Thành phố Hồ Chí Minh thu hút, đãi ngộ giáo viên mầm non cao nhất cả nước

16/08/2018 06:37
Phương Linh
(GDVN) - Giáo viên mầm non tại Thành phố Hồ Chí Minh ngoài nhận 35% mức phụ cấp nghề nghiệp, còn nhận thêm 35% mức lương hỗ trợ, và rất nhiều chính sách ưu đãi khác.

Ngày 15/8/2018, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu đoàn công tác của lãnh đạo thành phố đến thăm, làm việc tại Trường Đại học Sài Gòn.

Trước khi có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của nhà trường, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các sinh viên nhà trường.

Giáo viên mầm non thành phố được đãi ngộ nhất cả nước

Em Nguyễn Thị Tuyết Nhi (sinh viên ngành giáo dục mầm non) chia sẻ: Bạn rất lo lắng về chính sách lương thấp của mầm non, điều kiện làm việc, áp lực sĩ số của các lớp…nên Nhi đề xuất thành phố cần có chính sách để giữ chân giáo viên mầm non ở lại làm việc.

Thay mặt lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc nói rằng, chính sách thu hút, đãi ngộ giáo viên mầm non của Thành phố Hồ Chí Minh là cao nhất cả nước.

Ông Lê Hoài Nam giải thích thêm: Ngoài được nhận thêm 35% phụ cấp nghề nghiệp, thành phố còn dành riêng thêm 35% lương nữa để phụ cấp cho giáo viên mầm non.

Như vậy, rõ ràng, thu nhập của giáo viên mầm non tại thành phố cao hơn hẳn địa phương khác.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với sinh viên Trường Đại học Sài Gòn (Ảnh: P.L)
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với sinh viên Trường Đại học Sài Gòn (Ảnh: P.L)

Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều chính sách khác để hỗ trợ cho giáo viên mầm non mới ra trường, như hỗ trợ 100% lương cơ bản trong năm đầu (trên 1,3 triệu đồng), hộ trợ 75% lương cơ bản trong năm thứ 2 và 50% cho năm thứ 3.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam thông tin: Chính sách tuyển dụng giáo viên không cần hộ khẩu ở thành phố gần đây đưa ra sẽ là một thách thức, đòi hỏi sinh viên thành phố cần có thêm nhiều nỗ lực, do sẽ có thêm nhiều ứng viên giỏi từ tỉnh khác về.

Thừa nhận áp lực sĩ số ở bậc mầm non, ông Lê Hoài Nam mong rằng, ngay từ khi còn ở ghế nhà trường, sinh viên cần rèn luyện tính kiên trì, lòng yêu trẻ thì mới có thể vượt qua được áp lực, hoàn thành nhiệm vụ.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Toàn thành phố, chỉ tính riêng bậc mầm non có khoảng 600.000 em, nên ngoài việc phổ cập trẻ 5 tuổi đi học, thì có đến 95% trẻ 3 đến 4 tuổi đều đến trường.

Chính vì thế, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Sinh viên sư phạm mầm non yên tâm lo học hành cho tốt, còn việc làm thì sẽ không thiếu, lương cũng sẽ không thấp.

Hàng loạt đề xuất của Trường Đại học Sài Gòn

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ngay sau đó, Phó Giáo sư Phạm Hoàng Quân – Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn đã nêu lên hàng loạt đề xuất với thành phố.

Đó là trường xin được cấp đất lại, do trước đó đã giao 14ha đất cho một trường đại học khác theo đề nghị của lãnh đạo Thành ủy.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ lãnh đạo phòng, ban của nhà trường (ảnh: P.L)
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ lãnh đạo phòng, ban của nhà trường (ảnh: P.L)

Tiếp đó, nhà trường cũng mong thành phố hỗ trợ cấp thêm máy móc, thiết bị thí nghiệm cho các ngành môi trường, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, Vật lý, Hóa, Sinh.

“Mong thành phố cho kinh phí cải tạo, sửa chữa khu nhà A của trường được xây dựng từ năm 1960, nay đã xuống cấp” - Phó Giáo sư Phạm Hoàng Quân nói tiếp.

Nhà trường còn mong sẽ có thêm cơ sở thực hành cho bậc học mầm non, tiểu học, vì hiện trường chỉ có Trường trung học thực hành (bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông) là nơi dành cho sinh viên thực hành.

Phương Linh