Thay đổi cách dạy học trong thời đại công nghệ

25/09/2014 06:41
Hồng Nhung (ghi)
(GDVN) - Thay vì "sản xuất" học sinh, giờ chúng ta phải "canh tác" khai thác hết khả năng của học sinh, chứ không đơn giản truyền đạt kiến thức và học sinh tiếp nhận...

Trong cuộc sống hiện đại, công nghệ trở thành một phần không thể thiếu. Cùng với thời gian, nền giáo dục thế kỉ này cũng khác so với nền giáo dục của thế kỉ trước. Do đó, thay đổi cách dạy trong một nền giáo dục mới, trong thế giới công nghệ có là cần thiết?

Thầy Christopher M.McDonald – Tổng hiệu trưởng Trường phổ thông Liên cấp Olympia (Trung Văn, Hà Nội), người đã có hơn 25 năm giảng dạy tại các trường phổ thông và giảng dạy cho sinh viên các trường sư phạm cũng đưa ra quan điểm về thay đổi cách dạy học, về công nghệ dạy học.

Quan điểm về cách dạy học trong thời đại công nghệ này được thầy Christopher M.McDonald chia sẻ nhẹ nhàng và thú vị trong một buổi semina với chủ đề công nghệ dạy học cho sinh viên Đại học Giáo dục - Đại học quốc gia Hà Nội.

Dạy học sinh kỹ năng tự học hơn là dạy kiến thức

Theo thầy Christopher M.McDonald , nền giáo dục thế kỉ XIX, XX là nền giáo dục công nghiệp dạy dựa trên nền tảng kiến thức học sinh học được, giáo viên sẽ đưa ra “tháp” thông tin cho từng môn học, tháp thông tin môn Toán, tháp thông tin môn Văn, tháp thông tin môn Sử.... Người thầy giáo chỉ truyền đạt kiến thức như những bậc tiên tri đứng ở trên giảng đường cho học sinh, còn học sinh chỉ việc tiếp nhận, tiếp thu một cách thụ động.

Thay đổi cách dạy học trong thời đại công nghệ ảnh 1

Theo thầy Christopher M.McDonald , nền giáo dục thế kỉ XIX, XX là nền giáo dục công nghiệp dạy dựa trên nền tảng kiến thức (Nguồn ảnh: theolympiaschools)

Nhưng giờ thì khác, kiến thức ở đâu, có thể ở ngay trong chiếc điện thoại di động (thầy Christopher giơ chiếc điện thoại lên).

Thế hệ trước (khoảng cách đây 20 năm) tìm hiểu kiến thức bằng cách nào hay bằng cách nào họ có được kiến thức? Theo thầy Christopher, cách đây 20 năm, thế hệ cha mẹ các em có thể lấy kiến thức qua phương thức truyền miệng, qua báo chí, qua sách giáo khoa – đây gần như là cách duy nhất để lấy thông tin làm nguồn kiến thức.

Thay đổi cách dạy học trong thời đại công nghệ ảnh 2Học văn là học chơi với chữ

"Học sinh vẫn ngại, vẫn chán học văn vì học chẳng để làm gì, vì làm bài một kiểu nhưng ra ngoài diễn đạt, thể hiện cái mình nghĩ lại theo cách khác".

Nhưng thời đại bây giờ thì khác, chúng ta có thể lấy thông tin từ vô vàn nguồn khác nhau, thậm chí chỉ với một click ngón tay trên điện thoại. Do đó, cách dạy học của chúng ta phải khác, không thể giống như 20 năm về trước được.

Thay vì cách dạy truyền thống xếp học sinh thành từng cấp bậc theo đường thẳng đi lên, ví dụ như tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông,… cách đó chúng ta gần như “sản xuất” (product) học sinh, thì giờ chúng ta phải “canh tác” (cultivation) khai thác khả năng của học sinh, chứ không đơn giản truyền đạt kiến thức và học sinh tiếp nhận nữa. Đấy chính là cách chúng ta sẽ làm trong thời đại này.

Theo thầy Christopher, mỗi học sinh có một khả năng riêng, cảm hứng học tập riêng khác nhau vì thế cần phải có cách dạy khác nhau. Nhiệm vụ của người giáo viên thời đại mới là nhận ra các điểm mạnh, điểm yếu của học sinh để có phương pháp tác động khác nhau, thay vì đổ dồn một lượng kiến thức cho học sinh tiếp thu một cách thụ động; khởi dậy niềm đam mê, tạo điều kiện cho học sinh phát triển.

Thầy Christopher cũng cho rằng, không biết 20 năm tới học sinh cần kiến thức gì, do đó cái mà giáo viên cần dạy cho học sinh là kĩ năng nghiên cứu, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng tự học.

Khai thác đặc điểm của học sinh vào bài dạy công nghệ

Thầy Christopher cho rằng thế hệ học sinh khác rất nhiều so với các thầy cô của mình. Thầy đưa ra dẫn chứng về ba thế hệ, gồm có Baby boomers (thế hệ sau thế chiến thứ II, con người được sinh ra nhiều), Gen X và Internet.

