TS.Nguyễn Dư: Nghịch lý giáo viên "sợ" dạy tốt quá, bị điều lên...quản lý

09/09/2015 07:22
Tiến sĩ Nguyễn Dư
(GDVN) - Vậy nhưng, để phát triển ngành giáo dục thì chúng ta không thể xem nhẹ vai trò và quyền lợi của những người làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục.

LTSCông cuộc đổi mới toàn diện nền giáo dục đang bắt đầu có những chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, vẫn còn những điều trăn trở, chưa làm được của ngành giáo dục đã khiến không ít phụ huynh, học sinh và xã hội lo lắng. Âu cũng là lần đầu, lần đầu làm thì phải có những va vấp, thiếu sót...

Vì thế, rất cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội để công cuộc đổi mới nền giáo dục được thành công, mang lại lợi ích lâu dài cho sự nghiệp "trồng người"...

Tiến sĩ Nguyễn Dư từng là một nghiên cứu sinh tại Liên hiệp Vương quốc Anh có bài đóng góp ý kiến về nâng cao vai trò, trách nhiệm của người quản lý giáo dục trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả - Tiến sĩ Nguyễn Dư.

Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, trong những năm qua bên cạnh việc tăng kinh phí đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học và bồi dưỡng giáo viên, học sinh, sinh viên sư phạm được miễn học phí, nhà giáo ngoài phụ cấp đứng lớp còn được nhận phụ cấp thâm niên.

Tuy nhiên, một bộ phận nhân lực quan trọng giữ vai trò chỉ đạo trong hệ thống - những công chức làm công tác quản lý giáo dục từ cấp phòng đến cấp Bộ lại chưa được quan tâm, đầu tư hoặc giao quyền đúng mức.

Giáo viên "sợ" dạy tốt...!

Theo Nghị định 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ, phòng giáo dục và đào tạo là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục.

Nhiều nhà giáo sợ làm tốt quá sẽ bị điều động lên cơ quan quản lý. Ảnh chụp lễ Khai giảng Trường THPT chuyên Bắc Giang. Ảnh minh họa của giaoduc.net.vn
Nhiều nhà giáo sợ làm tốt quá sẽ bị điều động lên cơ quan quản lý. Ảnh chụp lễ Khai giảng Trường THPT chuyên Bắc Giang. Ảnh minh họa của giaoduc.net.vn

Với nhiệm vụ như này, phòng giáo dục của một huyện ở đồng bằng Sông Hồng có tới cả trăm cơ sở giáo dục chính quy trực thuộc với hàng nghìn giáo viên và hàng vạn học sinh, trẻ em.

Với vai trò chỉ đạo, quản lý chuyên môn, làm cầu nối truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành đến các nhà trường, ảnh hưởng của họ đến chất lượng giáo dục của các nhà trường là rất lớn. Tuy nhiên, chính sách tiền lương và phụ cấp cho những công chức làm công tác quản lý giáo dục cấp phòng so với ngay cấp dưới của họ tỏ ra có nhiều bất cập. 

Thứ nhất, do đặc thù của ngành, hầu hết công chức đang công tác tại các phòng giáo dục trước đó là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hoặc giáo viên xuất sắc.

Đặc biệt, kể từ khi Luật Cán bộ công chức 2008 có hiệu lực, xác định người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là công chức thì đối tượng điều động chủ yếu là hiệu trưởng.

Lên phòng giáo dục công tác, ưu đãi duy nhất về tiền lương họ được hưởng là 25% phụ cấp công vụ. Đổi lại họ mất ít nhất 30% phụ cấp đứng lớp nếu là nhà giáo trung học cơ sở, 35% nếu là nhà giáo mầm non, tiểu học; mất phụ cấp thâm niên nhà giáo (phần lớn trên 20%) và phụ cấp chức vụ từ 0,25 đến 0,55. Số ít được bổ nhiệm làm phó trưởng phòng hay trưởng phòng. Khi đó họ được hưởng mức phụ cấp chức vụ 0,20 hoặc 0,30 tương ứng.

Với chính sách tiền lương như trên, nếu được điều động lên phòng giáo dục công tác, thu nhập từ lương và phụ cấp của một nhà giáo khoảng 20 năm công tác sẽ giảm từ 1,7  đến 2,0 triệu đồng; thâm niên càng cao càng giảm nhiều. Đồng ý là khi không còn giảng dạy, công chức sẽ không được hưởng phụ cấp đứng lớp, nghịch lý xảy ra ở chỗ họ không được bảo lưu phụ cấp thâm niên, ghi nhận công lao, đóng góp của họ với sự nghiệp “trồng người”.

