TS. Nguyễn Tùng Lâm: “Thi quanh năm không bằng làm tốt một kỳ thi”

18/06/2013 06:52
Xuân Trung
(GDVN) - Nhận định như trên của TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng về ý tưởng tổ chức thi đại học quanh năm của PGS. TS Nguyễn Văn Nhã.
TS. Nguyễn Tùng Lâm thẳng thắn nêu quan điểm khi nghe tới ý tưởng thi đại học quanh năm, ông cho rằng ý tưởng của PGS. TS Nguyễn Văn Nhã là một ý tưởng hay, nhưng làm được không phải dễ. 

Để hiểu rõ hơn bản chất của ý tường này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Tùng Lâm xung quanh ý tưởng thi đại học quanh năm này.

PV: Thưa TS. Nguyễn Tùng Lâm, vừa qua PGS. TS Nguyễn Văn Nhã có đặt vấn đề và đưa ra ý tưởng tổ chức thi đại học quanh năm để tạo cơ hội học tập cho học sinh nhiều hơn, tránh ách tắc tại những đô thị lớn khi mà lượng thí sinh đổ về thi từng đợt rất đông. Nghe tới ý tưởng này ông có suy nghĩ gì?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Với ý tưởng của PGS Nhã, làm được với đúng ý nghĩa để tuyển chọn và phân loại học sinh vào các trường đại học, cao đẳng khác nhau là không dễ, mặc dù đây là ý tưởng hết sức nhân văn, tạo nhiều cơ hội mới cho mỗi học sinh.

Thực tế, ở nước ngoài họ bỏ thi lâu rồi, những phương án như của Trường ĐH Phan Châu Trinh phải được tôn trọng, quan điểm của tôi phải tôn trọng ý tưởng mới có tính khả thi. Chúng ta hướng tới mục tiêu đối với ĐH là chất lượng, quy trình đào tạo phải thay đổi thực sự, hiện Bộ GD&ĐT mới lấy một yếu tố là thi đầu vào để đảm bảo chất lượng và khống chế các trường đại học là một quan niệm hết sức lạc hậu. Tôi không hiểu vì sao Bộ vẫn bám vào điểm số đầu vào đó.

Cách tốt nhất, theo tôi đối với ĐH, phải đảm bảo được những yếu tố về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, chương trình đào tạo. Và quan trọng đó là vai trò của người thầy hiện chưa được đề cập thỏa đáng, vẫn “lấy cơm chấm cơm” – sinh viên ra trường lại làm giảng viên, hoặc các thầy có tuổi cao vẫn phải sử dụng mặc dù các thầy nhiều kinh nghiệm, nhiều tri thức nhưng không thể bắt kịp được thời đại.

Tôi nói phải có một chuẩn mực đào tạo, chuẩn đào tạo cho từng ngành nghề, từ đó quy trình và quá trình đào tạo người thầy cũng phải công phu, hiện đại, tiên tiến và phải chấp nhận tốn kém.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, thi đại học quanh năm sẽ không khả thi vì không ai thực hiện. Ảnh Xuân Trung
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, thi đại học quanh năm sẽ không khả thi vì không ai thực hiện. Ảnh Xuân Trung

Ngoài ra, chất lượng của sinh viên, người học phải được coi trọng, nếu người học không tự giác học, không đủ năng lực mà cứ chạy theo mốt, chạy theo bằng, không phục vụ gì được cho xã hội, cách chọn lọc như vậy là quá lạc hậu, chỉ trông chờ ở mấy điểm thi, trong khi đó điểm thi lại không chất lượng. Muốn có ĐH chất lượng phải có nền GDPT chất lượng, nhất là trẻ mầm non, tiểu học, THCS càng phải được đầu tư nhiều hơn.
Nói như ông, việc tập trung đầu tư cho các cấp học là rất quan trọng, các kì thi tốt nghiệp hay đại học dần dần sẽ bị loại bỏ để rồi tiến tới một phương thức lựa chọn người học theo cách mới?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Đúng là như vậy, Chúng ta phải chuẩn bị ngay từ cấp phổ thông. Ngay từ phổ thông đã phải giáo dục học sinh có ý thức tự lập, sáng tạo, không học thuộc lòng, khuôn sáo nữa. Đừng nghĩ chúng ta có thể cải tiến được cấp đại học mà bỏ lỏng ở phổ thông là sẽ không làm gì nổi. Gần như xu thế các nước tiên tiến hiện nay trên thế giới tập trung cho giáo dục phổ thông. Có nền tảng phổ thông tốt, mới nói đến phát triển đại học, cao đẳng. 
Bây giờ chúng ta đặt ra vấn đề, làm sao tạo ra chất lượng phổ thông và đại học. Điều quan trọng nữa là thi đại học hay phổ thông, làm sao các kỳ thi này thực sự bổ ích, tạo nên chất lượng giáo dục, bởi vì các kỳ thi hiện nay làm hạn chế chất lượng giáo dục. Vì sao? 
Thứ nhất, chúng ta nói là đào tạo toàn diện nhưng quá trình thi đại học chỉ có mấy môn, như vậy toàn diện là không có. Hai là, đề thi chỉ hỏi trong SGK, giáo trình, các đề thi chỉ loanh quanh một số vấn đề hiện có gì sáng tạo? Không khuyến khích con người đi vào mạo hiểm, vào hoài bão, ước mơ, lăn mình vào cuộc sống thì có gì để sáng tạo? Không có hình thức đào tạo sáng tạo sẽ không có con người sáng tạo.
Phải coi trọng kiểm tra và thi, đó là quy luật tất yếu của quá trình học tập. Học là phải có thi, có đánh giá, nhưng phải thật sự nghiêm túc. Quan điểm của tôi, chúng ta có thể bỏ kỳ thi đại học và phổ thông khi mà các kỳ thi học kỳ, thi hết năm học chúng ta là thật nghiêm túc, đánh giá đúng chất lượng người học, bắt buộc người học phải học nghiêm túc.

