Thầy giáo tự nhìn lại một năm "quay chong chóng" với giáo dục nước nhà

27/12/2015 06:25
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Đối tượng chịu tác động lớn nhất của “làn sóng đổi mới” năm 2015 là học sinh và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, bài viết như một lời tổng kết cho nền giáo dục trong năm 2015 với nhiều chính sách, đổi mới nhằm thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng. 

Từ việc chỉ ra những mặt thành công và hạn chế của từng đổi mới thì tác giả bài viết mạnh dạn chỉ ra rằng, muốn đổi mới giáo dục thành công thì chất lượng đội ngũ giáo viên phải được đặt ở vị trí trung tâm. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này.
 

Thực hiện Nghị Quyết số 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, năm 2015, ngành giáo dục nước nhà đã có hàng loạt đổi mới, cải tiến từ chương trình, sách giáo khoa, mô hình dạy học đến tổ chức đánh giá kiểm tra, thi cử… ở bậc giáo dục phổ thông.  

Đối tượng chịu tác động lớn nhất của “làn sóng đổi mới” ấy là học sinh và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục. 

Những đổi mới gây chú ý nhiều nhất

Thông tư 30

Từ năm học 2014-2015, bậc tiểu học có điều chỉnh lớn, đánh giá năng lực, kết quả học tập của học sinh bằng những lời nhận xét thay vì cho ghi điểm số cụ thể . 

Trong suốt một thời gian dài, có nhiều ý kiến, phản biện, đồng thuận, trái chiều xung quanh đổi mới này. 

Mới đầu, nhà trường, giáo viên mệt mỏi, vất vả, ca thán nhiều vì “đánh vật” với các loại hồ sơ, sổ sách, nhận xét, đánh giá theo quy định. 

Muốn “đổi mới giáo dục” phải có quyết định đúng đắn từ đội ngũ giáo viên (Ảnh minh họa giaoduc.net.vn)
Muốn “đổi mới giáo dục” phải có quyết định đúng đắn từ đội ngũ giáo viên (Ảnh minh họa giaoduc.net.vn)

Lắng nghe ý kiến từ cơ sở, trong quá trình chỉ đạo triển khai, thực hiện, Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh phù hợp, hướng dẫn chi tiết, cụ thể, làm chuyển hóa nhận thức của giáo viên. 

Sang đến học kỳ 2, “cỗ máy” ở bậc tiểu học dần thích nghi, thực hiện khá trơn tru, những than phiền, kêu ca từ phía giáo viên giảm hẳn. 

Kỳ thi quốc gia với mục tiêu “2 trong 1”

Tháng 7 năm 2015, lần đầu tiên, cả nước thực hiện kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia vừa để công nhận kết quả tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng. 

Về cơ bản, kỳ thi quốc gia đã đạt được mục tiêu đề ra. Lợi ích thấy rõ, giảm bớt được áp lực, căng thẳng cho thí sinh trong thi cử; chi phí, tiền bạc của phụ huynh, nhà nước cũng tiết kiệm được nhiều; kết quả phản ánh chính xác, đáng tin cậy làm cơ sở để xét tuyển sinh.  

Tuy nhiên, do lần đầu tiên thực hiện hình thức, tổ chức thi cử mới nên Bộ GD&ĐT chưa lường, tính hết được những bất cập, khó khăn trong việc đi lại, xử lý hồ sơ, đăng ký và nộp các nguyện vọng xét tuyển các trường Đại học ở tốp đầu. 

Những “hạt sạn” đó sẽ được Bộ GD&ĐT sớm nhận ra, tổng kết, điều chỉnh, hoàn thiện trong thời gian đến để Kỳ thi quốc gia “2 trong 1” năm 2016 diễn ra an toàn, thành công và trọn vẹn hơn.

Thí điểm chương trình dạy học mới (VNEN) ở bậc THCS

Sau thời gian triển khai VNEN ở bậc tiểu học từ năm học 2011-2012, năm học 2015-2016, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai mô hình  mới này tại nhiều trường trung học cơ sở. 

Theo Bộ GD&ĐT, mô hình này hướng học sinh phát triển toàn diện, tự rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế. 

Ưu điểm của mô hình trường học mới là chuyển từ cách dạy  đọc chép sang phát huy tính chủ động, tự học, tự quản của học sinh theo nhóm. 

Giáo viên thay vì giảng dạy, truyền thụ kiến thức thì chỉ hướng dẫn học sinh tự học theo nhóm, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh... 