Thế hệ Baby boomer là thế hệ thích xem tivi, thế hệ đánh máy chữ, thế hệ ghi nhớ. Thế hệ X (thầy cô giáo) là thế hệ thích chơi các trò chơi điện từ, thích sử dụng máy tính. Còn thế hệ thứ 3, thế hệ internet (học sinh) thích lướt web, thích các công nghệ di động, thích gửi tin nhắn và thích tham gia các cộng đồng ảo ở trên mạng.

Thầy Christopher cho biết một thống kê thú vị về một người đến 21 tuổi dùng 10.000h để chơi điện thoại, viết 20.000 email, dành 20.000h để xem tivi, 10.000h để chơi game trong khi lại dành dưới 5000h đọc sách.

Thay đổi cách dạy học trong thời đại công nghệ ảnh 3

Thế hệ internet (học sinh) thích lướt web, thích các công nghệ di động, thích gửi tin nhắn và thích tham gia các cộng đồng ảo ở trên mạng. (Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: tintuconline)

Trẻ em bây giờ được “đắm mình” trong công nghệ từ rất còn nhỏ, các con dùng để học hoặc chơi, thậm chí các bé 2,3 tuổi cũng đã chơi iphone.

Giới trẻ ngày nay (teen) thường xuyên lên mạng (website) và lên để làm gì? Thứ nhất để tìm kiếm thông tin mà các em cho là thú vị. Thứ hai là để tự học thêm. Thứ ba để kết nối với cộng đồng. Thứ tư để thể hiện cho người khác thấy mình làm được gì. Thứ năm để được lắng nghe. Đây là 5 lí do thế hệ trẻ rất thích lướt web, lên internet.

Sự khác biệt giữa hai thế hệ (giáo viên và học sinh) ảnh hưởng đến việc dạy học như thế nào, ảnh hưởng của công nghệ đối với việc dạy học như thế nào?

Người học thời đại này là những người sành về công nghệ, luôn luôn di động (mobile), lúc nào cũng trong trạng thái bận (điện thoại, facebook, yahoo… không bao giờ tắt), muốn được khám phá và trải nghiệm, thích các hoạt động xã hội (kết nối).

Thay đổi cách dạy học trong thời đại công nghệ ảnh 4Dạy đến thuộc cả bài, giáo án để làm gì nữa?

Một tiết thao giảng chuẩn bị rất công phu, dạy thử mãi nhưng vẫn không thành công trong khi tiết tự giảng thoát ly giáo án lại cô đọng và thầy trò đều hài lòng

Vậy thì với giáo viên, thay vì bỏ qua những đặc điểm này của người học, cứ theo cách dạy mình muốn, hay chúng ta nên khai thác chúng để bài dạy trở nên hấp dẫn hơn.

Thầy Christopher M.McDonald cũng nhấn mạnh rằng ta không nói việc học sinh đắm mình vào công nghệ là tốt nhưng dựa vào đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, sở thích của học sinh hiện nay để có những phương pháp dạy hiệu quả hơn.

Theo đó, có 6 giá trị mà nhờ công nghệ học sinh sẽ làm tốt: khao khát hướng tới sự giao lưu; thích đọc các tài liệu có hình ảnh trực quan; có các kĩ năng về trực quan và không gian; khả năng xử lí nhiều việc cùng một lúc; có khả năng khám phá, tổng hợp, từ tìm tòi kiến thức; phản ứng rất nhanh.

Tuy nhiên, thầy Christopher cũng không ngoại trừ những điều “tệ” có thể xảy ra như: khả năng tập trung của học sinh chỉ trong một thời gian ngắn trừ khi giáo viên đưa ra cái gì hay ho nếu không học sinh không thể chú ý trong thời gian dài, học sinh khó tái hiện sự hiểu biết sâu trong một thời gian ngắn, học sinh muốn nhìn hình ảnh mà không thích đọc sách dày; cuối cùng học sinh tin tất cả thông tin trên mạng.

Do đó, người giáo viên phải khai thác công nghệ như thế nào để vừa tạo hứng thú cho học sinh, tạo hiệu quả cho bài dạy. Giáo viên cần phải tìm hiểu sự đồng điệu với học sinh và cần phải căn cứ xem học sinh có gì, ở đây là có công nghệ gì thì mới đưa ra các bài giảng công nghệ phù hợp.

Thầy Christopher M.McDonald nhấn mạnh rằng: “Không phải tất cả các giờ dạy đều đưa công nghệ vào, mà sử dụng ở mức độ phù hợp với mục tiêu chung của bài giảng”. Một lớp học tốt, cần có sự cân bằng giữa các yếu tố sau: giữa hành động và suy nghĩ, sử dụng hình ảnh và từ ngữ, yếu tố xã hội và yếu tố cá nhân, quá trình và nội dung, tốc độ và sự cẩn thận, hoạt động theo nhóm, có bạn bè và đánh giá trực tiếp của chuyên gia.

Điều cuối cùng mà thầy Christopher.M.McDonald muốn nói, khi thiết kế một bài giảng cần hiểu văn hóa của ngôi trường (ở đây là nơi làm việc và cả học sinh); tiếp cận các nguồn lực có trong lớp, học sinh và phụ huynh; đưa ra kế hoạch sử dụng công nghệ tối đa hóa khả năng phát triển của học sinh; nhớ giáo viên là một huấn luyện viên chứ không phải một nhà tiên tri; và thế giới thì phẳng, thông tin ở khắp mọi người.

Hồng Nhung (ghi)