Thầy Đỗ Tấn Ngọc: xin đừng thay đổi, cải cách thi cử nữa!

24/08/2017 06:00
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Theo chúng tôi, năm học 2017-2018 và các năm tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tiếp tục giữ ổn định về hình thức thi và xét tuyển sinh Đại học như năm qua.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Đỗ Tấn Ngọc - người thầy đang trực tiếp giảng dạy tại một trường trung học phổ thông của tỉnh Quảng Ngãi về vấn đề thi cử.

Thầy Đỗ Tấn Ngọc cho rằng không nên thay đổi, cải cách phương thức thi trung học phổ thông quốc gia trong các năm học tới.

Tòa soạn mời quý bạn đọc theo dõi bài viết này, nội dung và văn phong bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 21/8, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình bày tỏ băn khoăn về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia với mục tiêu “2 trong 1”.

Hình ảnh các thí sinh tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Hình ảnh các thí sinh tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay (Ảnh: giaoduc.net.vn)

“Thi trung học phổ thông là đánh giá đa số, để công nhận tốt nghiệp cho học sinh sau 12 năm học. Còn thi đại học là tuyển các em có năng lực vào từng ngành nghề. Vì thế lấy kết quả thi phổ thông để xét tuyển đại học "sẽ rất khó". 

Từ đó, ông Bình đề xuất: “Việc tuyển sinh đại học phải là của các trường. Tùy theo yêu cầu, đặc thù của mình mà các trường đại học sẽ có cách tuyển riêng”. 

Trước đó, một số chuyên gia giáo dục, nhà giáo, đặc biệt các trường Đại học ở tốp đầu từng phân tích, chỉ rõ mặt được, mặt chưa được của  kỳ thi “2 trong 1” đối với việc xét tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng trong 4 năm qua.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tách kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia với thi đại học, trên cơ sở giao quyền tự chủ trong phương thức tuyển sinh cho các trường đại học, để việc tuyển chọn học sinh học đại học chính xác, có chất lượng tốt hơn. 

Có thể nói, nhiều trường Đại học bây giờ chỉ biết lo cho mình, vì lợi ích của trường, của cán bộ, giảng viên mình mà thôi. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ: “Tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường Đại học, Cao đẳng nên không thể năm nào các trường cũng kêu vì thí sinh ảo. 

Ở các nước phương Tây, một sinh viên có thể nhận được thư mời nhập học, học bổng từ rất nhiều trường nhưng em đó cũng chỉ nhập học một trường. Tôi đề nghị các đồng chí phải tất cả vì học sinh”. 

Thầy Đỗ Tấn Ngọc: xin đừng thay đổi, cải cách thi cử nữa! ảnh 2

Bộ Giáo dục-Đào tạo tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học mới

Tôi cũng như nhiều cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo đang quản lý và giảng dạy ở trường trung học phổ thông thiết tha đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng thay đổi, xáo trộn nhiều nữa về phương thức thi trung học phổ thông quốc gia trong các năm học tới.

Bởi lẽ, thầy, trò bậc trung học phổ thông của chúng tôi đã quá hoang mang, mỏi mệt, áp lực với những thay đổi, cải tiến liên tục, xoành xoạch ở nhiều năm qua.

Nay tự luận, môn thi; mai trắc nghiệm, bài thi tổ hợp… Nay thi ở địa phương, mai tổ chức thi ở ngoại tỉnh, các trường đại học…

Hình thức kiểm tra, thi cử đổi thay dẫn đến phương pháp, cách dạy, cách học của giáo viên và học sinh phải thay đổi theo đến chóng mặt. 

Hơn nữa, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh Đại học năm 2017 được đánh giá là khá thành công trên nhiều phương diện (nhẹ nhàng, tiện ích, bớt áp lực, đỡ tốn kém cho phụ huynh học sinh và ngân sách nhà nước…). 

Thành công, ưu điểm vượt trội như vậy, tại sao lại muốn phá bỏ đi hoặc thay đổi, cải tiến quá lớn để rồi gây nên cuộc “hành hạ”, “làm khổ” mới đối với hàng triệu giáo viên, học sinh và phụ huynh cả nước? 

Theo chúng tôi, ở năm học 2017-2018 và các năm tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tiếp tục giữ sự ổn định về hình thức thi và xét tuyển sinh Đại học như năm vừa rồi, chỉ cần điều chỉnh về mặt kỹ thuật, tập trung nâng cao chất lượng, phân hóa tốt hơn khâu ra đề là ổn.

Người viết cho rằng, nhà trường, thầy cô giáo, các em học sinh và các bậc phụ huynh đều mong muốn như thế và Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có những định hướng cụ thể ngay từ đầu năm học này để thầy - trò yên tâm dạy và học cho tốt.

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thày cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn, cùng thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng!

ĐỖ TẤN NGỌC