Thầy cô cũng mong Tết như học trò

23/01/2019 07:12
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Thưởng Tết, có hay không, không quan trọng, họ tạo ra “tiền thưởng” cho mình từ mồ hôi và cả … nước mắt “ngậm ngùi”.

LTS: Để có hình ảnh chỉn chu, tử tế trước mặt học trò, nhiều giáo viên đã phải làm thêm, lao động cật lực để kiếm thêm thu nhập ngày Tết.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của thầy giáo Sơn Quang Huyến về chủ đề này.

Nhiều giáo viên mong chờ ngày nghỉ Tết để được thư giãn, nghỉ Tết, học trò không “phải đi học thêm”, giáo viên không “làm thêm” nữa.

Tết đến, ngày “tất toán” công nợ của học trò còn thiếu, vì vậy giáo viên dạy thêm được, mong chờ ngày Tết “như học trò”!

Với giáo viên dạy thêm, Tết mới thực sự được nghỉ ngơi, họ tự thưởng Tết cho mình kì nghỉ dài ngày không hiếm.

Với họ “thưởng Tết” là được hiệu trưởng “bỏ qua, du di, thông cảm”, họ sẽ “thưởng Tết” cho hiệu trưởng mỗi dịp xuân về.  

Với giáo viên không dạy thêm được, ta bắt gặp họ trên mọi nẻo đường mưu sinh dịp Tết.

Để có cái Tết sung túc, nhiều giáo viên phải đi làm thêm. Ảnh: TTXVN
Để có cái Tết sung túc, nhiều giáo viên phải đi làm thêm. Ảnh: TTXVN

Thưởng Tết, có hay không, không quan trọng, họ tạo ra “tiền thưởng” cho mình từ mồ hôi và cả … nước mắt “ngậm ngùi”.

Thầy A. dạy thể dục, có làm thêm nhang, dịp Tết đến, hàng bán chạy gấp mấy lần ngày thường “Cả tháng nay em thức gần trắng, đêm cuốn, ngày phơi, sáng đi bỏ mối, cứ như Tết, chẳng lo đói thầy ạ”. 

Cô C., có nghề tráng bánh, lò bánh nhà cô dịp Tết đỏ lửa 24/24, hết tráng bánh đa, bánh ướt v.v...,  chỉ thấy khách vô ra nhà cô nườm nượp; cô phải mướn thêm mấy “lao động cao cấp” sinh viên về Tết. 

Vườn quýt hồng của nhà cô T. vào vụ Tết, rực cả một góc trời, hết đoàn chụp phim đám cưới này lại đến đoàn khác; vườn cô còn trồng thêm hoa Tết, nghỉ Tết là thời gian vất vả nhất của cả vợ lẫn chồng; năm nay nhờ “dịch vụ giao hàng” của đám sinh viên, nên cô mới ra dáng “bà chủ”. 

Thầy cô cũng mong Tết như học trò ảnh 2Những chuyện vui buồn trong việc thưởng tết hàng năm của giáo viên

Vào các điểm du lịch, bắt gặp không ít “dáng thân quen”, trùm kín mặt, tại các bãi giữ xe, soát vé, cứu hộ. 

Vào dịp Tết, các điểm du lịch cần thêm lao động thời vụ, ngày công cao hơn vài lần; cần người “có tóc” làm, giáo viên đăng ký là có việc ngay. 

Trong các nhà hàng, những “tà áo thân thương” trên bục giảng, Tết này lại “xuống phố”.

Cô L. tâm sự “Không làm cũng tiếc thầy ạ, ngày làm mười tiếng, có triệu bạc, ba ngày là bằng tháng lương tập sự của em rồi.

Nhưng ngại nhất là gặp người quen, học trò. Thôi kệ, Tết mà thầy”. 

Trên “phố hoa”, bắt gặp không ít bảng “Điểm bán hoa cô (thầy)…”.

Nhiều giáo viên nắm bắt cơ hội, lấy sĩ, bỏ lẻ, lấy công làm lời; cũng không ít thầy cô sau Tết đổ nợ vì “bán hoa”.

Cuộc sống, “đói, đầu gối phải bò”, với đồng lương “khiêm tốn”, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, thế nhưng nhà giáo không thể “xấu” trước mắt học trò, phụ huynh. 

Để có hình ảnh “tươm tất, quý phái” trên bục giảng, phần nhiều giáo viên phải làm cật lực ngoài giờ. 

Họ đang “xấu che, tốt khoe” làm đẹp hình ảnh của mình; lao động là vinh quang, nghề dạy học với các thầy cô kiếm thêm tiền dịp Tết càng trở nên cao quý, đáng trân trọng hơn nhiều. 

Sơn Quang Huyến