Thầy Võ Văn Minh và kế sách 4C thay đổi vị thế người thầy

11/08/2017 06:05
Phó Giáo sư Võ Văn Minh
(GDVN) - Triết lý giáo dục như 1 slogan để hướng cả xã hội cùng thấu hiểu, cùng chung tay xây dựng và cùng chia sẻ trách nhiệm.

LTS: Tiếp tục chia sẻ về những băn khoăn, lo lắng khi chất lượng đầu vào của các ngành sư phạm quá thấp, đời sống giáo viên vất vả.

Phó Giáo sư Võ Văn Minh – Phó hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng chỉ ra những việc cần phải làm ngay để phát triển đội ngũ giáo viên cũng như ngành giáo dục xứng tầm là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hãy lưu giữ và truyền tải hình ảnh đẹp của thầy cô

Nếu so sánh với các ngành quân sự, công an – không thu học phí, lương cao, không cần xin việc – thì rõ ràng ngành sư phạm không hấp dẫn hơn cũng là lẽ tất nhiên trong thời buổi này.

Triết lý giáo dục không phải để lãnh đạo ngành giáo dục hiểu, giáo viên hiểu, học sinh hiểu mà cả xã hội thông suốt cùng chung tay hành động. Ảnh: giaoduc.net
Triết lý giáo dục không phải để lãnh đạo ngành giáo dục hiểu, giáo viên hiểu, học sinh hiểu mà cả xã hội thông suốt cùng chung tay hành động. Ảnh: giaoduc.net

Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ cũng không phải là vấn đề tất cả. Xưa nay, ở đất nước ta hình như đã mặc định việc yêu quý nghề giáo không phải vì thu nhập cao mà vì những lý tưởng cao đẹp hơn.

Tôi cũng đã từng như vậy! Trước đây, đối với thầy cô giáo, học trò ở bậc nào cũng quý trọng, phụ huynh quý trọng, xã hội quý trọng… từ lời nói đến hành động.

Thầy Võ Văn Minh và kế sách 4C thay đổi vị thế người thầy ảnh 2

“Con nhà giáo có bao nhiêu em nối nghiệp cha mẹ?”

Gần đây, sự thay đổi của xã hội cũng tạo ra nhiều cách nghĩ khác nhau cùng với dư luận, công luận phản ánh về ngành giáo dục ở một khía cạnh không tốt nhiều hơn, nên hình ảnh đẹp ấy mất dần.

Sự thay đổi liên tục trong giáo dục đã tạo quá nhiều áp lực đối với giáo viên. Sự sáng tạo, sự yêu nghề của giáo viên cũng dần mất đi ở một bộ phận giáo viên là điều có thật.

Tất cả những yếu tố đó đã tác động vào suy nghĩ của học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Mặt khác, công tác hướng nghiệp ở phổ thông cũng chưa thực sự tốt. Việc chọn ngành học cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan khác, chưa hoàn toàn xuất phát từ yêu thích, đam mê của các em…

Do vậy, những em chọn ngành sư phạm để học không còn “sang trọng” như trước, đã ảnh hưởng không nhỏ đến các em học giỏi yêu nghề giáo viên khi quyết định chọn trường để học.

Tôi cho rằng, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội cũng cần đầu tư nghiên cứu các vấn đề thuộc về bản chất, quy luật xã hội để tư vấn xây dựng chính sách hợp lý.

Cũng như định hướng xã hội, tránh cách nhìn trực diện vào các hiện tượng xã hội cũng như nghe và phản ứng theo dư luận xã hội.

“4C” để phát triển đội ngũ giáo viên

Cũng như ở các lĩnh vực khác trong xã hội, muốn thay đổi căn bản cần phải có “4C” sau: (1) Chiến lược rõ ràng, (2) Chương trình hành động cụ thể, (3) Chính sách hợp lý và (4) Chế tài nghiêm minh.

Thầy Võ Văn Minh và kế sách 4C thay đổi vị thế người thầy ảnh 3

Vì đâu mà đầu vào ngành sư phạm rơi vào thảm cảnh thấp chưa từng có?

Trước hết, Chính phủ cần tuyên bố một triết lý giáo dục đơn giản, dễ hiểu làm kim chỉ nam cho sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà. Tôi cho rằng dù vô hình nhưng có tính chất quyết định.

Cái này không phải để lãnh đạo ngành giáo dục hiểu, giáo viên hiểu, học sinh hiểu mà cả xã hội thông suốt cùng chung tay hành động.

Cứ nói đến triết lý giáo dục thì nhiều người vẫn quanh co và cũng có người cho rằng nó là cần thiết nhưng chưa cấp thiết.

Nhưng cá tôi nhận thức rằng rất cấp thiết, vì giáo dục - đào tạo là nhiệm vụ của toàn xã hội chứ không phải của riêng ngành giáo dục.

Triết lý giáo dục như 1 slogan để hướng cả xã hội cùng thấu hiểu, cùng chung tay xây dựng và cùng chia sẻ trách nhiệm…

Thứ hai, giáo dục là nhiệm vụ xây dựng đất nước. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai dân tộc, cho sự phát triển bền vững quốc gia nên phải có một chiến lược phát triển hết sức rõ ràng từ đường hướng, tư tưởng đến nguồn lực…

Chương trình hành động cụ thể hóa các mục tiêu phải hết sức cụ thể, có lộ trình rõ ràng và phải được công bố cho toàn xã hội biết để thực hiện và cho toàn xã hội cùng tham gia giám sát.

Thứ ba, ngân sách dành cho giáo dục phải luôn được đảm bảo, cắt giảm gì thì cắt nhưng đối với giáo dục – đào tạo không được cắt.

Cái này phải được luật hóa mới thể hiện sự quan tâm đối với lĩnh vực “quốc sách hàng đầu”.

Tôn trọng ngành giáo dục và đội ngũ nhà giáo từ những việc rất cụ thể, chẳng hạn như quy hoạch đất dành cho giáo dục phải hợp lý, ưu tiên tuyển chọn giáo viên tốt, lựa chọn sách giáo khoa, thiết bị phục vụ tốt nhất, có lộ trình tăng thu nhập cho giáo viên rõ ràng, khen thưởng những gương điển hình phải thực chất, kịp thời,…

Cuối cùng, phải kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực trong giáo dục – đào tạo. Ở đây, không phải là vấn đề đã gây hậu quả hay chưa gây hậu quả, không phải thiệt hại nhiều hay ít… mà là vấn đề quốc gia, là vấn đề liên quan đến tương lai dân tộc, nên phải kiên quyết xử lý.

Hướng đến xây dựng một nền giáo dục đúng nghĩa “giáo dục”. Không phải chỉ có toàn ngành giáo dục quyết tâm mà cả hệ thống chính trị quyết tâm thì mới vực dậy nền giáo dục nước nhà.

Xin đừng thể hiện sự quan tâm kiểu lo lắng mà hãy bằng sự quyết tâm chính trị với hành động cụ thể mới mong có được một nền giáo dục xứng tầm.

Phó Giáo sư Võ Văn Minh