Ta đang tạo ra người thầy trong môi trường mà không ai thoát được

28/04/2014 06:50
Xuân Trung
(GDVN) - Tôi thấy nền giáo dục chúng ta rất thiếu nhân văn, một nền giáo dục nhất nguyên và không cho một ai có được cơ hội thoát ra, đồng nhất tất cả các số phận...
GS. TSKH Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tâm sự về những số phận sinh viên mà ông đã từng gặp trong quá trình dạy học. Những số phận này, những con người này đòi hỏi chúng ta khi làm cải cách, đổi mới như thế nào cũng phải nghĩ tới và tuyệt đối không được đánh đồng các em với nhau.

Vừa qua, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có đề xuất Khung chương trình đào tạo sư phạm, theo đó vẫn giữ mức 4 năm, tuy nhiên có điểm mới là trong 4 năm đó, nếu sinh viên hoàn thành khoảng 90 tín chỉ, có thời gian thực tế tại trường THCS sẽ được cấp bằng cao đẳng sư phạm, học nâng cao 1 năm tiếp theo sẽ được cấp bằng đại học để dạy bậc THPT. Giáo viên tốt nghiệp sư phạm phải có năng lực dạy tích hợp và phân hóa. 

Khung chương trình này nhận được sự góp ý của nhiều nhà giáo, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục.

Một thợ đứng lớp nổi tiếng dạy toán lớp 6 cũng vã mồ hôi

GS. TSKH Đỗ Đức Thái thừa nhận, không có gì mâu thuẫn việc đào tạo năng lực với kiến thức kỹ năng, bởi nói cho cùng, năng lực chỉ là khái niệm siêu hình, không đo đếm được, để đánh giá năng lực cuối cùng vẫn là kiến thức kỹ năng. 

Một học sinh có năng lực phải biết làm phép cộng, phải biết 3+5 =8, hay 8+5=13, và qua phép tính đó để đánh giá năng lực học sinh.

GS. Thái cho rằng, do đặc thù của khoa toán không có tích hợp nên với 135 tín chỉ là hợp lý, mặc dù ông luôn luôn ủng hộ phương án 130 tín chỉ trong khung chương trình đào tạo giáo viên toán. 

GS. TSKH Đõ Đức Thái - Trưởng khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết với mô hình 3+1 về đào tạo sư phạm không phải chúng ta cắt khúc ( để cấp bằng cao đẳng) mà chúng ta tạo ra một cánh cửa cho những số phận không may trong cuộc đời. Ảnh Xuân Trung
GS. TSKH Đõ Đức Thái - Trưởng khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết với mô hình 3+1 về đào tạo sư phạm không phải chúng ta cắt khúc ( để cấp bằng cao đẳng) mà chúng ta tạo ra một cánh cửa cho những số phận không may trong cuộc đời. Ảnh Xuân Trung

Còn đối với những khoa có tích hợp, nếu nhìn kỹ khoa đó phải có ba nhiệm vụ trong một chương trình đào tạo: Nhiệm vụ thứ nhất, lấy ví dụ như khoa Sử, phải đào tạo giáo viên dạy chuyên sâu môn lịch sử; thứ hai phải đào tạo được những giáo viên dạy được sử ở các khoa sử thuộc các trường cao đẳng, các trường đại học, điều đó để cung ứng nguồn nhân lực đảm bảo nguồn phát triển khoa học lịch sử của đất nước. Thứ nữa, giáo viên đó phải dạy được các môn khoa học xã hội. Với ba trong một như vậy nếu không tăng số tín chỉ thì không thể đào tạo được.

“Tôi luôn nói với các thầy dạy toán rằng, một quyển sách giáo khoa toán quá mỏng là một thảm họa, việc quá mỏng đó trong chuyên môn với nhau là việc lừa thiên hạ, ở trong đó không có cơ hội tạo ra một môi trường trải nghiệm để hình thành và kiến tạo kiến thức. Đứng ở góc độ chuyên môn sẽ thấy ngay, một quyển sách giáo khoa với 15 phút lên lớp ở chương trình lớp 6 phải dạy từ mặt phẳng tọa độ, cách xác định một điểm trên mặt phẳng, đồ thị hàm số, những khái niệm khó như thế tôi nghĩ tôi là người học giỏi lúc còn bé cũng gặp khó khăn” GS. Thái than thở.

GS. Đỗ Đức Thái còn ví von rằng, ông là một  một thợ đứng lớp nổi tiếng mà phải dạy con đang học lớp 6 về những kiến thức như trên mất hàng tiếng đồng hồ, do đó đừng nghĩ cứ có ít giờ là tốt, và chỉ nên ít đến mức vừa phải và không được vi phạm Luật lao động. 

Cũng theo GS. Thái, chúng ta đã qua nhiều cuộc cải cách, nếu đem chương trình học của chúng ta hiện nay so với chương trình học của cha mẹ ta từ những năm 1950 trở về trước, và so với thế giới chúng ta có chương trình chuyên biệt, chúng ta đào tạo được nhiều người giỏi trong một lĩnh vự chuyên ngành hẹp, điều đó chỉ rất cần cho đất nước sau khi giải phóng. Nhưng chúng ta cũng phải trả giá rằng đất nước thiếu những nhà văn hóa lớn, nhà chiến lược lớn, thiếu những con người đưa đất nước khỏi điểm dừng.

