Thầy Tuấn, người gieo mầm nhân ái

17/11/2018 06:09
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Nghe đồng nghiệp ca ngợi về người thầy, gieo mầm nhân ái ở Trường Trung học cơ sở Hòa Hội đã lâu, tôi quyết tâm vượt đường xa “thập mục sở thị”.

Nghe đồng nghiệp ca ngợi về người thầy, gieo mầm nhân ái ở Trường Trung học cơ sở Hòa Hội đã lâu, tôi quyết tâm vượt đường xa “thập mục sở thị”. 

Đường vào Trường Trung học cơ sở Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vừa nhỏ, vừa xấu, thế nhưng người dân ở đây nói, so với trước cũng là tốt lắm rồi.

Tôi ghé vào quán nước bên đường nghỉ mệt, bà chủ quán xởi lởi bắt chuyện:

- Chắc chú ở xa, mới tới Hòa Hội lần đầu?

Được lời như cởi hết mệt, tôi hỏi bà về thầy Hoàng Anh Tuấn, bà chủ quán rạng rỡ nét mặt:

- À, chú hỏi thầy Tuấn từ thiện à, cả xã này, người lớn, trẻ con, ai mà chẳng biết. Thầy sống giản dị, nhưng tấm lòng Bồ Tát.

Tui có thằng cháu, học cấp hai, ngổ ngáo có tiếng, vậy mà từ ngày đi thiện nguyện cùng thầy, nay trở nên hiền lành, hiếu thảo, tui mừng, cảm ơn thầy Tuấn nhiều lắm.

Thầy Hoàng Anh Tuấn, đứng giữa, cùng học sinh đi làm việc thiện nguyện ở chùa Từ Ân. Ảnh: Sơn Quang Huyến
Thầy Hoàng Anh Tuấn, đứng giữa, cùng học sinh đi làm việc thiện nguyện ở chùa Từ Ân. Ảnh: Sơn Quang Huyến

Tốt nghiệp sư phạm Vật lý năm 2003, thầy Hoàng Anh Tuấn về công tác tại Trường Trung học cơ sở Hòa Hội cho đến nay. Biến cố cuộc đời, năm 2011, bố của thầy mất.

Trước khi mất ông có dặn “Chừ ba có hơn trăm triệu, anh em con cũng ổn định cả rồi, có chia nhau cũng chẳng đáng chi; khi còn khỏe, ba muốn giúp người nghèo khó, chưa làm được; nay ba mất, con thay ba, giúp người nghèo khó nghe”.

Vâng lời, thầy giúp người nghèo trong địa phương, đầu tiên chính là những đứa học trò nghèo; rộng ra là những hộ nghèo khó trong xã.

Số tiền ba để lại chẳng mấy chốc cũng hết, cứ vậy, hàng tháng thầy lại trích một phần lương của mình, giúp đỡ người nghèo khó hơn. Ngoài ra, khi gặp người bắt động vật hoang dã, thầy mua những con vật còn sống, vào rừng phóng sinh.

Ba thầy đi, rồi đến mẹ, trước khi mất, bà cũng có nguyện ước, nhờ con trai dùng tài sản của mình làm việc thiện.

Thầy Tuấn, người gieo mầm nhân ái ảnh 2Cô giáo mầm non chiến thắng bệnh ung thư bằng niềm yêu thương con trẻ

Chẳng kêu gọi ai, chính việc thầy làm, thầy trở thành nơi tin cậy, của những người muốn sẻ chia với người nghèo.

Giáo viên trong trường, thỉnh thoảng lại góp vào, lần năm trăm, khi cả triệu bạc nhờ thầy gửi đến người nghèo.

Để giáo dục lòng yêu thương con người với học trò lớp mình chủ nhiệm, thầy mời các em cùng đến cơ sở nuôi dạy trẻ em khuyết tật, chùa, làm việc thiện nguyện.

Chính tiếp xúc, giúp đỡ những người có cuộc sống không may mắn bằng mình, nhiều em đã thay đổi hẳn.

Nhận thấy việc thay đổi đó, nhiều gia đình đã chủ động nhờ thầy đưa các em đi phát quà cho các cụ già neo đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Việc phát quà, trao đổi với người nhận quà đều do các em đảm nhận. Chính sự tiếp xúc này, các em hiểu hơn giá trị nhân văn khi giúp đỡ người khác.

Của cho không bằng cách cho, trao quà cho người nghèo, trao quà bằng lòng nhân ái. Sau mỗi lần phát quà nhân ái trở về, trên xe trở nên trầm lắng hẳn; các em đã học được, trải nghiệm về lòng nhân ái, cho đi là còn mãi.

Khi nói về đồng nghiệp của mình, cô Hiền, giáo viên dạy Hóa học nhận xét: “Thầy Tuấn làm việc thiện, giáo dục lòng nhân ái cho học trò và … cả em nữa thầy ạ. Học trò được đi làm thiện nguyện về, trở nên thân thiện với bạn bè, kính cẩn với thầy cô.

Thỉnh thoảng chúng em lại gửi thầy triệu bạc, nhờ thầy giúp người nghèo, chẳng đáng là bao, song thấy lòng thanh thản, vui vẻ hơn”.

Giáo dục lòng nhân ái cho học trò, hướng cho học trò làm việc tốt, trở thành người tốt, người có ích cho xã hội; không cần nói, mình cứ làm việc tốt, trở thành tấm gương cho học trò noi theo, đó là cách đơn giản nhất thầy ạ”, tâm sự của thầy Hoàng Anh Tuấn khi chia tay.

Chúc thầy thật nhiều sức khỏe, có nhiều cống hiến cho cộng đồng, gieo mầm nhân ái cho thật nhiều học sinh hơn nữa.

Sơn Quang Huyến