Thầy ổn!

11/11/2018 06:00
Ý Thu
(GDVN) - Thầy cười hiền, cầm lấy cuốn sổ, lật giữa cuốn ghi: Hãy cố lên! Cô học trò nhỏ của tôi! Thầy tin, sau này em sẽ trở thành một cô giáo tốt”.

LTS: Chia sẻ câu chuyện về người thầy chủ nhiệm suốt ba năm học cấp 3 - người đã để lại trong tâm trí của mình rất nhiều tình cảm và kỉ niệm đẹp, tác giả Ý Thu đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này. 

Thầy là giáo viên dạy văn và cũng là giáo viên chủ nhiệm tôi suốt ba năm học cấp 3. Thầy vui tính lắm. Giọng thầy trầm trầm, ấm ấm luôn hấp dẫn học sinh say sưa với mỗi tiết học.

Thầy nói cuộc đời thầy chẳng khác gì cánh bèo trôi, nay đây mai đó. Thầy từng ở rừng rồi xuống biển, từ thành phố rồi lại về thôn quê.

“Và bây giờ, thầy rất vui khi được gặp các em!”. Thầy nói vậy bởi năm đó thầy vừa chuyển công tác từ thành phố Hải Phòng về quê tôi - một vùng quê thanh bình, yên ả và nghèo.

Tình cảm thầy trò (Ảnh minh họa: LAP).
Tình cảm thầy trò (Ảnh minh họa: LAP).

Thầy sinh ra và lớn lên ở Lai Châu, rồi trở thành chàng sinh viên Hà thành đầy mơ mộng… Thầy yêu say đắm từ đó…

Ra trường, cưới vợ và “Thầy ở rể”. Gương mặt thoáng buồn khi nói vậy nhưng thầy lại cười: “Không sao! Thầy luôn ổn!”.

Vợ thầy là một nhà báo đất Cảng. Nhà con một, sống trong êm ấm, đủ đầy. “Thầy dạy ở đó 5 năm, đã có một em bé ba tuổi. Và bây giờ thầy về đây”…

Những buổi nói chuyện thầy – trò làm cuốn nhật kí về thầy của tôi cứ đầy dần lên. Tôi thương thầy phải xa gia đình, xa con nhỏ. Thầy vẫn cười: “Không sao! Thầy ổn!”.

Cuối tuần nào cũng vậy, mặc kệ trời nắng hay mưa, thầy vẫn chăm chỉ bắt xe về thăm vợ con. Hơn 50 cây số, ăn nhằm gì so với sức trai và nỗi nhớ nhà.

Chơi vội với đứa con nhỏ, quan tâm nhiều hơn tới người vợ trẻ. Tối chủ nhật, thầy lại tất tả quay lại trường. Vậy nhưng thầy luôn cười “Thầy ổn!”.

Một buổi chiều thứ sáu, giữa tháng 11, cô đến thăm thầy, mang theo cả em bé con hai người. Lúc đó, lớp tôi đang giải lao giữa buổi tập vở kịch chuẩn bị chào mừng ngày 20/11.

Tôi ngắm mãi cô. Cô thật đẹp, mái tóc suôn mượt ngang vai, nước da trắng mịn, đôi môi đỏ và đôi mắt… hơi buồn.

Thầy chạy lại ôm lấy con trai bé bỏng hôn rối rít lên trán, lên má, lên cổ nó, làm thằng bé cười sặc sụa. Ánh mắt thầy ngập tràn hạnh phúc.

Buổi đó, lớp tôi nghỉ tập sớm. Tất cả rủ nhau ra về chứ không nấn ná lại Khu tập thể giáo viên để chuyện trò cùng thầy như trước nữa, trả lại cho thầy và gia đình những giây phút hạnh phúc riêng tư.

Thầy ổn! ảnh 2Dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục

… Hai ngày cuối tuần thầy sẽ đưa vợ con đi chơi nơi thị trấn nghèo này. Có thể thầy sẽ dẫn cô lên núi An Phụ, nơi có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu, có tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Thầy sẽ tự hào giới thiệu với cô: Đại Vương chính là người con trung hiếu, người anh hùng dân tộc, văn võ song toàn…

Từ trên đỉnh núi, thầy sẽ giới thiệu với cô về dòng sông Kinh Thầy đỏ lặng phù sa, uốn lượn như dải lụa hồng, bao quanh dưới chân núi tạo nên một phong cảnh hữu tình.