Nhiều nhà giáo với 30 năm thâm niên, lên phòng giáo dục công tác, khi về hưu lương của họ thấp hơn đồng nghiệp của mình ở trường khoảng 1,5 triệu đồng.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống vật chất mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống tinh thần bởi họ cảm thấy công việc của mình chưa được xã hội nhìn nhận đánh giá đúng mức.

Nghịch lý còn xảy ra ở chế độ phụ cấp chức vụ. Thông thường ta hiểu rằng, chức vụ càng cao, phụ cấp càng lớn, ít nhất là trong một ngành hoặc lĩnh vực công tác. Thế nhưng trong lĩnh vực quản lý giáo dục, công chức có quyền bổ nhiệm (theo Nghị định 115/2010/NĐ-CP) lại có phụ cấp chức vụ thấp hơn người được bổ nhiệm.

Cụ thể, phụ cấp chức vụ của trưởng phòng giáo dục cấp huyện là 0,30 trong khi đó phụ cấp của hiệu trưởng trường trung học cơ sở hạng 1 là 0,55, của phó hiệu trưởng trường mầm non hạng 1 là 0,35. Tương tự như vậy phụ cấp của phó trưởng phòng là 0,20 bằng phụ cấp của tổ trưởng chuyên môn có khi chỉ với 5 thành viên.

Đến đây, chắc hẳn sẽ có một số người không đồng ý với quan điểm của tác giả, cho rằng việc tính phụ cấp thâm niên và phụ cấp chức vụ cho lãnh đạo, công chức tại các phòng giáo dục đào tạo phải xem xét đến chế độ chính sách cho các lãnh đạo, công chức ngang hàng ở các cơ quan chuyên môn khác thuộc huyện. Đó là một yếu tố cần quan tâm.

Tuy nhiên, ngay trong cùng một cơ quan không phải không có những chính sách khác nhau đối với công chức, tùy theo vị trí việc làm. Ví dụ công chức làm thanh tra viên trong trong các sở đều được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề là 25%. Hay ngay ở cùng cấp huyện, những công chức công tác trong các cơ quan thuộc khối đoàn thể chính trị-xã hội được hưởng phụ cấp ưu đãi là 30%.

Hơn nữa, một trong những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng chính sách tiền lương là lương và phụ cấp phải động viên, khuyến khích những người được giao trọng trách lớn hơn, có tính đến yếu tố đặc thù của ngành. Thực tế, trong nội dung đang bàn, chính sách của ta như đi ngược lại nguyên tắc này.

Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sự nhiệt tình công tác của những nhà giáo được điều động lên cơ quan quản lý giáo dục cấp trên công tác mà còn ảnh hưởng đến nỗ lực phấn đấu của các nhà giáo xuất sắc khác bởi họ sợ làm tốt quá sẽ bị điều động lên cơ quan quản lý cấp trên. 

Quyền hạn không xứng với chức năng nhiệm vụ

Nhà trường là một tổ chức đặc biệt, với phần lớn thành viên làm công tác chuyên môn giảng dạy. Do đó, việc bổ nhiệm nhà giáo giữ chức vụ quản lý cấp trường, ngoài năng lực quản lý cần đặc biệt chú trọng tới chất lượng, hiệu quả giảng dạy của họ.

Tuy nhiên, thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, việc bổ nhiệm nhà giáo giữ chức vụ quản lý cấp trường do cấp ủy cấp huyện chủ trì, trong khi đó phòng giáo dục với chức năng quản lý chuyên môn lại có tiếng nói hết sức yếu ớt.

Lễ khai giảng năm học mới đã có những chuyển biến tích cực, vì quyền lợi của học sinh nhiều hơn. Ảnh minh họa của giaoduc.net.vn
Lễ khai giảng năm học mới đã có những chuyển biến tích cực, vì quyền lợi của học sinh nhiều hơn. Ảnh minh họa của giaoduc.net.vn

Nếu trưởng phòng giáo dục không được giao quyền “quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển, cách chức, giáng chức đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu” các cơ sở giáo dục trực thuộc như quy định tại Nghị định 115/2010/NĐ-CP thì ít nhất họ phải giữ vai trò tham mưu, đề xuất nguồn nhân sự để Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện phê duyệt. Bởi hơn ai hết, đội ngũ lãnh đạo, công chức cấp phòng chính là những người trực tiếp theo dõi, đánh giá hoạt động giảng dạy tại các nhà trường.

