Thanh tra Chính phủ chỉ rõ "yếu kém" của Bộ Giáo dục trong quyền tự chủ

02/04/2015 16:45
Phương Thảo
(GDVN) - Ngày 31/3, Thanh tra Chính phủ có Kết luận thông báo liên quan đến trách nhiệm của Bộ GD&ĐT cùng với một số trường đại học khi thực hiện Nghị định 43.

Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, ngày 25/4/2006 Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập nêu ra các mục tiêu về quyền tự chủ là:

Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp trong việc tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao; phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội; tăng nguồn thu nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động.

Thực hiện chủ trương xã hội hoá trong việc cung cấp dịch vụ cho xã hội, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp, từng bước giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước.

Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp, Nhà nước vẫn quan tâm đầu tư để hoạt động sự nghiệp ngày càng phát triển; bảo đảm cho các đối tượng chính sách - xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ theo quy định ngày càng tốt hơn.

Cơ quan quản lí thiếu sát sao

Theo kết luận thanh tra, với Bộ GD&ĐT, Thanh tra Chính phủ cho biết, Bộ Giáo dục đã ban hành quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các sự nghiệp trực thuộc rất chậm. 

Tháng 10/2013, Bộ GD&ĐT có văn bản thông báo ủy quyền cho các đơn vị sự nghiệp về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng cơ bản, thanh lý tài sản hết hiệu lực.

Do đó, các đơn vị này không được tự chủ trong một số lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền,  việc này không phù hợp với xu hướng phân cấp, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị.

Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nằm trong diện thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Ảnh VietQ
Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nằm trong diện thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Ảnh VietQ

Việc ban hành văn bản hướng dẫn Nghị định 43 còn chậm, nhất là việc ban hành hệ thống định mức kinh tế kĩ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng.

Bộ GD&ĐT chưa xây dựng được các tiêu chí cụ thể đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn thông tin, từ những việc kiểm tra, giám sát hạn chế của Bộ GD&ĐT đã dẫn đến những khuyết điểm, sai phạm 5 trường đại học (Đại học Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Luật TP HCM, Trường Đại học Kinh tế TP HCM), sai phạm chủ yếu ở lĩnh vực tổ chức bộ máy, nhân sự, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tài chính, đầu tư xây dựng, quản lí đất đai tài sản…

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ "yếu kém" của Bộ Giáo dục trong quyền tự chủ ảnh 2

Thi quốc gia: Khó khăn ban tổ chức phải chịu, thuận lợi dành cho thí sinh

(GDVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 04/CT-TTg yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan tăng cường chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Đối với 5 trường đại học, kết luận cho biết 5 đơn vị này đều chưa xây dựng được phương án tự chủ về bộ máy, chưa ban hành hoặc chưa điều chỉnh sửa đổi, bổ sung “Quy chế thực hiện dân chủ”, chưa thành lập Hội đồng trường, một số đơn vị chưa ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ đối với  các đơn vị trực thuộc theo quy định tại Điều lệ trường đại học.

Ban hành một số văn bản không phù hợp với quy định của nhà nước, hoặc căn cứ vào các quy định đã hết hiệu lực, các khoản thu, chi không đúng quy định của nhà nước, ban hành một số văn bản quy định mức thu học phí, lệ phí vượt mức quy định và ngoài danh mục theo Nghị định 57 của Chính phủ.

Với hoạt động tuyển sinh, một số trường  tuyển sinh vượt chỉ tiêu, thậm chí có trường không được giao chỉ tiêu nhưng vẫn tuyển sinh từ liên thông cao đẳng lên đại học.

Trường Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Huế) mở ngành đào tạo văn bằng 2 chưa có sự đồng ý của Giám đốc Đại học Huế. Thậm chí thời gian giảng dạy hệ này chưa đúng với quy định khi giảng dạy vào thứ 7, và buổi tối.

Rất nhiều những vi phạm khác từ các đơn vị được nêu như tuyển sinh đào tạo sau đại học, tuyển sinh đại học chính quy, liên thông cao đẳng lên đại học, tuyển sinh đào tạo vừa học, vừa làm, tuyển sinh đào tạo từ xa, liên kết đào tạo với nước ngoài, tự chủ về tổ chức, bộ  máy biên chế…

Từ những sai phạm, thiếu xót trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị, với Bộ GD&ĐT tăng cường quản lí, thường xuyên kiểm tra các trường thực hiện nghiêm túc việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. 

Sớm xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, định mức chi, định mức kinh tế - kĩ thuật. Trước mắt quy định rõ nội dung chi, mức chi tối thiểu cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ đào tạo với từng loại hình, khắc phục  tình trạng dạy chay, dạy lí thuyết, xa rời thực tiễn…

Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan chủ trì, phối hợp với bộ GD&ĐT truyền tải ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về quán triệt này.

Nộp về ngân sách hơn 2 tỷ tiền thuế

Từ những sai phạm  qua quá trình thanh tra đối với 5 trường đại học như trên, Thanh tra Chính phủ yêu cầu các đơn vị chưa nộp thuế  với số tiền là hơn 2 tỷ đồng, trong đó Đại học Huế là hơn 600 triệu, Học viện Nông nghiệp gần 1,4 tỷ đồng….

Xử lí sai phạm trong đầu tư, xây dựng  với số tiền gần 7 tỷ đồng. Cụ thể, Trường Đại học Kinh tế TPHCM giảm trừ giá trúng thầu là gần 1,6 tỷ đồng. Trường Đại học Luật TPHCM giảm trừ giá trúng thầy là hơn 647 triệu đồng. Đại học Huế thu hồi số tiền hơn 700 triệu về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ.

Trường Đại học Y –Dược (Đại học Huế) giảm trừ giá trị quyết toán số tiền hơn 485 triệu đồng. Học viện Nông nghiệp Việt Nam giảm trừ giá trị quyết toán số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Trường Đại học Vinh giảm trừ giá trị khi thanh toán số tiền hơn 1 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu các chủ đầu tư dự án tổ chức rà soát lại hồ sơ các gói thầu chưa được kiểm tra, kiểm toán...

Phương Thảo