Chắc cô sẽ thích mê nơi này cho mà xem. Nơi có những cánh đồng trù phú lúa khoai, có những ngôi làng thanh bình yên ả, chẳng có ồn ào khói bụi như thành phố,…

Lớp tôi cứ đoán già đón non như vậy. Nhất là lũ con gái, cứ vạch ra những kế hoạch và khẳng định: “Chắc thầy vui lắm!”.

Sáng thứ hai, cả lớp ngạc nhiên: hai ngày cuối tuần được gặp vợ con, sao thầy buồn thế!? Không ai dám hỏi. Buổi chiều, lịch tập kịch, chẳng ai bảo ai, đến phòng thầy thật sớm.

Thầy đã hút rất nhiều thuốc. Các đầu lọc đã ứa ra trên cái gạt tàn, vương đầy bàn. Thầy đang ngồi, tựa lưng vào ghế, mắt buồn vô định, bỏ quên điếu thuốc đang cháy dở giữa hai môi khép hờ.

Bọn con trai đến ngồi bên thầy, im lặng. Tôi và mấy bạn gái thu dọn các đầu thuốc, lau bàn, quét phòng rồi cũng ngồi lại bên thầy.

Không khí thật ngột ngạt, nặng nề. Không phải bởi khói thuốc thầy phả ra, cũng không phải bởi cái phòng tập thể bé xíu mà chứa cả chục con người. Ai cũng đoán chắc thầy có chuyện buồn nhưng chẳng ai dám hỏi. Thầy – trò cứ ngồi như vậy.

Chiếc đồng hồ báo thức nhỏ trên bàn như sợ gây ra tiếng động nên cũng ì ạch nhích từng giây. Tắt điếu thuốc đang hút dở, thầy cười, nụ cười méo mó, gượng gạo:

- Nào, hai ngày cuối tuần các em có tập tành gì không?

- Thầy… Bọn em…

- Sao, không tập chứ gì? Thầy biết ngay mà! Không thầy đố mày làm nên!

Thầy càng cố vui, càng cố pha trò thì chị càng nhận thấy rõ hơn nỗi buồn tê tái trên khuôn mặt, ánh mắt của thầy.

Rồi thầy bất ngờ xin nghỉ một tuần. Trước khi nghỉ, thầy còn dặn dò lớp “giữ gìn nề nếp cho tốt và duy trì phong độ học tập, đừng để tụt hạng, thầy phạt nặng đó”.

Thầy ổn! ảnh 3Thầy cô hỏi đứa nào, đứa ấy đều khai hết...tội của lớp

Thầy buồn hơn khi trở lại trường, đôi mắt trũng sâu hơn vì nhiều đêm thức trắng, đôi môi thâm tái hơn vì khói thuốc.

Nhưng lớp chẳng biết được gì ngoài câu nói “Thầy ổn” khi đưa những cặp mắt lo lắng dò tìm câu trả lời nơi thầy.

Hôm đó, lớp tôi lao động dọn vệ sinh sân trường, khi thầy trò ngồi giải lao dưới tán là bàng, thầy nói:

- Các em chắc rất muốn biết vì sao thầy buồn, đúng không? Thầy và cô đã chia tay. Trước 20/11, cô lên thăm thầy là để nói chuyện đó. Sau 20/11, thầy về để giải quyết. Thầy đã kí vào đơn.

Ánh mắt hoảng hốt, ngạc nhiên của lũ học trò làm thầy rưng rưng:

- Cô cần một bờ vai bên cạnh để dựa vào mỗi lúc cảm thấy mệt mỏi. Cô cần người an ủi, động viên mỗi khi căng thẳng, buồn phiền.

Cô muốn có người cùng thức trắng đêm khi đứa con thơ sốt quấy. Và cô cần một mái ấm trọn vẹn. Còn thầy thì…

- Vì công việc thầy mới phải đi xa chứ! Thầy vẫn về mỗi cuối tuần mà.

- Không đủ. Ngày cuối tuần ngắn ngủi không đủ để níu chân người đàn bà đang khao khát yêu thương, không đủ để lấp đầy những đêm trống vắng… Thầy không muốn trói buộc cô thêm nữa.

Ngày ấy, bọn học sinh lớp 11 như tôi đã biết rung cảm với những thương yêu nhưng chưa đủ lớn để hiểu hết những điều thầy nói.

Tôi thầm trách người vợ thầy sao phũ phàng đến vậy, sao lại lỡ quay lưng, xé tan một gia đình khi thầy vẫn rất yêu cô? Tôi xót xa cho thầy, thương thầy vô hạn.

