Thăm đại gia đình 5 đời làm nghề giáo

18/11/2015 07:26
Phan Tuyết
(GDVN) - Dù nghề giáo có nghèo nhưng đó chỉ là cái nghèo về vật chất. Còn sự giàu có về tinh thần thì không phải cứ có tiền là mua được.

Buổi lễ gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu của huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận tổ chức nhân ngày Hiến chương nhà giáo 20/11/2015, mọi người đã được nghe thầy giáo Nguyễn Trung Sô kể về 5 đời gia đình thầy gắn bó với nghề giáo với tổng số 19 người. 

Thông qua những câu chuyện nghề, chuyện đời, những thầy cô giáo hôm nay thấy rõ hơn những vất vả nhọc nhằn của lớp thầy cô đi trước nhưng lòng yêu nghề vẫn luôn rừng rực trong tim. 

Vì điều này, mà gia đình thầy từ con đến các cháu đều một lòng gắn bó với nghề giáo, một nghề nghèo nhưng lại vô cùng cao quý như cách nói của bác Phạm Văn Đồng.

Khi nghe mọi người hỏi: “Cơ duyên nào 7 người con của thầy đều chọn nghề giáo?”.

Thầy nói: “Nhớ lời cha (người thầy dạy bình dân học vụ thời chống Pháp) “Lớn lên chọn nghề cho con chỉ nên chọn hai nghề là giáo dục hoặc y tế. Đây là hai nghề trực tiếp giúp ích cho bà con về tri thức và sức khỏe”. 

Vì thế, ngay từ khi các con còn nhỏ, thầy luôn giáo dục và định hướng cho các con cái hay, cái đẹp của nghề giáo. 

Một người thầy tốt sẽ được cả xã hội tôn trọng, danh tiếng của mình không bao giờ bị mất đi. Tôi thường nói với mọi người, dù thầy có mặc chiếc áo rách đi cuốc đất nhưng gặp thầy mọi người cũng nói một tiếng: Chào thầy...”.

Thầy giáo Nguyễn Trung Sô kể về 5 đời gia đình thầy gắn bó với nghề giáo với tổng số 19 người (Ảnh: Phan Tuyết)
Thầy giáo Nguyễn Trung Sô kể về 5 đời gia đình thầy gắn bó với nghề giáo với tổng số 19 người (Ảnh: Phan Tuyết)

Nhờ lòng yêu nghề, thầy đã nuôi 7 người con thành đạt, ai cũng gắn bó với nghề giáo. Và đến tuổi lập gia đình, nhà thầy lại được đón về 6 cô con dâu và một chàng rể cũng nghề giáo. Thầy cười, nụ cười tràn ngập niềm vui: “Chẳng hạnh phúc nào bằng niềm vui đó”.

Như nhớ ra điều gì, thầy trầm tư: “Để nuôi được những đứa con này cho ăn học đàng hoàng hai vợ chồng tôi đã phải làm quần quật suốt ngày. Ngoài công việc ở trường, vợ chồng tôi phải tất tả buôn bán và khai phá đất rẫy để trồng bắp, trồng khoai, tỉa đậu...bòn mót từng đồng bạc lẻ gửi cho con ăn học. 

Đã có lúc khó khăn tưởng không thể vượt qua, bà nhà tôi bàn cho các con nghỉ học đi làm nhưng tôi cương quyết phản đối. Bởi có đi cuốc đất cũng phải biết kĩ thuật cuốc sao cho đạt. Đi làm ruộng cũng phải biết cách gieo trồng...
”. 

Thăm đại gia đình 5 đời làm nghề giáo ảnh 2

Trò ơi! Còn đó những yêu thương!

(GDVN) - Trò ơi, vô tình hay cố ý, trò đang làm cô mệt lắm! Mà dù có thế nào, cô vẫn giữ nguyên vẹn lòng yêu thương, lấy đó làm vũ khí của mình.

Thấy cha mẹ lao động vất vả mấy người con cũng có ý định nghỉ học để đỡ đần cha mẹ. Một lần nữa thầy nói mình phải cứng rắn và cương quyết:

Phần cha, cha lo được. Còn phần các con phải gắng tiết kiệm, gắng học giỏi và chăm ngoan, tuyệt đối không được đua đòi theo chúng bạn. Được như thế, khổ cỡ nào cha mẹ cũng thấy vui”.

Thầy nói, giờ thì những người con nhà giáo ấy, hai người làm Hiệu trưởng, những thầy cô giáo còn lại cũng là giáo viên dạy giỏi các cấp. Vài năm nữa gia đình sẽ đón thêm thế hệ thứ 5 bước vào nghề giáo.

Ở cái tuổi 84 ít ai ngờ thầy vẫn còn phong độ và minh mẫn như thế. Cao hứng thầy đọc thơ và căn dặn những thầy cô giáo thế hệ sau bền chí luyện rèn đem cái tâm trong sáng của mình để phục vụ sự nghiệp giáo dục của địa phương. 

Dù nghề giáo có nghèo nhưng đó chỉ là cái nghèo về vật chất. Còn sự giàu có về tinh thần thì không phải cứ có tiền là mua được.

Phan Tuyết