Thầy giáo để lọt đề thi sẽ bị xử lý như thế nào?

09/06/2018 06:17
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Nếu thầy cô chủ quan, hời hợt, không thực hiện đúng quy chế, quy định của địa phương, Bộ Giáo dục, khi mắc sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật chẳng chừa một ai.

LTS: Sau khi thông tin thầy giáo làm lọt đề thi  trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội, thầy giáo Sông Trà cho rằng cần có hình thức kỷ luật nghiêm minh với những hành vi vi phạm quy chế thi như thế này.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 7/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xác định trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội, đề thi Ngữ văn và đề thi Toán bị lọt đề thi

Theo đó, lãnh đạo Sở cho hay, sau khi tính giờ làm bài khoảng 60 phút, trên mạng xã hội xuất hiện bảng chụp tờ đề thi môn Toán. 

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Sở đã phối hợp với Công an thành phố Hà Nội xác minh hiện tượng trên và đã xác minh được 01 giáo viên Nông Hoàng Phúc, Trường Trung học cơ sở Mai Đình (Sóc Sơn) là cán bộ coi thi số 2 mang điện thoại vào phòng thi và chụp đề thi truyền ra ngoài tại điểm thi Trung học phổ thông Vân Nội.

Chiều ngày 7/6, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo khẩn thông tin về nghi vấn “lọt” đề thi môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Thuỳ Linh/Giaoduc.net.vn
Chiều ngày 7/6, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo khẩn thông tin về nghi vấn “lọt” đề thi môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Thuỳ Linh/Giaoduc.net.vn

Cán bộ coi thi này đã khai nhận hành vi của mình và nhận có chụp cả đề thi môn Văn vào buổi thi sáng ngày 7/6. 

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, đây là hiện tượng để lọt đề thi, việc này không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của các thí sinh.

Sở sẽ tiếp tục phối hợp với công an thành phố Hà Nội để điều tra làm rõ.

Trước đó, báo chí từng phản ánh, sau gần 1 tháng tiến hành kiểm tra, xác minh vụ lộ đề kiểm tra môn Toán học kỳ 1 khối 12 ở tỉnh Khánh Hòa, ngày 29/12/2017, Công an tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện, việc lộ đề xảy ra tại Trường trung học phổ thông Đại Việt (trường ngoài công lập).

Tại đây, Hiệu trưởng đã giao cho ông Lê Thái Tồn, giáo viên của trường mang đề ra ngoài để photocopy.

Song song đó, ông Tồn còn photocopy thừa ra một bản, mang đề này về nhà để đưa cho học sinh mà mình dạy kèm.

Cán bộ coi thi để "lọt" cả đề Văn và Toán 

Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Huỳnh Vĩnh Khang cho biết, ngành sẽ tiến hành kỷ luật cảnh cáo, thông báo cho toàn ngành biết, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ theo Nghị định 138 của Chính phủ (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục) đối với ông Lê Thái Tồn.

Hiệu trưởng Trường Đại Việt cũng sẽ bị kỷ luật cảnh cáo, thông báo cho toàn ngành biết.

Cũng với thông tin lộ đề thi kiểm tra học kỳ 2 (năm học 2016-2017) đối với hai môn Toán và Lịch sử của khối 11 ở tỉnh Đồng Tháp, qua điều tra công an tỉnh Đồng Tháp đã xác định rõ nguyên nhân đề thi hai môn Toán và Lịch sử khối 11 bị lộ là từ Ban in sao của Trường Trung học phổ thông Cao Lãnh.

Do một thành viên của Ban in sao của trường đã đánh cắp đề mang về nhà với mục đích cá nhân và từ đây đề bị phát tán trên mạng xã hội.

Theo cơ quan chức năng, việc ông Bùi Ngọc Ẩn, viên chức văn thư của trường nói trên tự ý mang đề thi ra khỏi nơi quy định dẫn đến việc lộ đề thi là hành vi vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Ông Ẩn đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân ông Bùi Ngọc Ẩn với hình thức kỷ luật buộc thôi việc.

Ngoài ra, ông Ẩn còn phải bồi thường 87 triệu đồng, chi phí khắc phục hậu quả để tổ chức sao in lại đề thi. 

Thầy giáo để lọt đề thi sẽ bị xử lý như thế nào?  ảnh 2Sở giáo dục Hà Nội nói đề thi Ngữ văn không lộ mà...lọt

Vụ để “lọt” đề thi môn Ngữ văn ra bên ngoài, mặc dù lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có trấn an thí sinh, phụ huynh và dư luận xã hội rằng, hiện tượng đó không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của các thí sinh nhưng thực tế đã ra gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều phụ huynh và thí sinh về tính bảo mật của đề thi trong quá trình tổ chức coi thi.

Xét theo Quy chế thi hiện hành thì hành vi của thầy giáo Nông Hoàng Phúc, giáo viên đã vi phạm hai lỗi rất nghiêm trọng, một là đem và sử dụng điện thoại di động trong khi thực hiện nhiệm vụ coi thi, hai là phát tán đề thi ra ngoài khu vực thi.