Như vậy trong kiểm tra và thi hàng ngày, từng năm phải làm chắc chắn, chuẩn mực. Không có chuyện phổ cập tiểu học, THCS để chấp nhận 100% học sinh lên lớp là không được. Hiện nay tình trạng học sinh của ta ở cấp 1 hết sức khuôn sáo, gò bó, làm tê liệt tuổi trẻ, nhất nhất phải theo cô, theo thầy, không để các em được sáng tạo, một số trường, một số giáo viên đang cố gắng thay đổi nhưng không phải phổ biến.
Học sinh không dám thoát khỏi “bàn tay” của người thầy. Để cho kiểm tra, thi từng năm học, từng cấp học nghiêm túc thì 2 điều phải giải quyết: Thứ nhất, đạo đức người thầy phải được đề cao, phải có một quy chế để kiểm tra đánh giá, nếu có giáo viên vi phạm, gian dối trong việc thi cử phải được xử lý nghiêm trọng đồng thời phải ban hành quy chế quyền học sinh được khiếu nại thầy cô, phải có cơ chế, có người đến can thiệp, giải quyết bảo vệ học sinh thì mới thực sự có dân chủ.

Học sinh mới dám nói. Đề thi, kiểm tra phải là đề khuyến khích học sinh sáng tạo giải quyết những vấn đề thực tế đời sống gắn bó với các em chứ không phải là những vấn đề học thuộc lòng hoặc chỉ cần sao chép là được. Làm sao phấn đấu để học sinh được mang tài liệu vào phòng thi.
Chất lượng kiểm tra từng tiết học, học kì, năm học phải làm chặt, thành một nét văn hóa trong trường, ai làm sai phải có hình thức xử lý, lúc đó mới khuyến khích học sinh học, học sinh không sợ ai trù úm. Bởi vì không ai đánh giá con người bằng mấy từ trong hạnh kiểm cả, học sinh như thế sẽ thu mình lại. Làm sao những vấn đề thi, kiểm tra ở phổ thông phải là vấn đề tất yếu của việc học. Thi đại học và tốt nghiệp THPT có cần nữa hay không là chuyện khác? 
Các cấp học phải được tổ chức thi nghiêm và cuối cùng các em cũng phải lựa chọn cho mình một “chân trời”  mới là vào các trường đại học hay các trường nghề. Với điều kiện như hiện nay thì hàng năm chỉ có 1 kỳ thi đại học, nếu các em không đỗ năm nay đành phải chờ năm tới, thậm chí những năm sau mới vào được. PGS Nguyễn Văn Nhã nói rằng, thi đại học quanh năm là việc nên làm để trao cơ hội cho các em?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Như tôi nói ban đầu, trước hết muốn làm gì thì làm, thi phải nghiêm túc, chặt chẽ để buộc người học và người dạy phải dạy và học đến nơi đến chốn. Chứ không phải chỉ có một nút thi tốt nghiệp THPT hoặc đại học hoặc vào lớp 10 mà để cho xã hội, bố mẹ dồn sức vào đó, trong khi chúng ta không thể điều khiển nổi, không thể chống hết được tiêu cực trong các kỳ thi đó; phải làm cho các kỳ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, thi đại học là sự tiếp nối của các kỳ thi nghiêm túc trong các nhà trường không thể làm như hiện nay.
Vậy, thi đại học có thể rải ra như PGS Nhã hay không, tôi trả lời là hiện nay không làm thế được. Vì phải làm rõ chuyện thi, từng môn học, từng năm học chính xác để có chất lượng thật chứ không thể dồn vào một thời kì. Tôi lấy ví dụ, thi đại học ở nhiều nước đã bỏ thi, còn thi tốt nghiệp THPT họ cũng kiểm tra theo đề quốc gia nhưng không tổ chức thi tốt nghiệp cồng kềnh tốn kém như ta. 

