Thầy Khắc Hiếu 'tư vấn' TS tháo gỡ tâm lý lo lắng trong khi thi

29/06/2013 06:50
Xuân Trung
(GDVN) -  Chỉ còn chưa tới một tuần nữa kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 bắt đầu, thời gian này rất nhiều sĩ tử đang băn khoăn không biết chuẩn bị những gì trước khi bước vào phòng thi. Tháo gỡ chuyện này, Thạc sĩ tâm lí Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM) đã làm clip “”bày mưu” tỉ mỉ.
Với thông điệp dễ hiểu, gần gũi, hài hước dí dỏm, mỗi sản phẩm thầy Hiếu cho ra mắt luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ giới trẻ không chỉ vì tính giải trí mà còn là những bài học rất sâu sắc về từng chủ đề.
Trước kỳ thi đại học, thầy Khắc Hiếu đã cho ra clip “Đi thi thôi mà” để ủng hộ tinh thần dành cho các sĩ tử chuẩn bị ứng thí trong kỳ thi đại học năm 2013. 
Ngưỡng cửa đại học luôn là một niềm mơ ước và là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Việc chuẩn bị thế nào, cách ứng phó trước những tình huống tưởng chừng dễ dàng nhưng lại rất khó khăn trong phòng thi là những điều ít thí sinh nào nắm rõ.

Từ chuyện tâm lí lo sợ, không vững vàng đến những tình huống khó đỡ trong phòng thi như giám thị khó tính, bị thí sinh khác làm phiền đều được thầy Khắc Hiếu diễn tả trong clip hết sức tài tình và không kém phần dí dỏm.

Thi đại học chỉ là "Đi thi thôi mà". Ảnh Facebook thầy Khắc Hiếu.
Thi đại học chỉ là "Đi thi thôi mà". Ảnh Facebook thầy Khắc Hiếu.

Một nguyên tắc chung trước ngày thi mà theo thầy Khắc Hiếu là phải khỏe về thể chất, những thi là những ngày sĩ tử phải ở đỉnh cao phong độ của sức khỏe. Muốn làm bài thi tốt phải khỏe cả tinh thần, phải tự tin mới có kết quả tốt nhất.
Xóa tan tâm lí hồi hộp
Clip “Đi thi thôi mà” như một thông điệp gửi tới các sĩ tử hãy có tâm lí thật thoải mái trước khi thi. Và, trong thời gian thi thí sinh ắt hẳn sẽ gặp rất nhiều tình huống khác nhau, để tránh rơi vào bị động, thầy Khắc Hiếu cho rằng, trước hết là tâm lí hồi hộp, hầu như nhiều thí sinh rơi vào trạng thái này.
Theo thầy Khắc Hiếu, khi rơi vào trạng thái này có một số cách giải quyết như sau: Cách thứ nhất, có thể uống một ngụm nước để tự trấn an. Một ngụm không ăn thua, uống hai ba ngụm. Nuốt nước vào giống như nuốt nỗi sợ vào trong. Cách thứ hai, tìm cái gì để nhai. Nên mang theo một vài viên kẹo socola hay viên vitamin C chẳng hạn, để trong bọc nylon trong suốt. Nhai, nhai, nhai là cách mát xa cho não, trấn an tinh thần.
Có một cách khác là quay sang, cười với người bên cạnh. … Hay cười với cái gì cũng được. Nụ cười sẽ truyền tín hiệu về não, dập tắt trạng thái hồi hộp của não. Nếu bạn đẹp, có thể trò chuyện vài câu cùng người kế bên. Hoặc mát xa. Ngồi thả lỏng toàn thân. Bóp ngón. Vặn người. Nhổ tóc. Xoa mắt. Xoay thái dương.
Theo kinh nghiệm của thầy Hiếu, một cách nữa cũng giúp thí sinh tránh hồi hộp, đó là tâm lí tự mình hù mình khi cứ tưởng tượng linh tinh: nào là thi rớt, không biết đề khó không, không giải được thì làm sao, mình chết mất… Chính những suy nghĩ đó làm cho não bất an và bật trạng thái báo động cho cơ thể, khiến cơ thể chúng ta hồi hộp.

Tâm lí hồi hộp vào phòng thi khiến nhiều thí sinh không làm được bài, để có kết quả tốt các thí sinh cần phải bình tĩnh. Ảnh Facebook thầy Khắc Hiếu.
Tâm lí hồi hộp vào phòng thi khiến nhiều thí sinh không làm được bài, để có kết quả tốt các thí sinh cần phải bình tĩnh. Ảnh Facebook thầy Khắc Hiếu.

“Vì vậy, hãy nghĩ đến cái gì tích cực hơn như: nghĩ đến nội dung mà mình nắm chắc, nghĩ đến cha mẹ, người yêu, nghĩ tới cái áo mới mình đang mặc, hay nghĩ tới nhan sắc của mình, nghĩ tới số người rớt đại học vẫn thành công thành đạt. Có gì ghê gớm đâu, thử sức thôi mà!” thầy Hiếu cho hay.

