Thầy giáo nói nhỏ chuyện Ban giám hiệu đối phó với kiểm định

27/04/2017 06:37
Hoàng Nam
(GDVN) - Để làm tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục, nhà trường phải lưu trữ hồ sơ trong 5 năm học nhưng thực tế nhiều trường đã thực hiện điều này như thế nào?

LTS: Kiểm định chất lượng giáo dục là công tác tự đánh giá để biết được một cách tổng thể về thực trạng giáo dục của nhà trường. 

Kiểm định chất lượng giáo dục không chỉ là đảm bảo nhà trường có trách nhiệm với chất lượng giáo dục và đào tạo mà còn mang lại động lực cải tiến và nâng cao chất lượng cho mọi hoạt động của nhà trường.

Hiện nay các cấp học từ bậc tiểu học đến bậc đại học đều thực hiện công việc tự đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục.

Là một giáo viên Tiểu học, thầy Hoàng Nam nhận thấy vấn đề kiểm định đang gặp phải sự đối phó của Ban giám hiệu nhà trường. 

Thực hư chuyện này như thế nào. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến của thầy Nam. 


Theo thông tư số 42/2012/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên việc kiểm định chất lượng là một trong những hoạt động của hệ thống đảm bảo chất lượng. 

Kiểm định chất lượng là quá trình đánh giá bên ngoài (đánh giá đồng nghiệp) dựa trên cơ sở tự đánh giá nhà trường, nhằm đưa ra một quyết định công nhận trường hay một chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn và đảm bảo với xã hội và các cơ quan có thẩm quyền rằng chất lượng giáo dục của nhà trường đạt được những chuẩn mực nhất định. 

Để nhà trường tiểu học được đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường tiểu học quy định tại Mục 1, Chương II của văn bản này với 3 cấp độ:

a) Cấp độ 1: Trường tiểu học có từ 60% tiêu chí trở lên đạt yêu cầu;

b) Cấp độ 2: Trường tiểu học có từ 70% đến dưới 85% tiêu chí đạt yêu cầu, trong đó phải đạt được các tiêu chí sau:

- Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý nhà trường gồm các tiêu chí: 1, 2, 4, 6;

- Tiêu chuẩn 2: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh gồm các tiêu chí: 1, 2, 3, 5;

- Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học gồm tiêu chí: 6;

- Tiêu chuẩn 4: Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội gồm tiêu chí: 1;

- Tiêu chuẩn 5: Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục gồm các tiêu chí: 1, 2, 4, 6, 7;

c) Cấp độ 3: Trường tiểu học có ít nhất 85% tiêu chí đạt yêu cầu, trong đó phải đạt được các tiêu chí quy định ở cấp độ 2.

Thầy giáo nói nhỏ chuyện Ban giám hiệu đối phó với kiểm định ảnh 1

Tự chủ đại học không thể thực hiện bằng cách quản lý cấp giấy phép

Để thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục, nhà trường phải lưu trữ hồ sơ trong 5 năm học. 

Do đó, ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu đã thành lập Hội đồng tự đánh giá bao gồm các thành viên trong liên tịch. 

Công việc của các thành viên trong Hội đồng là kiểm tra toàn bộ hồ sơ, các văn bản quy định, kế hoạch thi đua,… được lưu trữ trong 5 năm. Những hồ sơ nào bị thất lạc, tìm không được đều yêu cầu giáo viên bổ sung.

Giáo viên bị buộc phải bổ sung các loại hồ sơ cá nhân: sổ dự giờ, sổ chủ nhiệm, biên bản bầu ban cán sự lớp,… 

Do đã trải qua nhiều năm, nên giáo viên không thể nhớ được đã dự giờ những đồng nghiệp nào? Dự những tiết gì?… nên giáo viên cứ viết cho đủ số tiết theo quy định và nhờ đồng nghiệp kí tên xác nhận đã dự giờ. 

Ngay cả giáo viên kí tên cũng không thể nhớ được có phải mình đang dạy khối lớp đó hay không?

Mỗi trường sẽ được dự giờ từ 4 – 5 tiết học để đánh giá chất lượng chuyên môn. Các tiết học này đều được báo trước và thường do Hiệu trưởng chỉ định giáo viên. 

Vì đây là bộ mặt của nhà trường nên Hiệu trưởng luôn chọn những giáo viên có thâm niên và với những tiết dạy được báo trước nên việc chuẩn bị tiết dạy không còn gói gọn giữa thầy và trò mà chính Ban giám hiệu và các giáo viên trong tổ khối cũng phải “vào cuộc” bằng cách duyệt trước thiết kế, cách triển khai bài dạy, soạn bài giảng bằng powerpoint, đồ dùng dạy học,…

Do biết trước thời gian đoàn kiểm định sẽ về nên Ban giám hiệu họp phân công và dặn dò tỉ mỉ các giáo viên, nhân viên trong nhà trường nào là cách trao đổi khi được đoàn hỏi, nào là cách chào hỏi, thậm chí cả cách đi – đứng thế nào? 

Một số trường do không đủ diện tích để có nhà xe riêng cho giáo viên thì Ban giám hiệu sẵn sàng chi ra một số tiền không nhỏ để thuê người trông xe cho giáo viên.

Việc làm này vừa lãng phí vừa không thể hiện sự trung thực trong hoạt động của nhà trường.

Có một số trường, việc bầu ban cán sự lớp vào mỗi đầu năm học do không ghi biên bản nên đến khi Hội đồng đánh giá yêu cầu biên bản bầu ban cán sự lớp (phải có 2 biên bản cho một năm học). 

Do đó, Ban giám hiệu lại tiếp tục chỉ đạo cho giáo viên bắt buộc học sinh của năm học hiện tại viết và kí tên vào các biên bản của những năm học trước. 

Ban giám hiệu chỉ đạo cho giáo viên bắt buộc học sinh của năm học hiện tại viết và kí tên vào các biên bản của những năm học trước (Ảnh: Hoàng Nam)
Ban giám hiệu chỉ đạo cho giáo viên bắt buộc học sinh của năm học hiện tại viết và kí tên vào các biên bản của những năm học trước (Ảnh: Hoàng Nam)

Những đứa trẻ chỉ biết viết dưới sự hướng dẫn của giáo viên chứ nào biết rằng xét ở góc độ pháp luật thì học sinh đang thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật đó là giả chữ ký của người khác. 

Còn xét ở góc độ hình thành nhân cách, đạo đức thì giáo viên đang dạy cho trẻ về tính gian dối, thiếu trung thực. Điều này trái ngược và vi phạm tác phong, đạo đức của nhà giáo.

Thiết nghĩ, việc kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục trong nhà trường cần thay đổi cả về mặt “chất” và “lượng” chứ không đánh giá và kiểm định theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” như hiện nay.

Hoàng Nam