TS Nguyễn Tùng Lâm nêu sáng kiến chống tham nhũng trong giáo dục

19/12/2012 07:17
Đỗ Quyên (ghi)
(GDVN) - "Nhà nước không đủ kinh phí nên phải tiến hành xã hội hóa công tác giáo dục. Tuy vậy, người dân chỉ biết đóng góp, chưa có quyền quyết định trực tiếp về các khoản cần đóng góp, mức đóng góp của từng khoản và giám sát việc chi tiêu số tiền mình đóng góp cho nhà trường".
“Xã hội hóa trong giáo dục ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” là chủ đề hội thảo do Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam và Hội Khuyến học phối hợp tổ chức ngày18/12, tại Hà Nội. 

Xã hội hóa tạo nên tham nhũng trong giáo dục

Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà quản lý giáo dục khẳng định, xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn, đã thu hút được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó chủ yếu là công tác dạy nghề. Với hình thức xã hội hoá, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã phát triển nhanh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội. 

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội: Xã hội hóa cũng tạo nên tham nhũng trong giáo dục. Bởi mục tiêu của xã hội hóa là nhằm phát huy tiềm năng, trí tuệ, vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Thế nhưng, quá trình huy động sự đóng góp tiền của nhân dân trong thời kỳ kinh tế thị trường đã dẫn đến nhiều hệ lụy, đó là “tham nhũng trong giáo dục”.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục HN (Ảnh: Internet)
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục HN (Ảnh: Internet)

Những tiêu cực ngày càng trở nên phổ biến, gần như người dân nào có con đi học nhất là ở thành phố đều phải “tiếp tay” cho tiêu cực. Tổng số tiền của mọi người để đóng góp là rất lớn nhưng mỗi người lại không phải là nhiều nên không thể “hình sự” hóa vấn đề. Khi mà giáo dục Việt Nam còn ẩn chứa nhiều bất cập chưa giải quyết được thì người dân có con đi học tất yếu phải đóng góp. Sự mất cân đối giữa cung và cầu dẫn đến tham nhũng tiêu cực trong giáo dục. 

Những tiêu cực có nhiều lý do như: dạy thêm, học thêm, tuyển sinh và đào tạo, chuyển trường chuyển lớp, xuất bản sách giáo khoa…

Bàn sâu hơn về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Những văn bản pháp lý của Nhà nước trang bị cho ngành giáo dục để chống tham nhũng, tiêu cực là chưa có hiệu quả. 

Bởi văn bản pháp lý trong giáo dục để chống tiêu cực hiện nay chỉ có: Nghị định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan số 71/1998 NĐ-CP; Bộ GD&ĐT đã cụ thể hóa nghị định trên của Chính phủ bằng quyết định về việc ban hành “Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động nhà trường”. 

Trong các văn bản này mới chỉ quy định trách nhiệm của Nhà trường, những việc mà nhà trường phải công khai; trách nhiệm Hiệu trưởng và những việc mà Hiệu trưởng phải lấy ý kiến tham gia đóng vai trò xây dựng của các cá nhân hoặc tổ chức, đoàn thể trong trường; trách nhiệm của nhà giáo, cán bộ, công chức và những việc họ được biết, tham gia ý kiến, giám sát, kiểm tra; những việc mà người học được biết và tham gia ý kiến; trách nhiệm của các đơn vị, đoàn thể, nhà trường, phụ huynh..
Thế nhưng trong văn bản này chưa có quy định rõ nội dung, hình thức mà nhà giáo, cán bộ, công chức trong nhà trường, người học, phụ huynh và người dân được bàn và quyết định trực tiếp; biểu quyết để cấp trên quyết định hay được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có quyết định. 

Do đó, khi có xung đột quyền lợi thì trong mọi trường hợp nhà giáo, cán bộ, công chức trong nhà trường, người học, cha mẹ học sinh và người dân chỉ được quyền kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền.

Đây là lý do cơ bản giải thích tại sao các văn bản pháp lý của Nhà nước trang bị cho ngành giáo dục để chống tham nhũng, tiêu cực chưa có hiệu quả.

