Thấy cách phụ huynh dạy con, tôi hoang mang quá!

15/10/2016 07:49
Thùy Linh (ghi)
(GDVN) - Mỗi ngày làm việc, tôi gặp nhiều câu chuyện về cách dạy con của phụ huynh nhiều lúc làm tôi cảm thấy dường như mình bất lực.

LTS: Trung thực là một trong những phẩm chất đặc biệt quan trọng, không thể thiếu để hình thành nhân cách của một con người.

Nhưng trung thực không tự nhiên mà có, muốn hình thành được phẩm chất này cần phải có một quá trình giáo dục, bồi dưỡng lâu dài, cùng với ý thức tự rèn luyện của bản thân. 

Việc hình thành phẩm chất trung thực cho trẻ cần phải được chú ý đến từ rất sớm. Trong đó, vai trò cơ bản trước hết thuộc về những người làm cha, làm mẹ.

Nhưng thực tế, một số bậc phụ huynh chưa làm tròn trách nhiệm, vai trò của mình trong cách dạy con phẩm chất này. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trích lại câu chuyện về cách dạy con của một vị phụ huynh mà cô Văn Thùy Dương – Phó hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh được tận mắt chứng kiến và có dịp đối thoại trực tiếp. 

Câu chuyện này cũng là lời cảnh báo gửi các bậc phụ huynh trong cách nuôi dạy con cái, khi cha mẹ chưa gương mẫu thì đừng mong đến một sản phẩm giáo dục tốt. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu câu chuyện cùng độc giả. 

Chiều thứ 6, lớp 7 mất một chiếc điện thoại.

Tối thứ 6, mẹ của học sinh bị mất điện thoại và cô giáo chủ nhiệm gọi điện vào số máy bị mất nhưng chỉ nghe thấy chuông, không ai nhấc máy. 

Sáng thứ 7, cô giáo chủ nhiệm vào lớp và điều tra sơ bộ, thấy một học sinh có nhiều biểu hiện không bình thường và một vài hành vi đáng quan tâm nên trưa cùng ngày, cô giáo điện thoại cho bố học sinh nói chuyện hỏi han một vài thông tin liên quan.

Lúc ấy, cô giáo chỉ nhận được phản ánh từ phụ huynh của học sinh là điện thoại của con mình bị vỡ màn hình. 

Sau khi nói chuyện với phụ huynh và không nhận được bất cứ thông tin nào khác, cô vào mở camera và phát hiện thêm nhiều việc không bình thường. Cô lập tức mời phụ huynh tới trường trao đổi. 

Phụ huynh tới trường và được xem toàn bộ camera, lúc đó là 3 giờ chiều thứ 7. 

Trẻ em Nhật được bố mẹ dạy dỗ nghiêm túc việc trả lại đồ đánh rơi (Ảnh: vietnamnet.vn)
Trẻ em Nhật được bố mẹ dạy dỗ nghiêm túc việc trả lại đồ đánh rơi (Ảnh: vietnamnet.vn)

Sau 22 giờ điện thoại bị mất, vị phụ huynh này mới nói với cô giáo chủ nhiệm là con mình nhặt được 1 chiếc điện thoại, cháu nói nhặt được ở trường.
 
Vị phụ huynh này về nhà lấy điện thoại mà con nhặt được và mang đến cho cô giáo chủ nhiệm.

Và chiếc điện thoại đó chính là chiếc điện thoại bị mất.

Theo lời kể của cô Văn Thùy Dương:

"Khi đó, tôi có hỏi phỏng vấn học sinh vài câu như sau:

- Con nhặt được điện thoại ở đâu?

Học sinh: Ở trong nhà vệ sinh ạ.

- Có ai thấy con nhặt được không?

Học sinh: Không ai thấy ạ.

- Con có biết việc bạn mất điện thoại không?

Học sinh: Con có biết ạ.

- Có lúc nào con nghĩ đó là điện thoại của bạn không? 

Học sinh: Không trả lời. 

- Bạn mất điện thoại con có buồn cho bạn không?

Học sinh: Không ạ, con mất con mới buồn. Bạn mất con không buồn.

- Tại sao con nhặt được của rơi ở trường mà không mang lên Văn phòng để cô tìm người bị mất và trả lại?

Học sinh: Tại bố mẹ con bảo nhặt được thì mang về cho bố mẹ rồi bố mẹ làm gì thì làm, con không biết.

- Thế con đưa cho bố mẹ điện thoại và nói thế nào?

Thấy cách phụ huynh dạy con, tôi hoang mang quá! ảnh 2

Chúng ta đã thực sự hiểu con và hiểu mình?

(GDVN) - Để nuôi dạy con tốt đòi hỏi phụ huynh phải kiên nhẫn, lắng nghe và thấu hiểu con.