Người ta hay nói thời gian là phương thuốc màu nhiệm nhất để chữa lành mọi vết thương. Thời gian đầu, nhiều khi nhớ con quay quắt, cứ cách hai tuần, thầy lại bắt xe về “quê người ta” để thăm con mình…

Thầy dần vui trở lại. Có lẽ thầy đã bớt muộn phiền, tôi nghĩ vậy vì thấy thầy cười nhiều hơn xưa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, thầy hút thuốc nhiều hơn, đôi môi thâm tái hơn và hàm răng bắt đầu xỉn màu dần vì khói thuốc.

Vậy mà vèo cái đã sắp hết ba năm cấp 3. Bọn con gái, con trai bắt đầu viết lưu bút. Tôi cũng sắm một cuốn sổ để mọi người lưu dấu những tình cảm, những kỉ niệm. 45 con người, 45 nét chữ, đầy đủ hết.

Tôi rụt rè lên “nhờ thầy ghi lưu bút”. Thầy cười hiền, cầm lấy cuốn sổ, lật giữa cuốn, thầy ghi:

“Hãy luôn nhớ rằng “Cơ hội chỉ dành cho những người có chuẩn bị sẵn” và “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng.

Thầy ổn! ảnh 4Cần lắm tấm gương của người thầy

Hãy cố lên! Cô học trò nhỏ của tôi! Thầy tin, sau này em sẽ trở thành một cô giáo tốt”. Cuối cùng thầy cũng kí và ghi tên mình vào đó.

Ngày chia tay, bọn con gái ai cũng khóc. Cười chúc nhau đậu đại học, chúc nhau thành công mà nước mắt cứ nhòa đi.

Bọn con trai tỏ ra mạnh mẽ, vỗ vai cười lớn, nói con gái là “mít ướt” nhưng tôi biết, có tên cũng lén khóc một mình, có tên vội quay đi lau mắt…Thầy không khóc nhưng giọng thầy lạc đi:

- Thầy chúc các em trên đường đời sẽ thành công và luôn đứng vững trên đôi chân của mình. Thầy sẽ rất nhớ các em!

Thầy nói có thế mà bọn con gái càng rấm rứt khóc. Tâm thấy vậy, đứng lên khoát tay:

- Các bạn đừng khóc nữa. Có gì đâu! Khi nào chúng ta rảnh rỗi, còn nhớ nhau là gặp được nhau và chúng ta lại đến thăm thầy được mà.

Thay mặt các bạn trong lớp, em cám ơn thầy nhiều lắm. Cám ơn thầy đã dìu dắt, tận tâm với chúng em suốt thời gian qua. Cám ơn thầy đã bao dung…

Hắn vừa nói vừa tiến đến cầm tay thầy, ôm lấy thầy thật chặt và hắn khóc. Trời ơi, kẻ vừa hùng dũng khoát tay nói lớp đừng khóc mà giờ trong vòng tay thầy, hắn khóc ngon lành biết bao. Thầy vỗ vỗ vai hắn:

- Thôi, được rồi, đừng khóc nữa. Hôm nay, thầy muốn các em hãy vui lên. Hãy để thầy được nhìn những khuôn mặt cười rạng rỡ. Thầy không thích nước mắt đâu.

Chờ không còn tiếng thút thít, thầy tiếp, giọng buồn buồn:

- Có lẽ khi các em ra trường, thầy cũng sẽ không còn ở đây nữa. Không biết thầy trò chúng ta còn cơ hội gặp lại không?

Bao nhiêu cặp mắt ngơ ngác đổ dồn nhìn về thầy muốn biết lí do. Tôi vội vàng hỏi:

- Sao vậy thầy? Thầy sẽ đi đâu? Thầy viết thư cho tụi em nhé!

- Thầy cũng chưa biết. Nhưng các em yên tâm “Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ” mà. Thầy tin, thầy trò chúng ta sẽ có cơ hội gặp lại.

“Tinh! Tinh!” Tôi với tay lấy điện thoại, mở hộp tin nhắn. Tôi không tin vào mắt mình. Cô bạn thân thông báo “Mình đã tìm được thầy chủ nhiệm cấp 3. Cậu kết bạn với facebook này nhé…”.

Cô bạn dẫn link facebook (mạng xã hội) của thầy gửi cho tôi. Tôi vội vàng vào facebook của thầy, trước khi nhấn mời kết bạn, tôi dạo qua facebook thầy một lượt và rất vui vì biết rằng giờ đây thầy rất ổn!

Ý Thu