Tại sao em Nguyễn Văn Sanh bỏ đại học để vào trường nghề?

15/09/2017 08:44
Nguyên Phong
(GDVN) - “Chi phí học bốn năm đại học quá cao nhưng ra trường chưa chắc xin được việc làm nên em chọn học nghề để tiết kiệm chi phí, dễ xin được việc hơn”.

Đó là chia sẻ của bạn Nguyễn Văn Sanh, sinh viên năm 1 ngành kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển công nghiệp (Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng) về quyết định bỏ đại học để đi học nghề.

Ngã rẽ

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở vùng quê Điện Phương (Điện Bàn, Quảng Nam), từ nhỏ, Sanh chỉ có mình mẹ bao bọc, chở che.

Bạn Nguyễn Văn Sanh (bên phải) đang thực hành nghề điện trong một giờ học tại trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.
Bạn Nguyễn Văn Sanh (bên phải) đang thực hành nghề điện trong một giờ học tại trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.

Hai mẹ con dắt dìu nhau, làm đủ nghề đủ mưu sinh. Trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2017 vừa qua, với số điểm 20,5, Sanh đậu vào ngành kinh doanh thương mại thuộc Đại học Kinh tế Huế.

Ngày nhận kết quả, hai mẹ con Sanh vỡ òa niềm hạnh phúc, vui sướng. Nhưng rồi bao lo lắng cho tương lai cứ dồn về.

Tại sao em Nguyễn Văn Sanh bỏ đại học để vào trường nghề? ảnh 2

Trường nghề đào tạo không đủ đáp ứng nhân lực cho doanh nghiệp

“Nếu em học đại học thì chi phí khoảng 17 – 18 triệu đồng/năm. Đó là số tiền lớn đối với hai mẹ con em. Nhưng lo lắng nhất là học ra không xin được việc làm, thất nghiệp thì càng khổ cho mẹ hơn”, Sanh nói.

Nghĩ vậy, Sanh bàn với mẹ chuyển hướng sang học nghề. Chi phí học nghề chỉ khoảng 8 triệu đồng/năm, ra trường cũng dễ kiếm việc làm hơn.

Vậy là hai mẹ con Sanh gồng ghánh nhau ra Đà Nẵng trọ học. Hàng ngày, Sanh đến trường còn mẹ cũng kiếm việc làm thêm để nuôi con.

Cũng trúng tuyển vào Đại học Nông lâm Huế với số điểm khá cao (19,5 điểm) nhưng Trần Tấn Bửu (ở xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cũng quyết định chọn “ngã rẽ” sang học nghề.

Chỉ mới vài ngày làm quen với môi trường học tập mới nhưng Bửu thích thú, say mê với chuyên ngành công nghiệp ô tô mà mình đã lựa chọn.

“Ngày trước, em đăng ký xét tuyển đại học là theo nguyện vọng của ba mẹ. Nhưng em vẫn thích học nghề hơn”, Bửu nói.

Tâm sự về những dự định sau này, Bửu nói ở quê Núi Thành có Công ty ô tô Trường Hải đang rất cần nguồn nhân lực.

Sau này, khi học xong, em sẽ xin về Công ty làm. “Khi em chọn con đường học nghề, ba mẹ phản đối gay gắt vì muốn con học đại học cho “danh giá”.

Rồi bạn bè cũng bảo em dở hơi hay sao mà lại bỏ đại học đi học nghề. Nhưng sau một hồi nghe em giải thích, ba mẹ và người thân cũng bớt lo hơn”, Bửu tâm sự.

Cất bằng đại học để đi học nghề

Thầy Phan Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, hiện các bạn trẻ đã biết “tính toán” và cân nhắc lựa chọn giữa việc đi học đại học và học nghề.

Tại sao em Nguyễn Văn Sanh bỏ đại học để vào trường nghề? ảnh 3

Trường nghề sẽ phải thay đổi để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0

Trong khi số lượng cử nhân ra trường thất nghiệp ngày càng tăng thì học viên trường nghề dễ dàng tìm kiếm được một công việc phù hợp. Số lượng học viên trường nghề liên tục tăng trong thời gian qua đã chứng minh cho xu thế này.

Hiện nhà trường có hơn 1.000 thí sinh nhập học, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm chiếm khoảng 90%.

“Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng riêng tại trường, số bạn đủ điểm đậu đại học rất nhiều. Nhưng các em không đi học mà chuyển sang học nghề”, thầy Sơn nói.

Trong số những tân sinh viên của trường nghề năm nay có những “học viên đặc biệt” đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn quay lại đăng ký học nghề.

Đó là trường hợp của bạn Nguyễn Thị Hằng (quê Quảng Bình). Hằng đã tốt nghiệp khoa ngữ văn của Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng với tấm bằng xuất sắc nhưng đã quyết định đăng ký nhập học ngành thiết kế thời trang tại Trường cao đẳng nghề Đà Nẵng.

“Để xin được vào biên chế ngành giáo dục rất khó khăn vì số lượng cử nhân sư phạm thất nghiệp khá lớn. Hai năm qua, em phải đi dạy kèm tại các trung tâm gia sư ở Đà Nẵng để kiếm sống.

Em muốn đi học nghề để có thể tìm được việc làm vì em được biết ngành may hiện đang tuyển nhiều lao động. Hơn nữa em cũng rất thích may vá từ nhỏ”, Hằng tâm sự.

Theo Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm (Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng), hiện các ngành như: công nghệ ô tô, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển công nghiệp, công nghệ hàn, may thời trang, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ lưu trú, … đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực.

Nhà trường đào tạo nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp đã “đặt hàng” tuyển dụng ngay khi các em đang còn học trên giảng đường.

Nguyên Phong