Đề Vật lí không thể học tủ
Thầy giáo Nguyễn Hoài Anh, giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội cho hay:
Đề Vật lí năm nay không đánh đố học sinh, không có kiến thức lạ, nằm trong chương trình phô thông (lớp 11 chiếm 20%; lớp 12 chiếm 80%), số lượng câu vận dụng cao (câu khó) khoảng 3 câu (điện xoay chiều, dao động cơ, sóng cơ).
Với đề Vật lí năm nay, thầy Anh cho rằng học sinh không thể học tủ, vì kiến thức rất rộng và trải dài chương trình lớp 11, lớp 12.
So với những đề năm trước, đề năm nay đòi hòi học sinh phải tính toán nhiều hơn, chỉ có 12 câu không phải tính toán.
Đặc biệt có 20 câu phải tính toán nhiều, điều này theo thầy Anh, học sinh để đạt được điểm 5 là khả thi nhất với học lực trung bình, với đỉnh của phổ điểm có thể nằm trong khoảng 6 đến 7 điểm, lượng trên 8 điểm sẽ ít hơn năm trước.
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+) |
Thầy Anh cho rằng mức độ phân hoá phụ thuộc vào tốc độ làm bài của học sinh là chính, vì các câu đều có hiện tượng vật lí quen thuộc, chủ yếu đòi tính toán dài.
Do đó khả năng để có thể làm hết đề là rất khó.
“Tôi thích đề có hiện tượng vật lí khó, tính toán vừa phải, phân loại học sinh bằng vật lí chứ không phải bằng tốc độ tính toán”, thầy Anh cho biết.
Mong muốn của thầy Nguyễn Hoài Anh, có thể đề cần nhiều câu hỏi khai thác lí thuyết ở trình độ cao hơn, nhiều câu hỏi liên quan tới thực tế hơn.
Đề Sinh học sẽ có trên 100 học sinh điểm 10?
Thầy giáo Thịnh Nam, giáo viên Trường Trung học phổ thông Đoàn Kết – Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng đề Sinh năm nay có độ khó và tính phân loại cao hơn năm 2017.
Số câu vận dụng và vận dụng cao nhiều hơn, cụ thể đề Sinh 2018 có 20 câu vận dụng (8 câu vận dụng và 12 câu vận dụng cao).
Đề có 20% (8 câu) thuộc kiến thức lớp 11, điểm đặc biệt kiến thức lớp 11 chỉ ra vào chương 1 và câu hỏi chỉ tập trung ở mức độ nhận biết (4 câu); thông hiểu 2 câu; vận dụng 2 câu.
Phần câu hỏi vận dụng cao có 6 câu về quy luật di truyền, 4 câu về cơ chế di truyền và biến dị.
Thầy Nam cho rằng, đề Sinh năm nay không quá bất ngờ so với đề minh hoạ và xu thế chung của 2018.
Đề có 20 câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu, câu hỏi này theo thầy Nam rất phù hợp để học sinh dễ dàng đạt được 5 điểm khi nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.
Nhìn chung, nếu nhìn vào nội dung đề Sinh 2018 thì có thể nói rằng Bộ đã thành công trong việc biên soạn một đề thi đạt hai mục đích (xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng).
Phổ điểm đề sinh năm nay, theo thầy Nam học sinh có học lực trung bình khá sẽ phân bố chủ đạo ở khoảng 6 đến 7 điểm.
Đề Sinh có tính phân loại cao nhưng không có dạng bài mới, do đó phổ điểm từ 8 đến 10 điểm sẽ phân bố khá đều.
Dự kiến của thầy Nam ở đề thi này thì số thí sinh đạt 10 điểm tuyệt đối trên dưới 100 em.
Một trang đề thi Vật lí mã đề 208. Ảnh: TTXVN |
Đề Hoá đảm bảo phân loại cao
Cô giáo Trịnh Thị Kim Thu, giáo viên Hóa, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội khẳng định, đề thi Hóa năm nay bám sát chương trình giáo dục phổ thông, như đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đề thi có 20% kiến thức hóa học lớp 11, còn lại là lớp 12.
Theo đánh giá của cô Thu đề khá hay, nhưng không quá lạ, đảm bảo độ phân hóa tốt.
Đề có 20 câu đầu khá dễ, học sinh học lực học trung bình có thể lấy điểm,12 câu tiếp theo dành cho học sinh có sức học khá hơn.
“Lượng câu hỏi lý thuyết (23 câu ~ 60%) và bài tập (17 câu ~ 40%) là khá hợp lý và nhìn chung không thay đổi so với đề thi 2017.
Nói chung, đề thi chủ yếu nằm trong chương trình Hóa 12 (khoảng 32 câu, chiếm 80%), có lồng ghép một phần kiến thức 11 (khoảng 8 câu, chiếm 20%) theo chương trình sách giáo khoa cơ bản hiện hành (đã giảm tải).
Đề thi có độ khó cao hơn năm 2017, đảm bảo độ phân hóa tốt hơn.
Trong đó 20 câu đầu khá đơn giản, nhưng 20 câu sau có độ khó ngày một tăng dần, đặc biệt 8 câu cuối đề đều là những câu phân loại cao và là những bài tính toán phức tạp.
Với đề thi như vậy, đảm bảo tốt phân loại, các trường đại học, cao đẳng thuận lợi cho việc xét tuyển sinh”, cô Thu cho biết.
Cùng suy nghĩ, cô Vũ Thị Phương Quế, giáo viên Hóa học, Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội cho biết, đối với đề thi Hóa học (mã đề 209) có tính phân loại tốt, đáp ứng yêu cầu vừa để xét tốt nghiệp, vừa lấy kết quả tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Nội dung kiến thức chủ yếu ở lớp 12, có khoảng 20% kiến thức lớp 11.
Ấn tượng với đề thi là kiến thức được phủ đều, cân đối giữa câu hỏi lý thuyết và bài tập, có một số câu liên hệ thực tế và thực hành hóa học.
So với đề năm ngoái, độ khó tăng hơn, cách ra đề hay hơn. Học sinh thi để đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp, đạt 5 điểm không khó.
Khoảng 12 câu đầu, hầu như học sinh đọc và có thể có đáp án luôn; bắt đầu có tính phân loại từ câu 21.
Để đạt điểm 8 – 8,5, học sinh có kiến hóa học chắc chắn, chăm chỉ dễ đạt được.
Tuy nhiên, để đạt đến điểm 9-10, ngoài kiến thức chắc chắn, đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng làm bài rất tốt, phản ứng nhanh.
Đề năm nay có một số điểm mới nằm ở phần bài tập phân loại cao (thường là hỗn hợp nhiều phần, nhất là phần hưu cơ).
Ví dụ, câu 73 là kiến thức tổng hợp 2 phần peptit và este; câu 74 là giữa aminoaxit và axit…