Thực tế, phòng giáo dục thường chỉ đóng vai trò hiệp thương, cho ý kiến đồng ý hay không với đề xuất của ban tổ chức cấp huyện. Tương tự như vậy, mặc dù Nghị định 115/2010/NĐ-CP chỉ rõ, phòng giáo dục “Chủ trì xây dựng, tổng hợp kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục của các cơ sở giáo dục trực thuộc …; quyết định phân bổ biên chế sự nghiệp các cơ sở giáo dục trực thuộc sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt” việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng, phân bổ viên chức giáo dục ở nhiều địa phương được giao cho Phòng Nội vụ chủ trì. Lãnh đạo, công chức phòng giáo dục và lãnh đạo các trường được giao quản lý chuyên môn song hầu như không có tiếng nói trong việc tuyển dụng, bố trí công việc của viên chức.

Nói như vậy không có nghĩa là các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện không đúng chức năng nhiệm vụ của họ. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là sự thiếu nhất quán và minh bạch trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục.

Cụ thể, văn bản có tính pháp lý cao nhất, Nghị định 115/2010/NĐ-CP (Khoản 4, Khoản 5 Điều 9) quy định quyền hạn của phòng giáo dục gồm hai chức năng nêu ở phần in nghiêng phía trên. Tuy nhiên, trong Khoản 9, Khoản 10 Điều 5 Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT, từ chức năng chủ trì phòng giáo dục được giao phối hợp với phòng nội vụ trong xây dựng kế hoạch tuyển dụng, phân công giáo viên; quyền quyết định bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý cấp trường được thực hiện trên cơ sở ủy quyền của UBND cấp huyện.

Trong khi đó cũng các văn bản do Bộ GD-ĐT ban hành: Thông tư số số 41/2010/TT-BGDĐT và Thông tư số12/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường Tiểu học và Điều lệ trường Trung học, Hiệu trưởng do trưởng phòng giáo dục bổ nhiệm mà không nhắc tới yếu tố ủy quyền. Sự thiếu nhất quán trong ngôn từ này dẫn tới các cách vận dụng khác nhau ở nhiều địa phương. Song ở một số nơi như tác giả biết, vai trò của ngành giáo dục khá thụ động.

Biện pháp khắc phục

Để các nhà giáo được điều động lên cơ quan quản lý giáo dục cấp trên có thêm động lực phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, thiết nghĩ cần phải có sự thay đổi về chính sách lương bổng và phụ cấp với họ.

Giải pháp khả thi trước mắt là mở rộng đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên, bao gồm cả những công chức làm công tác quản lý giáo dục có xuất phát điểm là nhà giáo hoặc chí ít là bảo lưu phụ cấp thâm niên cho những nhà giáo được điều chuyển lên cơ quan quản lý giáo dục cấp trên để họ có thu nhập từ lương ổn định khi đang công tác cũng như về hưu.

Đổi mới giáo dục cũng không quên nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhà quản lý giáo dục. Ảnh minh họa của giaoduc.net.vn
Đổi mới giáo dục cũng không quên nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhà quản lý giáo dục. Ảnh minh họa của giaoduc.net.vn

Giải pháp thứ hai là rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý nhà nước về giáo dục, điều lệ trường học để có sự điều chỉnh, bổ sung tạo sự thống nhất, minh bạch trong nội dung, quy trình quản lý.

Ngoài các văn bản chỉ đạo đề cập trong bài viết này, Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của liên Bộ Giáo dục – Đào tạo và Nội vụ cũng cần được xem xét bởi một số nội dung trong phần quy định quyền hạn, trách nhiệm của Phòng GD-ĐT chưa thực sự bám sát Nghị định 115/2010/NĐ-CP.

Vẫn biết chức năng quản lý viên chức, công chức được giao cho nhiều cơ quan khác nhau trong hệ thống chính trị song một nguyên tắc phổ quát mà bất cứ ai cũng phải thừa nhận hợp lý là cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng lao động cần đóng vai trò chủ động trong quy trình này. Có như vậy mới thúc đẩy sự nỗ lực phấn đấu của người lao động, đồng thời nâng cao trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn nhân lực của đơn vị.

Trong trường hợp cụ thể đó là tuyển dụng, phân công, bổ nhiệm nhà giáo, phòng giáo dục trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của các trường cần phải đóng vai trò chủ trì; các cơ quan khác phối hợp, giám sát, quyết định.

Như vậy, trong quản lý vừa có “buông” vừa có “nắm”, vừa tăng quyền tự chủ cho cơ sở, cho ngành vừa đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng. Để giáo dục phát triển đúng hướng cần những nhà quản lý giỏi, giàu nhiệt huyết.

Nếu ta xem nhẹ vai trò, quyền lợi của đội ngũ này, nếu hành lang pháp lý cho công tác quản lý giáo dục chưa thật rõ ràng công cuộc chấn hưng giáo dục nước nhà khó mang lại kết quả như mong muốn.

Bài viết trên được sự đồng ý xuất bản của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhưng phản ánh quan điểm, đánh giá riêng của tác giả.

Tiến sĩ Nguyễn Dư