Tham nhũng trong giáo dục: Ai là thủ phạm?

10/05/2012 08:56
Theo Vn Media
(GDVN) - Ở Việt Nam, nhiều người nhìn nhận chính phụ huynh và sinh viên là những chủ thể tạo nên tham nhũng. Trên thực tế đây là loại tham nhũng đặc biệt vì dù thiệt hại vật chất không lớn nhưng thiệt hại vô hình thì khó có thể xác định.

Tham nhũng trong giáo dục đang phổ biến

Tại cuộc đối thoại về phòng, chống tham nhũng được tổ chức cuối năm 2011, các chuyên gia đã gọi tham nhũng trong giáo dục là "tham nhũng vặt". Tuy nhiên, trên thực tế đây là loại tham nhũng đặc biệt vì dù thiệt hại vật chất không lớn nhưng thiệt hại vô hình thì khó có thể xác định.

Nạn chạy trường, chạy lớp, học thêm, xin điểm, mua đề thi... là vấn nạn cực kỳ quan trọng bởi lẽ mức độ phổ biến rộng lớn
Nạn chạy trường, chạy lớp, học thêm, xin điểm, mua đề thi... là vấn nạn cực kỳ quan trọng bởi lẽ mức độ phổ biến rộng lớn

Theo Bộ GD&ĐT, tham nhũng giáo dục được “nhận diện” nổi cộm ở 9 khía cạnh: Chạy trường; chạy điểm; dạy thêm học thêm; lạm thu phí giáo dục; độc quyền sản xuất sách giáo khoa; tham nhũng trong tuyển dụng đề bạt, luân chuyển giáo viên; rút ruột các công trình xây dựng; xà xẻo khi mua thiết bị dạy học và xà xẻo các kinh phí dự án giáo dục.

Trong đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, dạy thêm học thêm và tình trạng chạy điểm, chạy trường được coi là hình thức tham nhũng biến tướng được nhiều phụ huynh “ủng hộ” nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến hình ảnh của người thầy.

Điều này cũng trùng với quan điểm mà TS Bùi Trân Phương, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen đã từng nhận định, nạn chạy trường, chạy lớp, học thêm, xin điểm, mua đề thi... là vấn nạn cực kỳ quan trọng bởi lẽ mức độ phổ biến rộng lớn và đã trở nên đại chúng.

Mặc dù nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã có những động thái “tuyên chiến” với những hình thức tham nhũng trong giáo dục nhưng chưa có chuyển biến một phần do các cơ sở chỉ thực hiện mang tính hình thức, mặt khác, mức lương quá thấp khiến giáo viên không yên tâm với nghề.

“Người hùng thầm lặng” trong chống tham nhũng

Theo Giáo sư Stephen P.Heyneman, trong bối cảnh mà tham nhũng đã trở thành chuyện phổ biến, thì không còn ai quan tâm người chống tham nhũng nữa. Nhưng sẽ vẫn có những giảng viên “chống lại” điều này, ngay cả trong môi trường tha hóa nhất. Họ vẫn coi trọng chuẩn mực nghề nghiệp chung, trong đó bao gồm lời hứa sẽ đối xử với sinh viên công bằng như nhau.

Nói theo cách đơn giản và ý nghĩa, các giảng viên này, những người dường như trở nên đơn độc trong trường của họ, lại đang đóng vai như những “người hùng thầm lặng”. Họ bảo vệ những nguyên tắc của họ, mà không cần hỗ trợ về luật pháp, quản lý, và cũng không nhằm nhu cầu nhận phần thường, và được ghi nhận.

Để tìm kiếm những “người hùng thầm lặng” trong chống tham nhũng, Giáo sư Stephen P.Heyneman gợi ý việc ban hành chuẩn mực hành vi đối với giảng viên, các nhà quản lý, sinh viên. Quan trọng chuẩn mực này phải được tuyên thệ công khai trên các trang web của trường và trong các báo cáo công khai hàng năm.

Bên cạnh đó, Giáo sư Stephen P.Heyneman cũng dẫn chứng việc nhiều nước đang cố gắng tạo ra các bằng cấp đại học tương đương nhau cũng như thúc đẩy việc trao đổi tín chỉ. Khó có thể hình dung ra việc một trường đại học có tiếng tăm trong khối EU lại đồng ý chấp nhận tương đương bằng cấp với một trường đại học khác đang có nhiều vấn đề về tham nhũng. Mặt khác, Hệ thống kiểm định chất lượng châu Âu hoặc các hệ thống khác sẽ cần bổ sung minh chứng về việc chống tham nhũng như là một tiêu chí để tham gia vào quá trình kiểm định trong toàn châu Âu. Vì thế, bản chất của quá trình này sẽ được sử dụng như một công cụ để làm trong sạch hệ thống giáo dục đại học.

Một cách khác, liên quan đến các tổ chức đầu tư cho giáo dục đại học. Các đơn vị này cần phải cân nhắc lại những đầu tư của mình cho những hệ thống tồn tại tham nhũng cao. Tuy nhiên, để sự can thiệp về mặt chính sách có hiệu quả, thì cần phải có đầy đủ thông tin và chi phí. Việc điều tra thường xuyên với sinh viên và giảng viên là hữu ích. Một điều tra ở một trường đại học ở 2 thời điểm khác nhau cũng cho thấy những tín hiệu khả quan đối với vấn đề tham nhũng. Điều này cũng chỉ ra rằng khi tính minh bạch và đạo đức nghề nghiệp trở thành phổ biến thì tỷ lệ tham nhũng cũng giảm theo.

Thưa quý độc giả!

Với mong muốn trở thành tờ báo tiên phong trong lĩnh vực chấn hưng giáo dục, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chính thức mở chuyên đề: Phanh phui những hiện tượng bức xúc, tiêu cực trong giáo dục. 
Tòa soạn sẽ thu nhận, xác minh và đăng tải tất cả những câu chuyện, hành vi:

- Sai phạm trong tuyển sinh - chạy trường chạy lớp

- Sai phạm về tài chính; sử dụng nhân sự

- Vi phạm đạo đức thầy và trò

- Khai man, sử dụng bằng cấp giả

Báo sẽ ưu tiên điều tra những bức xúc tiêu cực được Quý độc giả gửi tới có kèm theo chứng cứ (clip, hình ảnh, băng ghi âm, tài liệu).
Quý độc giả có thể BẤM VÀO ĐÂY để gửi ý kiến của mình, hoặc gửi vào địa chỉ emailtoasoan@giaoduc.net.vn.

Trân trọng!
Theo Vn Media