Nhiều tỉnh, thành hiện nay thực hiện quy chế thi tuyển sinh vào lớp 10 tương tự như Quy chế 04/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thi Trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Với sai phạm nêu trên thì thầy Phúc bị xử lý ở mức: Buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 48, khoản d).

Do số lượng thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay ở Hà Nội đông, giáo viên Trung học phổ thông không đủ nên Sở Giáo dục và Đào tạo phải điều động thêm lực lượng giám thị từ các trường trung học cơ sở.

Giáo viên trung học cơ sở lâu nay rất hiếm tham gia các kỳ thi có tính chất quan trọng như kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, vì vậy chưa có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết đầy đủ khi thực hiện chức trách nhiệm vụ.

Vấn đề đáng nói nữa, trước khi coi thi, theo quy chế, các hội đồng coi thi phải dành 1 buổi để tổ chức triển khai, học tập quy chế thi cho tất cả cán bộ, giám thị, nhân viên tham gia coi thi.

Vậy, hội đồng coi thi (nơi thầy Phúc làm giám thị) có thực hiện đúng yêu cầu, quy định ấy hay chưa?

Nếu chưa thì rõ ràng có một phần trách nhiệm của thầy, cô giáo làm Chủ tịch hội đồng coi thi tại điểm thi, trường thi đó.

Đi làm công tác thi cử nhiều, tôi biết, nhiều lãnh đạo hội đồng coi thi có phần hời hợt, sơ sài, chủ quan trong triển khai quy chế (cứ nghĩ mọi giáo viên đều biết cả và làm tốt).

Có một số chủ tịch hội đồng coi thi khi triển khai chỉ chú trọng đến Điều 22. Trách nhiệm của cán bộ coi thi và của các thành viên khác trong Ban Coi thi mà bỏ qua Điều 48. Xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi vốn rất quan trọng và cần thiết đối với giáo viên coi thi.

Thầy giáo để lọt đề thi sẽ bị xử lý như thế nào?  ảnh 3Lộ đáp án môn Anh Văn trước giờ thi ở thành phố Cần Thơ

Sai phạm của thầy Phúc, một bài học đắt giá cho cá nhân thầy Phúc và là lời nhắc nhở, cảnh báo “nặng ký” nữa đến tất cả các điểm, hội đồng coi thi, cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi tuyển sinh vào lớp và thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 (từ ngày 24 đến 27/6) cận kề.

Nếu chủ quan, hời hợt, không thực hiện đúng quy chế, quy định của địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mắc sai phạm, bị xử lý kỷ luật chẳng chừa một ai. 

Nhân đây tôi cũng xin trích dẫn nguyên văn Điều 48. Xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi (Quy chế 04/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) để mọi người cùng lưu tâm.

1. Người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

a) Khiển trách đối với những người vi phạm lần đầu các hành vi dưới mức quy định tại các điểm b, c, d khoản này trong khi thi hành nhiệm vụ.

b) Cảnh cáo đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi sau đây:

- Để cho thí sinh quay cóp; mang tài liệu và vật dụng trái phép vào phòng thi được quy định tại điểm c khoản 4 Điều 14 Quy chế này;

- Chấm thi không đúng hướng dẫn chấm hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót;

- Ra đề thi vượt quá phạm vi chương trình Trung học phổ thông;

- Truyền dữ liệu thi không đúng cấu trúc, không đúng thời hạn, không đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi sau đây:

- Ra đề thi sai;

- Trực tiếp giải bài thi hoặc hướng dẫn cho thí sinh lúc đang thi;

- Lấy bài thi của thí sinh này giao cho thí sinh khác;

- Gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh.

d) Buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây:

- Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi;

- Làm lộ đề thi, mua, bán đề thi;

- Làm lộ số phách bài thi;

- Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh;

- Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm;

- Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh;

- Gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.

đ) Người làm mất bài thi của thí sinh khi thu bài thi, vận chuyển và bảo quản bài thi, chấm thi hoặc có những sai phạm khác trong công tác tổ chức thi, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức kỷ luật quy định tại Điều này.

2. Công chức, viên chức không tham gia tổ chức thi nhưng có các hành động như:

Thi hộ, tổ chức lấy đề thi ra và đưa bài giải vào cho thí sinh, đưa thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến kỳ thi, gây rối làm mất trật tự tại khu vực thi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị buộc thôi việc.

3. Người tham gia tổ chức thi và những người có liên quan đến việc tổ chức thi không phải là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), tùy theo mức độ, sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật về lao động;

Bị đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học (nếu là học sinh, sinh viên, học viên) khi có một trong các hành vi sai phạm quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều này.

4. Các hình thức xử lý vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định theo quy trình quy định.

Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền có thể cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến thi từ 1 đến 5 năm.

SÔNG TRÀ