Mượn câu chuyện 34 nghìn tỷ làm chương trình, sách giáo khoa vừa qua, GS. Thái cho biết, không ai đem tiền để đo giá trị của những nhà văn hóa lớn, đất nước không thể tồn tại được nếu thiếu họ. Ông mong lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần có khí phách hơn.
Mô hình 3+1 và cánh cửa cho những số phận

Với Khung chương trình đào tạo giáo viên là 3+1 (3 năm học cốt lõi và 1 năm nâng cao) sinh viên có thể chủ động hoàn thành để lấy bằng cao đẳng hay đại học để dạy cấp THCS hay cấp THPT, thời lượng tín chỉ tương ứng là 90 và thêm 60, tổng là 150 tín chỉ.

Theo quan điểm của GS. TSKH Đỗ Đức Thái, với khoa toán thường phải đứng “một mình”, nhưng đứng một mình không có nghĩa là không tích hợp, tích hợp là đặt ngay trong bài giảng chứ không hẳn là số tín chỉ. 

“Trong thống kê hay trong phương trình vi phân, tại sao mỗi gia đình sinh hai con, nếu muốn hệ sinh thái con người ổn định, nếu sinh ít hơn 2 con sẽ tiến tới 0, những ví dụ như thế là tích hợp” GS. Thái cho hay. 

Cũng theo trưởng khoa toán, trên thế giới tích hợp là chuyện khó, có thể không đặt ra môn tích hợp, tích hợp trong tất cả mọi chuyện, nhưng đó đòi hỏi trình độ giáo viên phải cao, trong khi giáo viên chúng ta đang dạy đơn lẻ. 

Nói về cách đổi mới trong chương trình đào tạo sư phạm, GS. Đỗ Đức Thái lần nữa khẳng định, chúng ta ngồi đây bàn mà không đối mặt với 1 triệu học sinh với 1 triệu số phận, hoàn cảnh khác nhau là chúng ta có tội. 

Do đó, GS. Thái ủng hộ việc đặt ra môn tích hợp. Chương trình toán để đào tạo ra giáo viên dạy toán, trước hết có học vấn cốt lõi, học vấn nâng cao, phát triển lên cao hơn để có được triết lý toán học, văn hóa, thẩm mỹ toán tốt hơn. Kết thúc giai đoạn này GS. Thái coi đó là giai đoạn 1. Bắt đầu những học vấn tiếp theo là giai đoạn 2.

“Đối với khoa toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không phải là 3+1 mà là 2,5+1 (học vấn cốt lõi là 2,5 năm, 1 năm còn lại dạy nâng cao) là hợp lý. Nếu phải đổi kết cấu chương trình toán ba năm đầu để dạy ra cao đẳng, và sau đó để dạy đại học, đó là điều không đúng. Thực hiện điều này cũng giống như 2 giờ toán ở lớp 1 khác với 2 giờ toán ở lớp 12, hay để đào tạo ra một cử nhân cũng bài đại số tuyến tính dạy cho sinh viên ở cao đẳng là khác, dạy cho sinh viên đại học, dạy cho nghiên cứu, dạy cho giáo viên dạy toán là khác” GS. Thái chia sẻ.

Quan điểm của Trưởng khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chương trình đào tạo sư phạm không được cắt khúc giữa đường. Lấy ví dụ hằng năm, khoa toán có khoảng 250 sinh viên, đó là 250 số phận, không phải em nào trong cuộc đời cũng có thể học hết chương trình đào tạo.

GS. Đỗ Đức Thái kể một câu chuyện đau xót có thật, cách đây không lâu ông phải tiếp cha mẹ một em sinh viên, gặp ông phụ huynh ôm và khóc: “xin thầy cho cháu nghỉ 1 năm vì không còn gì ở nhà để ăn thì lấy tiền đâu cho con đi học”, nghe câu chuyện đau lòng đó, sau khi tìm hiểu hoàn cảnh là có thực, GS. Thái đã bỏ tiền túi của mình để nuôi em sinh viên đó.

“Tại sao chúng ta không có một cửa cho những số phận như thế, cho họ có thể có được việc làm, họ có thể được học và không trở thành gánh nặng cho xã hội? Tôi thấy nền giáo dục chúng ta rất thiếu nhân văn, một nền giáo dục nhất nguyên và không cho một ai có được cơ hội thoát ra, đồng nhất tất cả các số phận như nhau” GS. Thái nêu thực trạng.

Cũng theo quan điểm của GS. Thái, đồng ý nếu tập trung đào tạo trình độ THCS thì có thể tốt hơn cử nhân đã từng được dạy cấp THPT để rồi phải xuống dạy cấp THCS. “Một người học vấn cao hơn mà làm việc ở bậc thấp hơn thì phải tốt hơn người học trực tiếp ở bậc đó. Một sinh viên vào khoa toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với 25 điểm phải dạy tốt hơn một sinh viên vào khoa toán Trường CĐ Sư phạm Hà Nội đi dạy cấp THCS” GS. Thái khẳng định.

Theo GS. Thái, đó là khác nhau về chất con người, về tư chất trời cho và ông coi trọng tự nhiên mạnh hơn giáo dục. Với mô hình 3+1 như ở trên không phải chúng ta cắt khúc ( để cấp bằng cao đẳng) mà chúng ta tạo ra một cánh cửa cho những số phận không may trong cuộc đời. 
Xuân Trung