và hệ vừa làm, vừa học sẽ được xã hội tin tưởng, yên tâm. Muốn vậy, tổ chức đào tạo sẽ phải nghiêm túc, không tổ chức lớp học riêng, không bớt thời gian, thầy phải chặt chẽ không khâu cho điểm.

Đích để đi tới là để đảm bảo làm sao cho người học có văn bằng được xã hội đánh giá bình đẳng với hệ chính quy” TS. Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Xuân Trung