Tại sao lại hiếm có thí sinh đạt điểm 10 môn Văn?

08/07/2017 06:50
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Trong kì thi năm nay, tại Hội đồng chấm thi của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam có 1 bài thi môn Ngữ văn đạt điểm 10.

LTS: Trong các kì thi hiện nay, những thí sinh đạt điểm 10 môn Ngữ văn được coi là những hiện tượng hiếm hoi, khiến nhiều người ngạc nhiên.

Trong bài viết này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc sẽ đưa ra những nguyên do lý giải vì sao lại có rất ít thí sinh có khả năng giành điểm tối đa cho môn Ngữ văn như vậy.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày 6/7, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố kết quả thi trung học phổ thông năm 2017.

Theo đó, có khá nhiều thí sinh đạt điểm 10 ở các môn Toán, Ngoại ngữ, môn thi thành phần trong hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học và Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân), đúng như dự đoán của nhiều người trước đó.

Đến thời điểm này, Nam Định là địa phương có số lượng thí sinh đạt điểm 10 nhiều nhất cả nước. 

Vì các đề thi bám sát chương trình, sách giáo khoa, 60% câu hỏi ở mức độ kiến thức cơ bản, có sự phân hóa tốt, hình thức trắc nghiệm khách quan gọn gàng, thuận lợi hơn so với hình thức tự luận, hầu hết thí sinh đều làm được bài.

Thế nhưng ở Ngữ văn, môn thi tự luận duy nhất ở kỳ thi năm nay lại rất hiếm hoi đạt điểm tối đa.

Trần Đình Duy (trái) là thí sinh ở Quảng Nam giành được điểm 10 môn Ngữ văn trong kì thi quốc gia năm nay. (Ảnh: Nhân vật cung cấp trên Báo Lao động)
Trần Đình Duy (trái) là thí sinh ở Quảng Nam giành được điểm 10 môn Ngữ văn trong kì thi quốc gia năm nay. (Ảnh: Nhân vật cung cấp trên Báo Lao động)

Theo thông tin ban đầu, Hội đồng chấm thi của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam có 1 bài thi môn Ngữ văn đạt điểm 10.

Nhìn về lịch sử các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng trước đây, 3 mùa thi trung học phổ thông quốc gia năm 2014, 2015, 2016, chúng tôi cũng nhận thấy từ năm 2005 đến năm 2016 (12 năm) mới chỉ có 3 bài thi trong tuyển sinh đại học đạt điểm 10.

Đó là bài thi của thí sinh Nguyễn Thị Thu Trang dự thi vào khối D ngành tài chính - kế toán Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Huế, năm 2005;

Bài thi của em Hoàng Thùy Nhi tại Đại học Đà Nẵng năm 2006 và bài thi của học sinh Nguyễn Trung Ngân dự thi Đại học Cần Thơ đạt 9,75 (làm tròn thành 10 điểm) năm 2008.

Tại sao lâu nay lại hiếm hoi thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Ngữ văn trong các kỳ thi lớn như vậy?

Tại sao lại hiếm có thí sinh đạt điểm 10 môn Văn? ảnh 2

103 thí sinh Đà Nẵng đạt điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia

Thầy Nguyễn Viết Hòa (48 tuổi) giáo viên dạy Văn tại Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Quảng Ngãi) lý giải:

Là do bộ môn này có tính đặc thù cao.

Trong hướng dẫn chấm, thang điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rất cụ thể, chi tiết trên nhiều phương diện, từ chính tả, bố cục, trình bày, diễn đạt, lập luận, kiến thức đến khả năng, tư duy sáng tạo khi chấm, đánh giá đoạn văn, bài văn.

Thật khó có bài thi của thí sinh nào, với thời lượng 120 phút phải hoàn thành 3 câu, đáp ứng, đầy đủ, toàn diện được yêu cầu của đáp án và mong đợi sự toàn bích của các giám khảo chấm văn.”

Thầy Bùi Văn Thuận, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Trường Chinh (tỉnh Gia Lai), vừa tham gia chấm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 tại Hội đồng chấm thi Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, cho rằng:

Tôi không nghĩ các thầy cô giáo dạy Văn, giám khảo chấm Văn quá khắt khe với các em học sinh của mình.

Văn là môn dạy-học có những nét đặc thù, riêng biệt so với các môn văn hóa khác thì đáp án phải đặc thù, riêng biệt.

Tiếc là nét đặc thù của đáp án Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa làm được.

Quan trọng bậc nhất là tính chất mở của đáp án. Bên cạnh đó, có không ít giám khảo vẫn còn nặng tư duy đếm ý.

Mà cứ chăm chăm vào việc đếm ý thì làm sao bài thi của các em đạt được trọn vẹn, tìm đâu ra điểm 10 bây giờ.”

Tại sao lại hiếm có thí sinh đạt điểm 10 môn Văn? ảnh 3

Điểm thi quốc gia của các địa phương, bản chuẩn từ Bộ giáo dục

Theo tôi, để có được đáp án mở, thuận lợi, không bị gò bó, áp lực cho giám khảo đúng là một việc rất khó đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đáp áp thể hiện chuẩn năng lực, kiến thức, áp dụng chung cho cả nước.

Rõ ràng điểm nhìn, vận dụng linh hoạt đáp án, thang điểm và năng lực thẩm định của từng thầy cô giáo là yếu tố quan trọng, quyết định nhất.

Giám khảo không nên dễ dãi, tháo khoán về điểm 10, cũng đừng quá khắt khe, máy móc với những bài thi tương đối hoàn chỉnh của các em.

Gặp những bài làm tốt, đáp ứng gần hết yêu cầu của đáp án, lại nổi trội ở tính sáng tạo, chất cảm xúc, các thầy cô giáo nên mạnh dạn ghi nhận, đánh giá cao và thống nhất cho điểm tối đa.

Giáo viên cần thay đổi tư duy, cách chấm văn lâu nay, có thể góp phần tạo ra một động lực, “cú hích” mới  cho chất lượng dạy-học Văn khá hơn, thêm những và nhiều em yêu Văn, chăm học Văn từ bây giờ.

Đỗ Tấn Ngọc