Tôi đảm bảo bây giờ chúng ta giao cho các trường THPT để xét học sinh tốt nghiệp THPT sẽ chính xác hơn kì thi tốt nghiệp THPT nhiều, toàn 98 -99% chứ không có 100%, vì những học sinh không học thì không được tốt nghiệp. 
Vậy, theo ông khi nào chúng ta nên bỏ cả hai kì thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Việc chúng ta chỉ bỏ thi đại học, bỏ thi phổ thông khi chất lượng đã đồng đều, và xã hội chấp nhận được kết quả đó. Nếu thi đại học mà thi rải rác ra cả năm thì không đúng, vì sao? Vì đại học làm theo năm, mỗi đợt chỉ có một mức thời gian chuẩn để xét. 
Các nước đã bỏ thi và họ coi trọng từng cấp học, lấy điểm từng cấp học. Nhưng họ không lấy đó làm chuẩn, đó chỉ là một chuẩn, còn muốn vào trường bắt buộc học sinh phải thể hiện tài năng của mình, khả năng có thì bộc lộ, đặc biệt sẽ bắt tham gia cộng đồng, có những hoạt động để chứng minh đã tham gia với cộng đồng, chứ không phải điểm thật cao nhưng khóa cửa học. Như vậy mới gọi là toàn diện. 
Ý tưởng của thầy Nhã khi tổ chức thi đại học quanh năm để trao cơ hội học cho học sinh nhiều hơn là đúng, nhưng kĩ thuật của thầy Nhã là chưa phù hợp. VD: Đi thi vào các trường đại học của Mỹ, ngoài bảng điểm phổ thông, các hoạt động, và phỏng vấn thí sinh phải thi trình độ tiếng Anh, trình độ làm toán, sự hiểu biết khoa học như thế nào, nếu học trường năng khiếu, nghệ thuật thì phải thi thêm bộ môn năng khiếu. Tức là cho phép học sinh thi tới cùng, chứ không phải muốn thi lúc nào cũng được, phải có giới hạn, có thời kì. 
Đề xuất của tôi, tất cả các trường được quyền công nhận học sinh tốt nghiệp THPT, thi phổ thông nhiều môn, làm nghiêm túc để các trường đại học lấy điểm đó để tuyển người học vào trường. Nếu muốn bỏ thi đại học, bỏ thi phổ thông thì việc xét tuyển của các trường đại học phải làm rất nghiêm, đánh giá từ trường phổ thông cũng phải nghiêm và phải có căn cứ để đánh giá. 
Nhưng với điều kiện hiện tại khi chúng ta chưa sẵn sàng để bỏ hai kì thi, theo quan điểm của ông thì nên tập trung cho kì thi nào hơn?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Quan điểm của tôi cho rằng, nếu chưa bỏ được hai kì thi thì ít nhất phải bỏ được một một kì thi. Tôi có khuynh hướng trước mắt nên bỏ kì thi đại học. Làm thật tốt, thật nghiêm túc kì thi phổ thông, theo phương án của tôi các trường phổ thông công nhận học sinh tốt nghiệp và thi tại chỗ một cách không tốn kém, các trường đại học lấy căn cứ để chọn học sinh.

Vì sao phải bắt buộc thi phổ thông? Vì thi phổ thông để buộc người học học toàn diện và cho các trường đại học chọn đúng người trên cơ sở phổ điểm chung, Bộ GD&ĐT không cần can thiệp bằng điểm sàn, Bộ chỉ việc đánh giá các trường đào tạo như thế nào, sinh viên tốt nghiệp như thế nào.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Không phải là ý tưởng mang tính chiến lược
“Ý tưởng đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức thi Đại học quanh năm, theo tôi là không khả thi, khó có thể thực hiện được (thi lấy chứng chỉ Toefl, IELTS … là việc khác). Việc tổ chức thi tuyển sinh nhiều lần trong năm chỉ có thể thực hiện ở các trường Đại học đào tạo theo học chế tín chỉ. 
Bộ GD&ĐT đã có lộ trình công tác tuyển sinh đến năm 2015 và tiếp sau, cho nên phương án 3 chung sẽ được chuyển hóa từng bước. Bộ có khuyến khích các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng cho trường mình. Tôi cho rằng, đây có thể là việc làm thí điểm trong tiến trình cải cách công tác tuyển sinh đại học. Tóm lại, tôi không ủng hộ ý tưởng tuyển sinh quanh năm vì không phải là ý tưởng mang tính chiến lược”.  

PGS.TS. Phạm Bá Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Yersin
Xuân Trung