Mô hình "giám sát cộng đồng"

Đây là giải pháp để người dân được làm chủ trong quá trình xã hội hóa giáo dục, phòng chống tham nhũng trong giáo dục hiệu quả.

TS Tùng Lâm cho biết: Nhà nước không đủ kinh phí nên phải tiến hành xã hội hóa công tác giáo dục. Tuy vậy, người dân chỉ biết đóng góp, chưa có quyền quyết định trực tiếp về các khoản cần đóng góp, mức đóng góp của từng khoản và giám sát việc chi tiêu số tiền mình đóng góp cho nhà trường. 

Như vậy, vấn đề chống tiêu cực chống tham nhũng trong giáo dục nếu chỉ có các biện pháp tuyên truyền giác ngộ cho người dân, cho cán bộ ngành giáo dục chỉ trông chờ vào sự thanh tra trừng phat của nhà nước như hiện nay chúng ta đang làm là không đủ. Điều chủ yếu là tất cả các lực lượng làm nên chất lượng giáo dục hôm nay phải có đủ cơ chế và thể chế cho cộng đồng xã hội ở mỗi địa phương được quyền giám sát, làm theo cách làm riêng sao cho phù hợp với luật pháp, chất lượng giáo dục mỗi cộng đồng được đảm bảo phù hợp với mức độ kinh phí mà họ đã đóng góp thêm.

Hội thảo “Xã hội hóa giáo dục- thực trạng và giải pháp” (Ảnh: Đỗ Quyên)
Hội thảo “Xã hội hóa giáo dục- thực trạng và giải pháp” (Ảnh: Đỗ Quyên)

TS Nguyễn Tùng Lâm có sáng kiến: Chúng ta có thể thiết kế nên một bản quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng giám sát của cộng đồng các trường học trong đó có vai trò của cha mẹ học sinh, của giáo viên và các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương như Hội Khuyến học, Hội Cựu Giáo chức, Hội Cựu chiến binh...

Ở Tiểu học cha mẹ học sinh nào không muốn con phải học thêm các bộ môn văn hóa (trừ học sinh cá biệt, yếu kém) nhưng không dạy thêm thì thầy cô giáo không đủ lương sống. Hội đồng giám sát này có thể thống nhất cha mẹ học sinh đóng một khoản tiền để con em họ học những môn năng khiếu, những hoạt động giáo dục ngoài giờ như giá trị sống, kỹ năng sống, học ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa…

Như vậy, tất cả những giáo viên có đủ chuyên môn, năng lực dạy thêm, nếu không quản lý học sinh…tất cả đều có thể điều hòa các mối lợi ích và Hội đồng giám sát có quyền quyết định chi trả theo nghị quyết của hội đồng, chứ không phải quyền của hiệu trưởng.

Hiệu trưởng tham gia để cho các hoạt động giáo dục của nhà trường có chất lượng chứ không trực tiếp chi các khoản của dân đóng góp như vậy chắc chắn không thể có “tham nhũng trong giáo dục”.

TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: “Từ lý thuyết đến thực tiễn cũng là một khoảng cách không nhỏ nhưng nếu quyết tâm giải quyết vấn đề chắc chắn chúng ta sẽ tháo gỡ được những điều khó khăn, khoa học quản lý giáo dục có thêm một nội dung mới để nghiên cứu và đưa mô hình giám sát của cộng đồng để giải bài toán quản lý giáo dục sao cho đạt được sự đồng thuận, dân chủ của các lực lượng tham gia làm nên chất lượng của giáo dục hiện nay trong quá trình xã hội hóa”.

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng gợi ý: Hội Khuyến học có thể xin một dự án hoặc một đề tài quốc gia, phối hợp với một số tỉnh để nghiên cứu “Một mô hình một bản quy chế hoạt động của Hội đồng giám sát cộng đồng trường học” sau khi thí điểm thành công sẽ trình Quốc hội, Chính phủ thông qua. Có một văn bản pháp quy phù hợp với thực tế mỗi địa phương chắc chắn sự nghiệp xã hội hóa giáo dục sẽ thành công, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập quốc tế.
Đỗ Quyên (ghi)