Ban hành dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Đầu tháng 8, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Theo đó, thay vì phải học 13 môn như hiện nay, học sinh chỉ học 7-8  môn ở bậc THCS và còn 4 môn bắt buộc ở bậc THPT. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai đại trà từ năm học 2018-2019. 

Nó có nhiều ưu điểm vượt trội so với chương trình giáo dục hiện hành, giảm tải về kiến thức hàn lâm, lý thuyết, tăng kỹ năng thực hành, ứng dụng thực tế; phát huy tốt tư duy, năng lực sáng tạo người học; lên bậc THPT dạy học theo phân hóa, tự chọn, định hướng nghề nghiệp. 

Thầy giáo tự nhìn lại một năm "quay chong chóng" với giáo dục nước nhà ảnh 2

Bỏ môn “Công dân với Tổ quốc” trong chương trình giáo dục phổ thông mới

(GDVN) - Với những góp ý của các nhà khoa học, nhà giáo trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT thống nhất bỏ môn Công dân với Tổ quốc trong chương trình mới.

Theo Dự thảo này, Lịch sử được tích hợp vào các môn khác. Cụ thể, ở lớp 1, 2, 3, Lịch sử tích hợp môn Cuộc sống quanh ta; lớp 4, 5 tích hợp vào môn Tìm hiểu xã hội; bậc THCS tích hợp vào môn Khoa học xã hội và THPT tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc

Ngay sau đó, nhiều giáo viên, chuyên gia, Hội Khoa học Lịch sử... phản ứng gay gắt về việc tích hợp môn Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc  vì cho rằng, làm như vậy là hạ thấp vị trí, tầm quan trọng môn Lịch sử, hãy trả lại đúng vị trí, giá trị của bộ môn ở nhà trường phổ thông.  

Vấn đề này cũng làm "nóng" diễn đàn Quốc hội, khi được đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận ngày 16/11.
Trong Nghị quyết ban hành chiều 27/11, Quốc hội quyết nghị tiếp tục giữ Lịch sử là môn học độc lập trong chương trình sách giáo khoa mới. 

Sau nhiều cuộc họp bàn, ngày 8/12, Bộ GD&ĐT thống nhất với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Lịch sử là môn học bắt buộc và không tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc. Học sinh chọn Sử thi Đại học sẽ học nâng cao và đây là môn độc lập.

Nhà trường, giáo viên “ ngập” trong các hoạt động đổi mới

Hàng loạt đợt tập huấn, bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học, về sử dụng công nghệ thông tin, về đổi mới công tác quản lý giáo dục, về các hội thi, cuộc thi…được tổ chức rầm rộ, thường xuyên hơn. 

Giáo viên cốt cán, các thành viên trong hội đồng chuyên môn của Phòng, Sở GD&ĐT khá vất vả, bận rộn trước một rừng công việc, núi đổi mới của Bộ GD&ĐT. 

Mục đích hướng tới của Bộ GD&ĐT rất rõ ràng, qua hàng loạt hoạt động, cải tiến, đổi mới ấy, là để thầy cô giáo  làm quen, thích nghi dần với cách tiếp cận dạy học mới, phát huy tối đa năng lực của người học và đến năm học 2018-2019 sẽ cho triển khai đại trà, đồng bộ bằng chương trình, nội dung, sách giáo khoa mới. 

Đánh giá khả năng làm việc, tổ chức thực hiện của đội ngũ giáo viên, báo cáo tổng kết năm 2014-2015 của Sở GD&ĐT Quảng Ngãi chỉ rõ: 

Nhiều đơn vị, thầy cô giáo đã tích cực, chủ động tham gia và vận dụng các hoạt động, nội dung mới vào quá trình dạy-học như soạn giáo án E-learning, thao giảng dưới hình thức bài học minh họa, dạy học tích hợp, liên môn, đa môn…  

Bước đầu, các hình thức, nội dung mới tạo được luồng sinh khí tươi mới trong sinh hoạt chuyên môn với thầy cô giáo, gây được hứng thú, tâm thế chủ động, tự tin hơn từ phía học sinh. 

Tuy nhiên, một số đơn vị, giáo viên vẫn còn  bị động, lúng túng, hạn chế nhiều khi triển khai, mặc dù đã được quán triệt, tập huấn khá kỹ lưỡng
". 

Thầy giáo tự nhìn lại một năm "quay chong chóng" với giáo dục nước nhà ảnh 3

Hà Nội từng nhận được phản đối của phụ huynh về mô hình trường học mới (VNEN)

(GDVN) - Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, hiện toàn thành phố có 114 trường tiểu học áp dụng mô hình học mới (VNEN).