Gặp đề khó nên làm gì?

Một vấn đề nữa khiến nhiều thí sinh lo lắng là trong lúc nhận đề thi, gặp phải dạng đề khó hoặc lạ sẽ rất dễ rơi vào tâm lí hoảng loạn, lo lắng, dẫn đến tâm lí làm bài không tốt.

Giải quyết cách này, thầy Khắc Hiếu có hai “chiêu” gửi tới các thí sinh. Thứ nhất, thấy đề quá dài, ở dạng này nên biết, thường đề dài là đề dễ. Mặt khác, cùng 1 khoảng thời gian, mà đề dài thì nghĩa là phần trả lời cần phải ngắn đi. Cho nên, không có đề nào quá dài, chỉ có mình nghĩ nó dài mà thôi.

Thứ hai, dạng đề khó ở những câu hỏi đầu khiến thí sinh thấy mệt, hoảng loạn tinh thần. Thầy Hiếu khuyên: “Nếu bí câu này, hãy tìm câu khác để làm. Nếu bí tất tần tật, hãy dừng lại, bỏ nó đi, hít thở thật sâu, mát xa mặt, nhai viên kẹo, uống ngụm nước, coi như restar lại não bộ. Rồi đọc lại đề. Nếu vẫn chưa tìm ra lối đi, cứ giải đại, viết đại, rồi từ từ kiến thức được tập hợp, tư duy dần sáng suốt. Thấy đề khó, đừng nản, vì nó không chỉ khó với mình. Cả triệu thí sinh khác cũng đang thấy khó. Đó là cái khó chung mà”.

Bí quyết gỡ nhiều rắc rối trong phòng thi

Theo thầy Khắc Hiếu, trong mỗi phòng thi đều có nỗi lo này nỗi lo kia, nào là giám thị, nào là bạn cùng phòng…Các bạn đừng lo. Thầy Khắc Hiếu chia sẻ, đối với nỗi lo giám thị khó tính biểu hiện ra nét mặt khiến nhiều thí sinh hốt hoảng. Đừng sợ, nên nhớ giám thị là để giúp cho thí sinh làm bài tốt nhất một cách công bằng. Chức năng của giám thị là để giúp đỡ & để bảo vệ sự công bằng. Thế nên, sao lại sợ người được phân công giúp đỡ mình?
Để thực hiện được Clip vui nhộn nhưng không kém phẩn định hướng, giáo dục, thầy Khắc Hiếu đã phải nhờ tới nhiều bạn bè cùng mình thực hiện. Ảnh Facebook thầy Khắc Hiếu.
Để thực hiện được Clip vui nhộn nhưng không kém phẩn định hướng, giáo dục, thầy Khắc Hiếu đã phải nhờ tới nhiều bạn bè cùng mình thực hiện. Ảnh Facebook thầy Khắc Hiếu.

Cũng có nhiều giám thị hơi ồn ào, thích phát biểu khiến thí sinh mất tập trung. Thầy Hiếu khuyên, nên thông cảm vì giám thị trông thi buồn lắm, không có chuyện gì làm nên lâu lâu nói vài câu cho đỡ buồn ngủ.

“Nếu giám thị ồn quá thì cứ giơ tay xin phát biểu: Cô ơi, phòng thi hơi ồn, nên tụi em bị mất tập trung. Mong Cô thông cảm ạ. Kèm theo ánh mắt long lanh và nụ cười không thể dễ thương hơn” thầy Hiếu nói.

Một rắc rối nữa trong phòng thi là đến ngay chính thí sinh cùng phòng với mình, điều này ít ai có thể tránh. Có thể thí sinh cùng phòng có những cử chỉ gây mất tập trung như bấm bút, xin giấy nhiều, nộp bài sớm…

Đừng lo, theo nhận định của thầy Hiếu có thể là xin giấy là để làm lại, bấm máy tính chưa chắc bấm đúng, đi thi đại học ai nộp sớm là khờ. Giám khảo chấm nhiều bài nộp 3 trang giấy mà chỉ chưa đầy 2 điểm, vì viết linh tinh lung tung lang tang. Theo thầy, thân mình mình lo, đừng đứng núi này trông núi nọ.

Một tâm lí khiến nhiều thí sinh chán nản không muốn làm bài hoặc thi tiếp, đò là môn trước làm kém nên các môn sau làm coi như bỏ mặc. Thầy Khắc Hiếu ví von, thu hiệp 1 ta phải hăng hái đá gỡ hiệp hai. “Một cái cây bị bão quật te tua xong nó còn biết hướng lên. Không lẽ mình thua cái cây đó? Không lẽ bỏ cuộc từ cơn gió ngược đầu tiên?”. Mời độc giả cùng xem Clip "Đi thi thôi mà" do thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu thực hiện:
Xuân Trung