Học sinh: Con nói con nhặt được ở trường . 

- Thế bố mẹ làm gì?

Học sinh: Bố mẹ cầm điện thoại và con không biết bố mẹ làm gì".

Khi đó, tôi nói thêm với học sinh: "Nhặt được tiền ở nhà không gọi là bắt được vì tiền đó chắc chắn của ai đó trong gia đình.

Nhặt được đồ ở trường không có nghĩa là mang về nhà vì nó chắc chắn là tài sản của ai đó trong trường, có thể là của thầy cô, bạn bè, của các bác bảo vệ, lao công bởi vậy phải báo lại với Văn phòng trường để tìm người mất.

Nếu nhặt được ở ngoài đường, phải tìm cách để trả lại cho người đánh rơi. Tại sao con không làm như thế?" nhưng học sinh này không trả lời. 

Đến khi gặp phụ huynh, tôi chỉ đưa ra cho phụ huynh những thông tin về con, không kết luận gì. Tuy nhiên tôi cũng hỏi phụ huynh một vài câu hỏi. 

- Khi cháu đưa máy về cho anh, cháu nói với anh thế nào ạ?

Phụ huynh: Cháu nói cháu nhặt được máy ở trường 

- Anh đã làm gì sau khi cháu đưa máy cho anh vậy? Anh có những động tác nào đó hướng dẫn con, chỉ cho con cách tìm người bị mất máy không? 

Phụ huynh: Tôi chưa làm việc đó. 

- Lúc đó máy đang tắt hay đang mở ạ?

Phụ huynh: Lúc đó máy tắt chị ạ. 

- Sao anh không điện thoại báo cho cô chủ nhiệm hoặc nói con điện thoại cho cô để báo việc này mà chỉ đến khi cô điện thoại cho anh, thậm chí là phải mời anh tới trường thì mới biết được thông tin cháu nhặt được máy?

Tôi nói thêm: "Nếu là tôi, tôi sẽ tranh thủ trường hợp này dạy cháu cách tìm ra chủ nhân của máy.

Chúng ta có nhiều cách hướng dẫn cho con để sau này con không cần phải cầm về đưa cho bố mới tìm được người bị mất mà cháu có thể thao tác ngay được.

Việc này nó có ý nghĩa ở từng thời điểm. Có những trường hợp nếu cháu mang về cho anh để anh xử lý nhưng các bạn lại thấy cháu cầm máy trong người thì các bạn cháu sẽ nghĩ sao?

Thấy cách phụ huynh dạy con, tôi hoang mang quá! ảnh 3

Xin đừng dạy con như thế!

(GDVN) - Trẻ lười nhác, vô lễ phần lớn phụ thuộc vào cách dạy và giáo dục các em trong mỗi gia đình, thế nên, ba mẹ phải luôn là tấm gương để con cái noi theo.

Và tôi cứ nghĩ mãi về việc cháu sẽ nghĩ gì khi đưa về cho bố mẹ một chiếc máy mà nó nhặt được và bố mẹ cầm máy mà không hề giải thích hay hồi âm cho con là sẽ làm gì với chiếc máy đó.

Kỳ lạ là từ khi điện thoại bị mất, rất nhiều lần máy rung chuông nhưng không ai nhấc máy.

Và khi chiếc máy được mang đến giao cho cô chủ nhiệm, nó được xác định đúng là máy của học sinh bị mất, chỉ có điều máy đã bị cài đặt lại, xoá hết số điện thoại của các bạn trong lớp, của mẹ và toàn bộ ghi nhớ cũng bị xoá hết.

Anh có thể cho tôi biết, anh nghĩ ai có thể làm điều này? Vì con anh khai nhặt được lúc 4 giờ 30 mà lúc đó cũng là bạn bị mất máy lên tủ đựng máy lấy lại máy của mình? 

Phụ huynh đáp: Tôi là người cài đặt lại máy để xem trong máy có gì?

Nghe đến đây, tôi không muốn hỏi thêm nữa và theo anh ý, cháu chẳng có một lỗi gì. Cháu ngoan, nhặt được gì đều đưa về cho bố mẹ... 

Còn tôi, nghĩ về việc nhìn thấy những chiếc xe máy để ngoài đường với những chiếc chìa cắm nguyên ở ổ, tận tai nghe kể rằng đồ đạc của các hộ không cần trông coi, không đóng cửa cả đêm cũng không mất mà bỗng thấy... trăn trở. 

Chúng ta dạy các con trung thực như thế nào cho đúng? Hay đành phó mặc "cha mẹ sinh con trời sinh tính". 

Mỗi ngày làm việc, tôi gặp nhiều câu chuyện về cách dạy con của phụ huynh nhiều lúc làm tôi cảm thấy dường như mình bất lực.

Thùy Linh (ghi)