Cô giáo Nguyễn Thị Lê Minh, dạy môn Hóa học, ở một trường THPT thuộc tỉnh Quảng Bình, cho biết: 

Tôi nhận thấy, số giáo viên trẻ rất hăm hở, hứng thú với cái mới, còn những giáo viên có tuổi lại không mấy mặn mà, khi làm thường đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm, công việc cho người khác. 

Có một khuynh hướng khá rõ trong nhận thức của anh, chị em giáo viên, lúc đầu thì rộn ràng, nhiệt tình lắm, nhưng lúc về sau thì mệt mỏi. 

Thành ra, những cái mới của trên phát động thiếu đi “sức sống” lâu dài nơi trường học nên chất lượng, tính đồng bộ trong dạy học không cao
.” 

Thầy Ngô Văn Hải, Hiệu trưởng trường THPT Ba Tơ (Quảng Ngãi) chia sẻ: 

Giáo dục phổ thông của ta còn lạc hậu, yếu kém so với khu vực và thế giới. Những cải tiến, đổi mới hiện nay của Bộ là cần thiết để tiến kịp giáo dục thế giới. 

Song những yêu cầu, nỗ lực, trách nhiệm và cả tâm huyết của đội ngũ giáo viên càng lớn, càng nặng nề hơn. 

Thiết kế được một giáo án mới dưới dạng bài học minh họa, bài học tương tác, bài học tích hợp liên môn…hiện nay giáo viên phải tốn kém thời gian, công sức, ý tưởng gấp nhiều lần so với cách soạn và dạy truyền thống trước đây. 

Nếu cấp quản lý không chỉ đạo tốt, giáo viên hời hợt, sơ sài thì những công việc đổi mới bộn bề này khó thành công, rồi mọi thứ dễ đâu vào đấy, đầu voi đuôi chuột
.” 

Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà, trong thời gian tới, có giành được kết quả tốt như kỳ vọng hay không, theo chúng tôi, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quản lý giáo dục và chất lượng đội ngũ giáo viên luôn ở vị trí trung tâm, quyết định nhất. 

Thầy giáo tự nhìn lại một năm "quay chong chóng" với giáo dục nước nhà ảnh 4

Thầy giáo hoang mang về chủ trương tích hợp

(GDVN) - Nơi gốc rễ, nơi đào tạo đội ngũ giáo viên mà không đi trước, không dẫn lối chỉ đường thì còn lâu nữa giáo viên phổ thông của ta mới theo kịp cái mới.

Gần đây, Bộ GD&ĐT giao cho các cơ sở giáo dục tính tự chủ cao về tài chính, về chuyên môn…

Thực tế chứng minh, nơi nào, đơn vị nhà trường nào, cấp quản lý từ tổ trưởng, tổ phó đến ban giám hiệu có nhận thức tốt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định, yêu cầu đổi mới của cấp trên thì đơn vị đó sẽ làm tốt, có chất lượng, học sinh được hưởng lợi nhiều nhất. 

Do vậy, ở các đơn vị trường học, cần có cuộc “thay máu”, “chuyển động”  về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, chọn lựa những con người, thầy cô giáo có năng lực, thật sự tâm huyết với nghề, luôn có “lửa” đổi mới, đồng thuận với những chủ trương đúng đắn của ngành giáo dục. 

Cần có chính sách lương bổng, đãi ngộ tốt đối với giáo viên giỏi, tâm huyết. 
Cần có cơ chế mở, cạnh tranh, minh bạch, rõ ràng hơn đối với  việc tinh giản những giáo viên, cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, lười nhác trong đổi mới dạy học. 

Hàng năm, mỗi địa phương, từng trường học đều có diện chuyển đổi công tác hoặc cho nghỉ việc và tuyển dụng, bổ sung giáo viên mới. 

Trong bối cảnh, ngành giáo dục đang dư thừa giáo viên, có hàng chục ngàn giáo sinh chờ việc, họ tuổi trẻ, nhiệt huyết, tiếp cận nhanh cái mới cần tạo điều kiện, cơ hội cho họ được đứng lớp, dạy học. 

Các cơ sở giáo dục công lập luôn trong trạng thái động, trạng thái cạnh tranh (như các nước trên thế giới) thì chắc chắn bức tranh giáo dục sẽ tốt đẹp hơn nhiều.

Đỗ Tấn Ngọc